Chảy đi sông ơi...

HỮU PHÚC 31/01/2019 04:00

Như dải lụa mềm vắt từ Đà Nẵng về phía bắc Quảng Nam, ven sông Cổ Cò bây giờ vội vã với nhịp sống hiện đại. Đô thị mới hai bên bờ sông hình thành, hứa hẹn hồi sinh Lộ Cảnh giang một thời nức tiếng buôn bán ở xứ Đàng Trong.

Hạ tầng khu phố ven sông Cổ Cò đang hoàn thiện.Ảnh: Hữu Phúc
Hạ tầng khu phố ven sông Cổ Cò đang hoàn thiện.Ảnh: Hữu Phúc

Phố bên sông

Đoạn sông chảy qua khối phố Viêm Đông (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) không gợn sóng. Mặt nước soi bóng tòa nhà cao tầng; có khúc bị bồi lấp, hiện trạng như đoạn bàu đầm. Ven bờ sông Cổ Cò (trước đây có tên Lộ Cảnh giang), các công trình xây dựng resort, khách sạn đua nhau mọc lên. Những cồn cát hoang đầy cỏ dại, mặt bằng nham nhở vì đang trong quá trình thi công. Từ khi các dự án đô thị đầu tư hạ tầng, rồi Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Bách Đạt, Tập đoàn Đất Quảng… rao bán nền đất, vùng đất bên sông Cổ Cò được biết đến như… phố bất động sản. Trục đường xương sống ĐT607A nối với ĐT603, giáp tuyến đường biển Đà Nẵng - Hội An; hạ tầng giao thông dọc ngang kết nối đồng bộ cùng với các dự án du lịch, đô thị sinh thái khiến vùng đất này có tốc độ đô thị hóa năng động bậc nhất miền Trung.

Phía Đà Nẵng, đã hình thành khu đô thị Nam Việt Á, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cocobay, sân golf Montgomerie Links, sân golf VinaCapital, khu đô thị Sea View, khu đô thị Công nghệ FPT, khu đô thị Phú Mỹ An… Còn ở Quảng Nam, sau khi cùng hợp tác với Đà Nẵng, dọc sông Cổ Cò, phía Hội An, dự án khu đô thị sinh thái Coco Complex Riverside đã đầu tư hoàn thiện nền nhà phố liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng ven sông, công viên cây xanh, trường học, khu thương mại. Phường Điện Ngọc của thị xã Điện Bàn dự phần vào nhiều khu đô thị, khu phố thương mại, khai thác đất dân cư… Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc Phan Văn Huyến cho biết, gần như đất ở khu vực vùng đông, chạy dọc sông Cổ Cò qua địa bàn được lấp đầy dự án đô thị, tốc độ triển khai khá nhanh.

Nhìn về tương lai

Khơi dòng
Dự án “Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP.Hội An” được thực hiện từ năm 2018 - 2022, nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, chống xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng và bảo tồn các di sản tại đô thị cổ Hội An; đồng thời hoàn thiện tuyến giao thông đường thủy liên vùng Đà Nẵng - Quảng Nam, tạo quỹ đất cho quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ ven sông và khu dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh: 341,256 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác: 508,744 tỷ đồng.P.V

Trong quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, sông Cổ Cò là điểm nhấn quan trọng tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái cho đô thị mới khi dòng sông này được nạo vét khơi thông. Năm 2012, Quảng Nam phê duyệt quy hoạch tổng thể 2.600ha không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An. Đất chủ yếu dành cho phát triển các khu du lịch, đô thị, khu vực cây xanh trung tâm. Cổ Cò không chỉ là vành đai xanh, mà còn là trục đô thị chằng chịt mạng lưới giao thông qua sông. Đây là sự kế thừa lịch sử, bởi thế kỷ XVI - XVII, các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa từng sử dụng thủy lộ này để ra vào buôn bán.

Từ năm 2016, Quảng Nam và Đà Nẵng xác định khơi thông dòng Cổ Cò là dự án lớn cần ưu tiên thực hiện trong hợp tác hỗ trợ cùng phát triển giữa 2 địa phương. Quảng Nam đã lập quy hoạch phát triển không gian đô thị bên sông Cổ Cò khớp nối với quy hoạch chung. Tiếp đến, năm 2017, Khu kinh tế mở Chu Lai triển khai nạo vét sông qua TP.Hội An và thị xã Điện Bàn với chiều dài 14km. Thị xã Điện Bàn được giao làm chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư đoạn 10km còn lại. Và đến nay địa phương bố trí gần 140 tỷ đồng giải phóng mặt bằng 74ha, đang lựa chọn các nhà đầu tư phát triển đô thị cao cấp.

Ông Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, sông Cổ Cò không có quy hoạch phân khu riêng, từng dự án xây dựng bám theo quy hoạch chung. Giải pháp hữu hiệu là gấp rút khơi thông sông để giải quyết khả năng thoát lũ cho cả Đà Nẵng và Hội An. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang từng nói, khơi thông sông Cổ Cò và xây dựng thành phố ven sông có “lợi ích kép” là vừa hiện thực hóa quy hoạch đô thị vừa ứng phó với biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chảy đi sông ơi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO