Khi đất nước và nhân loại trải cơn đau vì đại dịch Covid-19, ta chợt ngộ ra điều tâm cảm mà nhân vật Batsana trong Quy luật của Muôn Đời - một tác phẩm nổi tiếng của Nodar Dumbatze, bộc bạch: “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua...”.
Nhìn bầu trời trở nên trong hơn vì ít bị ô nhiễm do cách ly xã hội, ta nhận ra con người sống nhờ trái đất nhưng phũ phàng tàn hại hành tinh này biết bao nhiêu. Người cứ lao đi kiếm tiền thật nhiều nhưng có lúc không mua được sức khỏe. Người cứ tưởng trí tuệ mình vô địch nhưng chẳng hiểu nổi vì sao dịch lây lan nhanh khiến dễ chết đến vậy. Người nghĩ sống là phải tranh đoạt nhưng khi được chút lợi thì cái hại cũng vô cùng. Người cứ đua chen mua sắm tiêu dùng nhưng thứ cần dùng nhiều khi không có. Người mơ trường sinh bất tử biết đâu đời là hữu hạn. Người lựa chọn bạn dài lâu nhưng khi ta đau liền trở mặt…
Bao vòng xoáy đó cuốn ta đi, khiến giờ đây có lời cảnh tỉnh là hãy tìm cách sống trong cái bình - thường - mới, cuộc sống hôm nay và ngày mai sẽ không thể như hôm qua nữa. Nhân loại phải trả lời hàng loạt câu hỏi: Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phải sắp xếp lại trật tự như thế nào? Sản xuất sẽ ưu tiên nhu yếu phẩm, vậy có nên làm ra thứ gây chết chóc như súng đạn, vũ khí sinh học nữa không? Biến đổi khí hậu sẽ còn ảnh hưởng đến đâu nếu còn hút dầu, đào quặng và nhả khí công nghiệp? Cái gì là giá trị chung mà thế giới phải gìn giữ?...
Câu hỏi cuối cùng là điều gì làm cho con người bất tử? Dưới cái nhìn nhân văn, đó là tâm hồn con người. “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống...” (Quy luật của Muôn Đời).
Lòng nhân ái, sự hảo tâm giúp con người cưu mang nhau qua cơn đau. Như những “thiên thần áo trắng” đã và đang chạy đua với thời gian, tiếp sức cho nhau để cứu hơn 2 triệu người nhiễm bệnh trên 200 quốc gia.
Như câu thơ Lưu Quang Vũ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, cuộc chạy tiếp sức cho lòng yêu thương, chia sẻ với người nghèo, với đồng bào, đã hiện lên bao vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Biểu hiện cụ thể của điều ấy là cây ATM gạo tuôn trào lòng nhân ái, từ cây ATM đầu tiên của Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh (PHG Lock) “mong không ai phải gục ngã vì đói”, nay đã nhân ra, nhân lên hàng trăm cây ATM trên ba miền Tổ quốc. Những tên gọi thật đẹp với hạt gạo yêu thương, hạt gạo tình thương, hạt gạo nghĩa tình, tiếp nối chảy đi từ thành thị đến nông thôn, từ Sài Gòn, Hà Nội chảy về những miền quê xứ Quảng, từ đồng bằng lên biên giới.
Thật đúng như những gì Lưu Quang Vũ dự cảm “tôi thở trong sức gió muôn người, mùa gió mới nhờ em tôi có lại”. Vậy điều bình - thường - mới có khi chính là điều rất cũ như thời nhà thơ đã ước mơ “con người được nghỉ ngơi ở giữa con người”, nay tiếp tục, tiếp sức khơi dậy tình yêu con người trong bao tâm hồn nữa:
“Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời...”.
Từ Quy luật của Muôn Đời, “tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng...”, đến những biểu lộ của lòng nhân ái trong cơn đại dịch, là cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ, cho ngọn gió lành thổi qua cõi người.