Việc “chảy máu” chất xám tại các bệnh viện công không phải là câu chuyện mới, cộng thêm thông tư của Bộ Y tế về thông tuyến BHYT vào giữa tháng 8 vừa qua càng làm cho vấn đề nêu trên có xu hướng ngày càng tăng.
Theo thông tư của Bộ Y tế mới ban hành, người dân đăng ký BHYT tại tuyến xã khi tham gia khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế hay bệnh viện tư nhân đều được tính là đúng tuyến (trước đây là trái tuyến, chỉ được thanh toán 70% so với 85%). Cùng với đó, một phần lương của các cán bộ y tế sẽ được chi trả trực tiếp từ phí khám chữa bệnh của bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh viện nào có đông bệnh nhân thì mới có thể đảm bảo được việc trả lương cho nhân viên của mình.
Ông Thân Trọng Long - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng tại huyện Núi Thành) cho biết, chỉ tính riêng trong khoảng 2 năm trở lại đây, đã có hơn 50 bác sĩ đang công tác ở bệnh viện này xin chuyển đi nơi khác. “Do bệnh viện là tuyến của trung ương, ít người đăng ký BHYT tại đây, chưa kể bệnh nhân muốn đến điều trị phải chuyển tuyến qua 2 cấp nên số lượng người đến khám chữa bệnh rất hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các bác sĩ ở đây lần lượt xin chuyển công tác. Bởi bác sĩ mà không có người khám chữa bệnh thì sẽ dễ bị lụt nghề” - ông Long lý giải.
Các BV tư đang có lợi thế lớn trong việc thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh cũng như lượng bác sĩ về làm việc so với các BV công. Ảnh: N.D |
Đây cũng chính là tình trạng chung mà các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Nhất là từ ngày 15.8, Bộ Y tế áp dụng việc tăng viện phí thêm 18%, trong đó quy định một phần chi trả lương cho cán bộ y tế sẽ được trích từ quỹ BHYT mà các bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh. Ông Nguyễn Hoàng Viên - Giám đốc Bệnh viện Thái Bình Dương - Tam Kỳ cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2015, bệnh viện đã tiếp nhận, thu dung hơn 10 bác sĩ từ các bệnh viện công trên địa bàn xin chuyển đến làm việc. Trong khi đó, bác sĩ Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) cho hay, từ khi thông tuyến BHYT, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng 20 - 30% so với trước. Trung bình mỗi ngày bệnh viện đón tiếp và khám chữa bệnh 800 - 900 lượt người.
Kéo theo đó, nhiều bác sĩ các nơi đến xin làm việc tại đây cũng tăng lên. Hiện tại, bệnh viện có hơn 60 bác sĩ ở các khoa phòng tham gia khám chữa bệnh cho người dân. “Có rất nhiều bác sĩ tại các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh đến xin làm việc tại đây, tất nhiên trọng dụng người tài là cần thiết nhưng chúng tôi không muốn lôi kéo những bác sĩ ở trong tỉnh mà chỉ ưu tiên cho các bác sĩ ở ngoại tỉnh như Huế, Đà Nẵng. Riêng ở Đà Nẵng hiện tại đã có 15 bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện” - ông Ân cho hay. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc Bệnh viện Thăng Hoa (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều bác sĩ ở các nơi xin về làm việc tại bệnh viện. “Tùy theo trình độ của mỗi người để quyết định có tuyển dụng hay không. Điều quan trọng là phải giữ được đội ngũ bác sĩ chính của mình, tránh việc bị chảy máu chất xám bởi để đào tạo được một bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm tốn rất nhiều thời gian” - bác sĩ Phước nói.
“Với việc một phần lương của cán bộ y tế sẽ được chi trả trực tiếp từ nguồn quỹ BHYT khám chữa bệnh của bệnh nhân là một áp lực rất lớn đối với các bệnh viện công. Nhất là sắp tới vào năm 2020 sẽ áp dụng việc mua sắm trang thiết bị khám chữa bệnh cho bệnh viện cũng được trích từ nguồn nêu trên, thay cho việc được nhà nước cấp chi phí như trước đây thì áp lực còn lớn hơn nữa. Vừa phải tạo uy tín với bệnh nhân, vừa giữ được bác sĩ giỏi để gây dựng thương hiệu không hề đơn giản” - ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết.
NGUYỄN DƯƠNG