Châu về hợp phố

HỨA XUYÊN HUỲNH 15/10/2023 13:22

Chuyện di sản xứ Quảng tán rồi lại tụ, qua những cơ duyên cụ thể, nhắc ta liên tưởng đến một câu Kiều: “Biết đâu hợp phố mà mong châu về”…

Tượng “Shiva khất thực” sau khi tình cờ tìm thấy đôi chân và ráp nối.
Tượng “Shiva khất thực” sau khi tình cờ tìm thấy đôi chân và ráp nối.

1. Một buổi trưa cuối tháng 6, người bạn đang định cư ở Mỹ gửi tin nhắn qua messenger: “Hello, tin nóng nè”. Kèm bên dưới là link bản tin tiếng Anh với dòng tít: “Con gái của người buôn bán bị thất sủng bị tịch thu 12 triệu USD và bức tượng bị cáo buộc buôn lậu”.

Lúc đó, ngoại trừ nội dung trao đổi thêm của người bạn rằng đây là cổ vật nghi đánh cắp tại Mỹ Sơn, còn bản tin xấp xỉ 900 chữ không cho tôi thêm đầu mối cụ thể nào về khu đền tháp Chăm của Quảng Nam.

Bản tin chỉ hé lộ vụ “tịch thu lợi nhuận cổ vật bị cướp lớn nhất cho đến nay”, về chuyện “sẽ bàn giao một bức tượng Việt Nam từ thế kỷ thứ 7 và 12 triệu USD”, rằng kẻ buôn lậu “dành gần nửa thế kỷ để đặt những đồ vật Đông Nam Á bị đánh cắp vào tay các nhà sưu tập nghệ thuật và bảo tàng phương Tây”…

Chữ “đánh cắp” (stolen) và hình ảnh đăng kèm chụp bức tượng Durga đặt nằm ngửa trên một sạp lớn cũng gần như trượt nhanh qua dòng suy nghĩ của tôi. Dòng chú thích ảnh khá dài, cho hay vào năm 2009 người buôn cổ vật này đã gửi email bức ảnh chụp một bức tượng Việt Nam bị cướp phá…

Cho đến khi thông tin chính thức được báo chí Việt Nam đăng tải vào giữa tháng 9 về sự kiện Đại sứ quán Việt Nam tiếp nhận pho tượng đồng Nữ thần Durga từ gia đình người buôn cổ vật diễn ra chiều 13/9 tại London (Anh), “hành tung” cổ vật mới thực sự phô bày.

Kể từ đó, tượng đồng Nữ thần Durga được nhắc đến nhiều. Nhất là khi cổ vật được công bố sẽ trao trả cho quốc gia bị đánh cắp sau thời gian dài điều tra. Quảng Nam, quê hương của pho tượng đồng Nữ thần Durga, cũng đang tìm cách để sớm đưa cổ vật về chốn cũ.

UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức gửi văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao cho phép địa phương tiếp nhận, trưng bày cổ vật sau khi pho tượng đồng hồi hương.

2. Quảng Nam muốn đón nhận pho tượng đồng Nữ thần Durga cũng tha thiết như cách mà địa phương này sẵn lòng chuyển giao 2 pháp khí cầm tay của tượng Bồ tát Tara đến nơi đang lưu giữ pho tượng, ở Đà Nẵng.

Gần 10 năm trước, khi kết nối những câu chuyện cổ vật kỳ duyên xứ Quảng, tôi có đề cập hành trình cất giữ 2 pháp khí (con ốc và hoa sen) này. Lúc đó, tôi “đếm” được 2 pháp khí ấy đã trải qua ít nhất 5 đời Chủ tịch UBND xã cất giữ với dòng cảm thán: Đã hơn 30 năm mà bảo vật quốc gia vẫn chưa thể ráp nối hoàn thiện! Ai có ngờ đâu, giờ đây, cả Quảng Nam lẫn Đà Nẵng đang tìm cách để pháp khí tách rời kia được quay về, nằm lại trên lòng bàn tay tượng đồng Bồ tát Tara.

Hồi đầu tháng 8, Sở VH-TT&DL đã báo cáo về việc hợp nguyên hiện vật của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, và được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương.

Những ai theo dõi “số phận” long đong của bức tượng Bồ tát Tara đều không khỏi thốt lên: Ly kỳ! Bắt đầu từ ngày cổ vật được phát hiện dưới lòng đất ở Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) hồi năm 1978, sau đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách).

Khoan bàn đến chuyện ai đó đã lén bẻ pháp khí để cất giữ như một tín vật của quê hương trước khi chuyển pho tượng cho bảo tàng, hay giả thuyết khác là tìm thấy tình cờ sau đó. Chỉ riêng hành trình dài bảo vệ pháp khí ở một nơi bí mật, trải qua nhiều đời Chủ tịch UBND xã, đủ thấy phảng phất một niềm tôn kính của người dân trước di sản tiền nhân. Mãi đến năm 2019, chính quyền xã mới bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam bảo quản, tính ra có khoảng 10 “đời” Chủ tịch UBND xã đã âm thầm tham gia sứ mệnh cất giữ tín vật.

3. Hai chữ “đánh cắp” trong bản tin tiếng Anh về tượng đồng Nữ thần Durga hồi cuối tháng 6 nhắc tôi nhớ lại, từng có một chữ “đánh cắp” trong bài viết trên tạp chí tiếng Pháp Études Cham studies. Bài viết của tác giả Marie-Christine Duflos cũng nói về cổ vật Mỹ Sơn: bức tượng “Shiva khất thực”.

Trong khảo tả của chuyên gia H.Parmentier - nhóm công tác trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) hồi đầu thế kỷ 20, pho tượng “Shiva khất thực” còn nguyên vẹn ở Mỹ Sơn, có gương mặt nhà tu khổ hạnh tay cầm bát.

Gần 100 năm sau, khi kiến trúc sư Ba Lan Kazik trùng tu Mỹ Sơn, ông tìm thấy một pho tượng rất đẹp tại tháp A4 Mỹ Sơn bèn mang về tháp D1 trưng bày. Bức tượng mất đầu và hai tay do bị trúng bom, đôi chân cũng bên thấp bên cao.

Thêm 10 năm nữa, khi các chuyên gia Italia triển khai dự án tu bổ mới ở Mỹ Sơn, trong một lần dọn dẹp tại tháp A4, những đồng sự người Việt vô tình tìm thấy chân tượng gắn với đế rất lạ và cũng khiêng về đặt ở tháp D1. Tra cứu tư liệu, nghi ngờ đây chính là phần hư hại của “Shiva khất thực”, họ thử ráp nối với phần tượng mà kiến trúc sư Kazik đã tìm thấy trước đó, thì trùng khít.

Lắp ráp trùng khít là chuyện sau này và cũng chỉ với đôi chân. Còn phần vai và đầu tượng đã bị mất. Nhưng từ lâu, Marie-Christine Duflos đã có niềm tin là di vật “quy về một mối” khi dự đoán: Nếu như phần đầu và các chi tiết khác không bị đánh cắp thì chúng ta có thể hy vọng rằng tượng Shiva của Mỹ Sơn tại tháp A4 “sẽ được tìm thấy trong một tương lai gần”.

Nếu như không bị đánh cắp, thì niềm hy vọng của tượng đá “Shiva khất thực” còn lớn hơn nhiều so với tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay. Và chuyện 2 pháp khí sắp “đoàn tụ” trên tay tượng đồng Bồ tát Tara càng góp thêm một gợi ý thú vị.

*
*             *

Cuối tháng 10 này, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” đúc năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823) dự kiến sẽ hồi hương, sau nhiều thập niên lưu lạc trời Tây. Bất giác nhớ đến câu Kiều thứ 306, “Biết đâu hợp phố mà mong châu về”. Đại thi hào Nguyễn Du nhắc đến điển cố ở Hợp phố, xưa thuộc về Giao châu, nay thuộc Quảng Đông (Trung Quốc). Miền biển ấy có nhiều ngọc trân châu, nhưng ngọc trai bỏ đi hay quay về đều vì mấy chữ “hà khắc” hay “nhân chính”.

Đất lành thì chim đậu, bể lặng thì trai về, hậu thế đau đáu với di sản tiền nhân thì di sản rồi sẽ được toàn vẹn và đoàn tụ với xứ sở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu về hợp phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO