Đứng trước tỷ lệ gia tăng dân số nhất thế giới, châu Phi vừa phải khai thác thế mạnh về nhân khẩu đồng thời đối diện với nhiều thách thức.
Trong báo cáo “Châu Phi thế hệ 2030” được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc công bố mới đây, châu Phi đang trải qua “cơn địa chấn” nhân khẩu. Dự báo vào năm 2060, dân số châu Phi sẽ là 2,8 tỷ người trong tổng số 10 tỷ dân số toàn cầu. Nhưng vào cuối thế kỷ 21 này, châu Phi sẽ chiếm khoảng 40% dân số thế giới, tức gấp nhiều lần so với con số 9% dân số thế giới vào năm 1950. Còn theo phân tích của Viện Nghiên cứu dân số (Ined) của Pháp, được công bố tháng trước, châu Phi hiện có 1,2 tỷ người, rồi tăng lên 4,4 tỷ người vào năm 2100. Những vùng có tỷ lệ sinh sản trung bình trên 3 con nằm tập trung chủ yếu tại các nước châu Phi.
Dân số châu Phi bùng nổ vừa mang lại cơ hội lẫn thách thức. (Ảnh: ieet.org) |
Trước tốc độ gia tăng dân số đó buộc chính phủ các nước châu Phi đặt ra những chương trình nghị sự cần thiết để lấy dân số làm trung tâm “cất cánh” nền kinh tế khu vực, ổn định xã hội. Đó là nhờ vào lực lượng lao động lớn hơn và số người phụ thuộc thấp hơn, dẫn đến cơ hội để xóa đói nghèo hay bất công xã hội kéo dài dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại. Mặt khác, châu lục nỗ lực rất lớn để giải quyết thách thức, hệ lụy từ dân số quá đông đúc. Trong bài viết ra ngày 22.10 trên trang web của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, với nhiều chính sách, chiến lược đúng đắn như giảm tỷ lệ tử vong cho các bà mẹ khi sinh đẻ, gia tăng đầu tư giáo dục, chăm sóc sức khỏe y tế đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em thì các quốc gia châu Phi có thể khai thác thế mạnh về nhân khẩu, phát triển đất nước một cách toàn diện.
“Gia tăng dân số sẽ không đóng góp cho phát triển kinh tế nếu như không có sự đầu tư đúng vào con người”. (Makhtar Diop, Phó Chủ tịch WB tại châu Phi) |
Theo WB, nhận thức được tầm quan trọng đó mà những năm gần đây, châu Phi đạt được những bước tiến rất khả quan như giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, tăng lỷ lệ đến trường cho trẻ em gái độ tuổi đi học, quyết tâm chính trị để giảm thách thức về nhân khẩu, phát triển kinh tế. Điển hình như, trong 25 năm qua kinh tế châu Phi duy trì nhịp độ tăng trưởng 2-3%, cao hơn mức bình quân của thế giới. Dự kiến tăng trưởng kinh tế của châu Phi năm 2015 sẽ đạt 4,5%. Những bài học, bước đi đó cũng có thể được áp dụng cho một số nước đang phát triển tại khu vực Đông Á, Mỹ Latinh và Trung Đông.
Tuy nhiên, châu Phi vẫn là khu vực gánh chịu thiệt hại rất lớn do bệnh tật hoành hành, như khu vực có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới, là tâm điểm của cả thế giới trước sự bùng phát mạnh mẽ của vi rút Ebola, bệnh dịch tả cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm. Mặt khác, sự phát triển của châu Phi diễn ra rất không đồng đều.
Do đó, tại Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Phi lần thứ 25 diễn ra vào giữa năm nay tại thủ đô Nam Phi với chủ đề “Quá khứ và hiện tại kiến tạo tương lai cho châu Phi”, các nhà lãnh đạo quốc tế và khu vực tập trung đến nhiều vấn đề nóng của khu vực. Đó là tìm cách ứng phó với thiếu hụt nguồn nước, lương thực, giáo dục, công nghệ, y tế, cơ sở hạ tầng và cả việc bùng nổ dân số.
NAM VIỆT