Châu về hợp phố

TRUNG VIỆT 21/06/2016 09:08

Trụ sở báo Tiếng Dân ở 193 đường Huỳnh Thúc Kháng –TP.Huế đã được công nhận Di tích quốc gia và đang được chính quyền TP.Huế tiến hành các bước tu sửa. Đó là tin vui đối với chúng tôi, những người làm báo.

Buổi chưa xa, mỗi lần ngang qua, ngó màu vôi ve đen đúa nhiều hơn xanh, mà não nề. Tờ nhật báo duy nhất trước 1930; tờ  báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung  kỳ; chủ nhiệm kiêm chủ bút là tay nho học cự phách, mà ý chí, quan điểm làm báo của ông có thể đúc thành vàng ròng để huấn thị cho lớp làm báo sau này. Số phận của trụ sở báo Tiếng Dân, đặt trong mối ưu tư của gia đình cụ Huỳnh Thúc Kháng, đau đáu của anh em làm báo, dằn vặt của những ai quan tâm đến di tích văn hóa, như bị trêu ngươi bởi thời gian, mà thời gian đó được diễn tiến với sự ì ạch của chính quyền sở tại, mà nói thẳng ra là vô cảm một thời gian dài. Nhớ có lần, cháu cụ Huỳnh là ông Huỳnh Toản kể, hồi bà Nguyễn Thị Bình còn làm Phó Chủ tịch nước, ông đã mang đơn đòi trụ sở này ra gặp bà, nói thẳng cụ Phan Châu Trinh và cụ Huỳnh là bạn, mong chị giúp tôi. Hồ sơ từ Văn phòng Chủ tịch nước gửi về, rơi vào im lặng. Kiện 2 lần ra tòa, cũng… trất quơ; bao lần đưa đơn lên chính quyền, cũng… nước đổ lá môn. Báo chí vào cuộc. Không biết bao nhiêu lời ai oán, buồn não lẫn phẫn nộ cho một địa chỉ văn hóa đã bị những người có trách nhiệm ngó lơ… Tất cả, không những một mà là hàng loạt hồi chuông đã gióng lên, nhưng rốt cuộc ai đánh nấy nghe.

Trụ sở Báo Tiếng Dân xưa và di tích hiện nay.
Trụ sở Báo Tiếng Dân xưa và di tích hiện nay.

Đến năm 2015, động thái cấp tỉnh một lần nữa khởi động là sở VH-TT Quảng Nam làm việc với Thừa Thiên Huế về vấn đề trả lại không gian, linh hồn, tiếng nói một thời của Tiếng Dân, để ở đó hồi sinh trang báo ký ức lẫm liệt mà không phải ai cũng làm được. Cụ Huỳnh đã lãnh đạo tờ báo tồn tại dưới sự kiểm duyệt khắt khe của Pháp, nhưng nói được tiếng nói của dân, bằng tinh thần gang thép, đến nỗi nhà cầm quyền sợ run nhưng không làm gì được, quả là có một không hai! Đấy là bản lĩnh và ý chí, làm báo bằng cái lý của chân lý vì dân sinh dân quyền dân chủ.

Lẽ ra, nhà đương chức thời nay, khi cố gắng cứu vãn cơn đau rỗng ruột văn hóa đang vò xé xã hội, thì điểm đến đầu tiên của họ chính là thông qua văn hóa mà truyền dạy lịch sử chân xác với bao bài học có thể gợi lên nỗi hoài cảm mãnh liệt ở người đương thời, thì lại quay sang lập đền thờ miếu mạo tổ chức lễ hội um sùm đờn ca sáo thổi tiền bạc như lá rừng, để rồi mọi thứ  “tan hội, hội tan”, chẳng đọng lại ở người khác chút gì gọi là tự vấn tích cực, mà bồi thêm ở đó sự chán chường, chưa nói là lưu tập thói tiêu cực. Trụ sở báo Tiếng Dân là một ví dụ trong đòn bẫy gieo hạt mầm của tình yêu sự thật, tinh thần dũng cảm của người làm báo. Một nhà văn ở Huế đã chua xót nói: Huế nên và phải tự hào rằng, đất núi Ngự sông Hương từng một thuở là trung tâm báo chí miền Trung, với báo Tiếng Dân lẫm liệt, nhưng ngó lại mà coi, bao nhiêu năm, trụ sở Tiếng Dân  như ki ốt chia lô với bao căn hộ sập sệ gió mưa. Huế là trung tâm đào tạo báo chí hàng đầu miền Trung nhưng có được bao nhiêu sinh viên báo chí  biết báo Tiếng Dân ở đâu?!

Những tiếng kêu bao năm không lọt nổi sông Hương để vô phía bên kia thành phố,  ngõ hầu người có trách nhiệm nghe bằng tâm chứ không bằng tai, mà nó chỉ lần quần rồi rơi tõm xuống con sông nhỏ từ chợ Đông Ba chảy về, dưới đó xúm xít một thuở vạn đò leo lét đèn dầu phận buồn như nước cuối dòng tù đọng. Bây giờ, gió đã qua sông, tiếng kêu bao năm của bao nhà báo, cấp có trách nhiệm ở Quảng Nam, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự trở về của  niềm tự hào, dẫu ngó lại cũng dằng dặc nỗi hoài cổ, lắm lúc nghẹn tim. Người ta có quyền mong chờ ngày di tích trên được công nhận, đánh dấu bước dừng chân của phận một tòa soạn dẫu chỉ còn cái nền đá cũ, nhưng sự dừng chân ấy là khởi đầu cho chuyển động về niềm tin rằng, rồi châu cũng về hợp  phố, tòa soạn của những viên chức ròng Nho học, nửa Nho nửa Pháp, tiền  in, tiền giấy, tiền lương, đều cổ phần tất cả, có quảng cáo nhưng không bừa bãi như báo bây giờ, và quan trọng hơn, là những dòng, những đòn đánh vừa hung hiểm vừa mưu trí, khiến tòa Khâm sứ mỗi số báo phải căng  ra mà dò cắt, đục, bỏ, sẽ sống lại trong cái nhìn của người hôm nay.

  Tồn tại từ 1927 - 1943, Tiếng Dân là tiếng cười ngạo vào sự kiểm duyệt của chính quyền đương thời và bóng cụ Huỳnh in hằn trên đó. Di tích trụ sở của tờ báo xưa, niềm tự hào của người xứ Quảng làm báo xứ người, sắp tới  chắc sẽ mở cửa đón khách, lúc đó mùi  hương cũ hẳn không còn nữa, nhưng cái nhìn nghiêm khắc, thẳng băng của vị chủ nhiệm Huỳnh Thúc Kháng hẳn không thể không dội vào tim những ai đang cầm bút và đau đáu cho đời sống. Mong rằng, lần này trụ sở Tiếng Dân không “đình bản” nữa.

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu về hợp phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO