"Chạy" trước mưa bão - Bài 2: "Lập trình" cho hồ chứa

NGUYỄN VĂN SỰ - TRUNG LỘ 24/09/2013 08:07

Quảng Nam có số lượng hồ thủy lợi nhiều nhất miền Trung. Trong đó, nhiều công trình được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất cao. Vì thế, các địa phương và các ngành liên quan đang ráo riết triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 1: Nỗi lo cũ
Khẩn trương thi công hoàn chỉnh mái hạ lưu hồ chứa nước Thạch Bàn (Duy Xuyên).Ảnh: VĂN SỰ
Khẩn trương thi công hoàn chỉnh mái hạ lưu hồ chứa nước Thạch Bàn (Duy Xuyên).Ảnh: VĂN SỰ

Nhiều công trình xuống cấp

Hiện nay toàn tỉnh có 73 hồ thủy lợi với tổng lượng nước trữ khoảng 500 triệu mét khối. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý 17 công trình, còn lại 56 công trình do địa phương quản lý. Theo ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các hồ chứa do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đã cơ bản được nâng cấp; công tác duy tu, bảo dưỡng được tiến hành thường xuyên nên sớm khắc phục được tình trạng xuống cấp. Tuy nhiên, hiện 56 hồ chứa vừa và nhỏ do các địa phương quản lý phần lớn đã bị xuống cấp nặng. Nguyên nhân là hầu hết công trình này được xây dựng cách đây 20 - 30 năm, việc thi công chủ yếu bằng thủ công nên chất lượng công trình thấp. Thế nhưng do khó khăn về vốn nên thời gian qua chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Hồ chứa nước Thành Công (xã Tiên An, huyện Tiên Phước) được thi công hoàn thành vào năm 1977, phục vụ tưới cho hơn 20ha đất sản xuất lúa. Ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, hiện nay nhiều hạng mục quan trọng bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Qua kiểm tra cho thấy, cây cối lớn mọc rất nhiều trên mái hạ lưu và thượng lưu của đập. Cạnh đó, bê tông sân tràn bị hư hỏng, cống lấy nước không hoạt động. Đặc biệt, trước ngưỡng tràn đóng những cọc cừ bê tông rào chắn làm trở ngại cho việc thoát nước, dễ gây mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Theo ông Thương, ngoài 128 đập dâng, toàn huyện có tổng cộng 7 hồ chứa nhỏ do chính quyền cấp xã quản lý. Vì những công trình này xây dựng cách đây hàng chục năm, các địa phương không có kinh phí sửa chữa, gia cố nên mấy năm gần đây nhiều công trình bị xuống cấp. Tại hồ chứa Chấn Sơn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) đập tràn không đủ khẩu độ thoát nước, địa phương tự nâng đỉnh đập bằng bao tải nên không đảm bảo an toàn. Còn ở hồ chứa Đá Chồng (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn), đập đất bị sạt, có dấu hiệu trượt mái thượng – hạ lưu dễ gây mất an toàn...

Theo ông Huỳnh Hoàng – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, hiện 17 hồ chứa nước lớn do đơn vị trực tiếp quản lý đã xây dựng cụ thể phương án phòng chống lụt bão (PCLB) phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi công trình. Tại mỗi hồ chứa đều có Ban Chỉ huy PCLB riêng. Ông Hoàng nói: “Ngoài lực lượng xung kích tại chỗ đã được thành lập, hiện tại tất cả các hồ chứa của đơn vị đã có phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu xảy ra”. Đối với 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền cấp xã và hợp tác xã nông nghiệp quản lý, thời gian qua ngành chức năng ở tỉnh đã đề nghị UBND cấp huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chặt phá tất cả các loại cây thân gỗ mọc trên mái thượng – hạ lưu, mang tràn xả lũ, cống lấy nước để thuận lợi cho việc kiểm tra, quan trắc trong mùa mưa bão. Đồng thời, tập trung gia cố các vị trí mái đập bị sụt lún, vá những điểm tràn, cống bị nứt. Đặc biệt, nhanh chóng củng cố Ban Chỉ huy PCLB, thành lập các đội xung kích và tập kết đầy đủ phương tiện, vật tư để chủ động đối phó với những sự cố có thể xảy ra...

Hồ thủy điện chủ động xả lũ

Đến thời điểm này, Quảng Nam có 16/25 nhà máy thủy điện (NMTĐ) được các ngành chức năng phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa nước thủy điện và đã hoàn tất phần việc cuối cùng trong phương án PCLB, sẵn sàng ứng phó với mùa mưa lũ. Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý an toàn đập các công trình thủy điện trong công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Ông Võ Thí - Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương) cho biết, qua kiểm tra ở 25 dự án thủy điện, về cơ bản các chủ đầu tư đã tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, an toàn đập ở các hồ chứa. Hầu hết NMTĐ đã chủ động cùng với chính quyền địa phương xây dựng Quy chế phối hợp về công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo ông Thí, đến nay vẫn còn một số NMTĐ chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định. Trong đó vẫn còn không ít chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục kiểm định an toàn đập, chưa được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng. Đến nay vẫn còn nhiều nhà máy chưa thực hiện cắm mốc giới xác định phạm vi bảo vệ phụ cận đập, hành lang bảo vệ hồ chứa và chưa lập quy trình vận hành hồ chứa; xây dựng các phương án bảo vệ đập, phương án PCLB bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phương án PCLB cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập...

Tăng cường kiểm tra an toàn, quy trình vận hành hồ chứa

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến an toàn hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi trong công tác PCLB năm 2013 với UBND các tỉnh, thành trong cả nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra về an toàn, tổ chức giám sát việc kiểm định an toàn đập, tổ chức giám sát việc vận hành đúng quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Phó Thủ tướng yêu cầu, nếu các NMTĐ có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, các chủ đầu tư phải ngừng tích nước, phát điện cho đến khi đã đủ điều kiện về an toàn theo quy định.

Đến nay các NMTĐ trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất những phần việc cuối cùng trong phương án PCLB, sẵn sàng cho mùa mưa lũ 2013. Các NMTĐ đã tổ chức diễn tập phương án PCLB, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ từ xa tại các huyện hạ du và hệ thống camera giám sát hình ảnh phục vụ chỉ đạo điều hành PCLB. Công ty CP Thủy điện A Vương đã đưa trung tâm thường trực chỉ huy PCLB phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tại huyện Đại Lộc đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Trâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, công ty vừa lập xong bản đồ quy hoạch và xây dựng 7 hệ thống báo mức ngập lụt tự động tại các khu vực dân cư tại huyện Đại Lộc có tính năng ghi nhận và truyền thông tin tự động về mức ngập lụt qua sóng điện thoại di động GSM đến trung tâm điều hành và trực ban công ty. Trong mùa mưa lũ, mỗi khi xả tràn hồ chứa, trung tâm thường trực chỉ huy PCLB của công ty sẽ thông tin xả tràn qua điện thoại di động và sử dụng các phương tiện giao thông lắp còi báo động lũ lụt, xả tràn hồ chứa để thông báo cho người dân ở 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc. Ông Trâm cho biết thêm, ngoài việc trang bị máy vô tuyến kết nối với đài thông tin duyên hải, công ty còn trang bị điện thoại vệ tinh tại đập A Vương, đảm bảo hệ thống thông tin tín hiệu không bị gián đoạn trong suốt thời gian mưa bão...

Tại các NMTĐ khác như Sông Côn, Đăk My 4, Đăk My 3, Sông Bung 5, Sông Bung 4A ... hiện đã hoàn tất phương án PCLB, đảm bảo an toàn đập và phòng chống lũ lụt vùng hạ du; tổ chức diễn tập PCLB. Bên cạnh đó, các NMTĐ đã thực hiện quan trắc mực nước hồ, lượng mưa tại tuyến công trình; kiểm định đập đúng quy định; chuẩn bị phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng như đập tràn, cửa nhận nước, nhà máy khi mất nguồn điện; tăng cường lực lượng bảo vệ ở khu vực đập, hồ chứa và nhà máy. Ngoài ra, các NMTĐ còn tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân vùng xung quanh đập, hồ chứa nắm rõ vấn đề an toàn đập trong mùa mưa bão…

_________________________
Bài 3: Thông đường ứng phó với mưa bão

NGUYỄN VĂN SỰ - TRUNG LỘ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chạy" trước mưa bão - Bài 2: "Lập trình" cho hồ chứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO