Những năm qua người dân ở các vùng trũng thấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều phương án để đối phó với bão lũ. Năm nay, hàng loạt công trình thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân trong vùng dễ bị tổn thương có chỗ lánh nạn an toàn.
|
Công trình Trạm Y tế kết hợp nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão lũ ở xã Bình Đào.Ảnh: H.PHÚC |
Nhà chống bão, lũ
Năm nào cũng vậy, hễ mực nước trên các con sông lớn của tỉnh lên mức báo động thì vùng thấp trũng xã Bình Đào (Thăng Bình) bị nhấn chìm trong biển nước. Bình Đào nằm cạnh sông Trường Giang nối hệ thống sông Thu Bồn ở phía bắc với vũng An Hòa phía nam, thường xuyên ngập lũ nhưng trước đây không có chỗ trú tránh an toàn. Mùa mưa bão năm nay địa phương không còn phải lo nữa vì đã có công trình Trạm Y tế kết hợp nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão lũ. Nhà đa năng được xây dựng kiên cố 2 tầng và trạm y tế có phòng cấp cứu, phòng sản và phòng điều trị. Công trình đủ sức chứa hơn 500 người sinh hoạt ít nhất 3 ngày. Ông Hồ Văn Diêm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Đào phấn khởi: “Công trình này rất bổ ích không chỉ cho người dân địa phương mà cả vùng đông huyện Thăng Bình. Trong điều kiện bão lũ, việc tập trung đông người dân đến lánh nạn tất sẽ phát sinh lây lan dịch bệnh. Trong tình huống này, chức năng của trạm y tế kế cạnh sẽ phát huy hết công năng sử dụng”. Tương tự, nếu nước sông Thu Bồn dâng cao, vùng trũng thấp Điện Phước (Điện Bàn) bị nhấn chìm thì Nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão lũ ở địa phương này (công trình đưa vào sử dụng năm nay) có thể chứa gần 1.000 người dân tạm trú trong vòng 3 - 5 ngày. Hai công trình trạm y tế xã kết hợp với nhà đa năng phục vụ tránh bão lũ ở 2 xã Bình Đào và Điện Phước có nguồn vốn đầu tư gần 14 tỷ đồng, nằm trong khuôn khổ chương trình ứng phó với BĐKH do Vương quốc Đan Mạch tài trợ.
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên) đã đầu tư xây dựng nhà tránh lũ nằm dọc triền núi Hóc Kết, Dương Bìa, Hóc Duyên, Khe Trôi... Ngôi nhà mà vợ chồng ông Nguyễn Cư (thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu) đang ở thuộc vùng trũng thấp, lại nằm gần sông Thu Bồn nên thường gặp nguy hiểm vào mùa bão lũ. Năm 1995, ông vào triền núi Khe Trôi chọn một khu đất bằng phẳng rồi bỏ ra gần 10 triệu đồng mua vật liệu về xây một ngôi nhà bán kiên cố. Có nhà trên núi nên trước khi bão lũ ập đến là ông Cư khẩn trương đưa vợ con lên trú ngụ, đồng thời di dời trâu bò, heo gà, lúa gạo và những tài sản có giá trị ra khỏi vùng nguy hiểm. Bà Võ Thị Ry - Trưởng ban Dân chính thôn Thạnh Xuyên cho biết, thấy ông Cư xây nhà tránh lụt trên núi rất có hiệu quả và thích hợp với tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp nên từ năm 2000 đến nay nhiều hộ dân ở địa phương cũng làm theo. Hiện trên địa bàn thôn Thạnh Xuyên có khoảng 30 hộ dân đầu tư xây nhà tránh lũ dọc các triền núi. Những ngôi nhà này được thi công theo tiêu chuẩn cấp 4, bình quân mỗi cái có giá trị khoảng 20 triệu đồng. Tại thôn Tĩnh Yên (xã Duy Thu) cũng có nhiều gia đình lên núi xây nhà tránh lụt. Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng Ban Dân chính thôn Tĩnh Yên cho biết, từ năm 2009 đến nay đã có 30 hộ đầu tư làm nhà trên núi để có chỗ tránh trú an toàn khi thiên tai ập tới.
Mở đường thoát hiểm
Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng, đến năm 2020 ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp. Trong đó địa phương bị ngập nhiều nhất là TP.Hội An với 27,63% diện tích bị ngập, các huyện Điện Bàn với hơn 26%, Duy Xuyên gần 16% và Núi Thành với hơn 15% diện tích bị ngập. Trong số các địa phương ven biển, Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là một trong những xã trực tiếp hứng chịu thiên tai bão lụt do địa hình bao bọc bởi biển và sông. Phần lớn nhân dân sống bằng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ven bờ. Vào mùa lũ, họ gặp khó khăn trong việc đi lại, buôn bán vì đường sá bị ngập lụt. Tuy nhiên, nhờ vốn của hợp phần BĐKH và lồng ghép các nguồn vốn khác đầu tư một con đường dài 4km và hệ thống thoát nước bài bản với kinh phí hơn 9 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã giúp địa phương không còn cảnh bị chia cắt, cô lập vào mùa lũ. Con đường sau khi nâng cấp, mở rộng sẽ giúp 6.000 cư dân của xã có thể sơ tán khi cần thiết, vừa đảm bảo sinh kế bền vững cũng như thông suốt hàng hóa quanh năm.
Trong những cơn lũ lụt xảy ra năm 2006 và 2009, toàn bộ người dân xã Đại Hiệp (Đại Lộc) buộc phải sơ tán khẩn cấp. Công trình giao thông huyết mạch nối tới xã có bề mặt không bằng phẳng, dễ bị xói mòn và luôn bị nước chia cắt trong mưa bão khiến việc đưa người, tài sản đi sơ tán gặp không ít khó khăn. Do vậy việc mở rộng đường thoát hiểm nơi đây là vô cùng cần thiết. Cuối năm 2012, dự án BĐKH đã đầu tư con đường dài gần 600m, rộng 4,5m và vừa đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay. Việc nâng cấp đường cũ cho phép khoảng 10 nghìn dân sơ tán hoặc vận chuyển tài sản, các nhu yếu phẩm tới trung tâm xã dễ dàng hơn. Chính quyền xã cho biết, con đường với lợi ích “kép” ngoài giúp cho dân lưu thông thuận lợi, thoát hiểm an toàn trong mưa bão còn giúp địa phương dễ dàng liên kết với các vùng lân cận để phát triển kinh tế.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, trong khuôn khổ chương trình ứng phó với BĐKH, Vương quốc Đan Mạch tài trợ cho Quảng Nam hơn 20 dự án với tổng nguồn vốn gần 151 tỷ đồng đã và đang được triển khai. Phần lớn các dự án ưu tiên cho mục tiêu giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giúp người dân chủ động ứng phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Giai đoạn 2014-2015 sẽ khởi công gần 20 công trình, dự án giúp dân “chạy” bão lũ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, trước diễn biến khó lường của thời tiết, những mô hình nhà chống bão, mở đường thoát hiểm là rất phù hợp với thực tiễn. Song song với những công trình mang tính chất cứu hộ, cứu nạn đó là triển khai “lá chắn xanh” phù hợp với vùng ven biển như trồng, khôi phục rừng ngập mặn, rừng chắn cát và chắn sóng biển. Cạnh đó, khi xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phải tính đến tác động của các kịch bản BĐKH và nước biển dâng, chú ý cốt nền và thiết kế kỹ thuật.
______________________________
Bài 5: An toàn cho ngư dân
HỮU PHÚC - NGUYỄN VĂN SỰ