(QNO) - "Chúng ta sẽ trải qua một sự thay đổi công nghệ làm thay đổi con người, doanh nghiệp và xã hội nói chung" - CEO Hans Vestberg của nhà mạng Verizon (Mỹ) đưa ra nhận định về công nghệ 5G.
Bước nhảy vọt
Trong quá khứ, mạng 2G kéo theo sự phát triển của điện thoại di động và 3G làm trỗi dậy làn sóng điện thoại thông minh, còn 4G đã thúc đẩy dịch vụ phát trực tuyến. Không phải là sự cải tiến của 4G, cũng không phải là cài đặt 5G trên bộ định tuyến wifi (5GHz), thuật ngữ 5G (5th Generation) dùng để chỉ mạng không dây thế hệ tiếp theo với tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt.
Theo Liên minh Mạng di động NGMN (Đức), mạng 5G phải đáp ứng được yêu cầu có thể tải xuống dữ liệu ở “mọi nơi” với tốc độ tối thiểu 50 megabit/giây (Mbps) và tối đa lên đến 2 gigabit/giây (Gbps). Điểm đặc biệt của 5G bao gồm tốc độ truyền tải cao, giảm độ trễ khi phát hoặc nhận tín hiệu và đặc biệt là băng thông rộng giúp kết nối đồng bộ nhiều thiết bị hơn cùng lúc trong cùng một khu vực thay vì phải “chen chúc” như trước đây. 5G cũng được thiết kế để hoạt động trên bất kỳ tần số nào, từ băng tần thấp dưới 1GHz, đến băng tần trung bình từ 1-6GHz và cả băng tần cao được gọi là sóng milimet (mmWave).
Trong điều kiện lý tưởng, công nghệ 5G có thể nhanh hơn 100 lần so với 4G, cho phép mọi người tải xuống mọi thứ nhanh hơn hoặc xem phim với chất lượng 4K mà không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, độ trễ của 5G cũng được đưa xuống mức thấp nhất chỉ 0,001 mili giây. Điều này có nghĩa là những cuộc họp trực tuyến hàng trăm người sẽ diễn ra một cách suôn sẻ mà không gặp phải bất kỳ sự chệch nhịp nào. Trong tương lai xa hơi, hình ảnh chụp từ điện thoại có thể không cần lưu trữ trong máy mà được chuyển trực tiếp lên lưu trữ “đám mây” chỉ trong tích tắc.
Thay đổi cuộc chơi
Công nghệ 5G tạo động lực cho tất cả mọi thành tố của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, từ Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence - AI), dữ liệu lớn (Big Data) cho đến thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR). Mọi lĩnh vực trong đời sống từ đó cũng có thể bị ảnh hưởng như sản xuất, giáo dục, nông nghiệp cho đến y tế, quốc phòng.
5G giúp hiện thực hóa tương lai của IoT, khi không chỉ điện thoại hay máy tính mà tất cả các thiết bị có thể kết nối internet đều dễ dàng được liên kết mạnh mẽ với nhau, điều mà 4G vẫn chưa thật sự làm được. Theo dự đoán của DBS Group Research (Singapore), sẽ có 125 tỷ thiết bị được kết nối vào năm 2030, so với con số 11 tỷ ở năm 2018. Song hành với những tiến bộ từ AI, công nghệ 5G sẽ thúc đẩy hàng loạt sáng kiến làm thay đổi thế giới từ xe tự lái, nhà máy tự vận hành cho đến thành phố thông minh.
Những chiếc xe không người lái hoàn toàn tự chủ, mang theo cảm biến giúp tự nhận biết và giao tiếp với những xe xung quanh để tránh tai nạn và giảm thiểu tắc nghẽn. Một đô thị thông minh có thể thu thập và xử lý lượng lớn dữ liệu từ hàng triệu xe đang lưu thông trên đường một cách nhanh chóng để tắt bớt đèn ở những khu vực không có người đi lại nhằm tiết kiệm điện năng hay đơn giản là gợi ý chỗ đỗ xe còn trống.
Một ngày nào đó khi cảm thấy không khỏe, bất kỳ công dân nào cũng có thể ở yên trong nhà và yêu cầu được chăm sóc bởi một chiếc xe cấp cứu tự vận hành. Bác sĩ không cần đến tận nơi nhưng vẫn có thể trò chuyện, kiểm tra chỉ số của bệnh nhân bằng cách điều khiển các thiết bị y tế có sẵn. Độ trễ của 5G gần như bằng không giúp mang lại thời gian thực, nhờ đó một cuộc phẫu thuật thậm chí vẫn có thể được tiến hành từ xa bằng robot.
Công nghệ 5G còn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quyền riêng tư, an ninh công cộng và quốc gia. Do tính liên kết lớn, 5G tiềm ẩn rủi ro khiến mọi thứ như thông tin cá nhân hoặc hệ thống điện của cả quốc gia dễ dàng bị tin tặc tấn công hơn. Mạng 5G cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các loại vũ khí tự động hoàn toàn, có thể tự đưa ra quyết định bắn vào các mục tiêu mà không cần sự cho phép của con người.
Cuộc đua chưa hồi kết
Trong thế giới hiện đại, kiểm soát công nghệ đồng nghĩa với kiểm soát thế giới. Với sức mạnh của 5G, không có gì ngạc nhiên khi nó trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các quốc gia.
Khu vực Đông Á chứng kiến sự phát triển sôi động của mạng 5G. Không chỉ là quốc gia đầu tiên “thương mại hoá” 5G, Hàn Quốc còn là nơi có tốc độ 5G nhanh thứ nhì thế giới (sau Saudi Arabia) với tốc độ tải xuống lên tới 312,7Mbps, theo báo cáo của hãng nghiên cứu OpenSignal công bố hồi tháng 8.
Thông qua sự lớn mạnh của tập đoàn Huawei, Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu trong cuộc đua 5G. Theo thống kê của Asian Nikkei Review vào cuối tháng 7, người dùng 5G của Trung Quốc đã vượt qua con số 88 triệu người, chiếm hơn 80% người dùng toàn cầu. Vào cuối năm 2020, số lượng trạm gốc 5G ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt gần 1 triệu, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bên cạnh đó, tập đoàn Huawei còn chiếm lĩnh thị trường cung cấp thiết bị 5G cho các nhà mạng toàn cầu nhờ giá thành rẻ và nắm giữ hàng loạt bằng sáng chế công nghệ lõi.
Làn sóng truyền thông di động thuở ban đầu chủ yếu do các công ty Mỹ và châu Âu thúc đẩy. Nhưng khi kỷ nguyên 5G đến gần, EU bị tụt lại phía sau khi triển khai một cách chậm trễ, dù là quê hương của Ericsson và Nokia, hai công ty viễn thông hàng đầu thế giới hiện nay. Mặc dù Anh đã từ chối, nhưng một số quốc gia như Đức, Pháp, Thuỵ Điển vẫn đang phụ thuộc vào thiết bị 5G do Huawei cung cấp.
Với “Chiến lược quốc gia về bảo mật 5G”, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sự hiện diện của Huawei bằng hàng loạt lệnh cấm cũng như kêu gọi đồng minh không sử dụng công nghệ của tập đoàn này. Về phía mình, Mỹ cũng không ngừng đầu tư cho các công ty trong nước để tự phát triển công nghệ riêng, hỗ trợ tài chính cho các nhà mạng để sử dụng thiết bị 5G đến từ Samsung, Ericsson hoặc Nokia. Cũng theo báo cáo từ OpenSignal, Mỹ chỉ đứng vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ 5G với tốc độ tải xuống trung bình 50,9Mbps.
Cuộc đua vẫn còn rất dài và tất cả những thay đổi đến từ 5G sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Trong khi các nhà mạng lớn đang bận rộn phát triển cơ sở hạ tầng để sẵn sàng phát sóng 5G, các thiết bị có khả năng truy cập 5G vẫn cần thêm vài năm nữa để đến tay đông đảo người dùng.