"Chạy" trước mưa bão - Bài 5: An toàn cho ngư dân

NGUYỄN DƯƠNG - QUANG VIỆT - NGUYÊN ĐOAN 27/09/2013 12:24

Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác hải sản trong mùa mưa bão luôn đặt ra cấp thiết với Quảng Nam. Hiện tại, ngành chức năng và các địa phương ven biển nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết ứng phó khi mưa bão xảy ra.

  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 4: Mở đường thoát hiểm
  • “Chạy” trước mưa bão - Bài 3: Thông đường ứng phó với mưa bão
  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 2: "Lập trình" cho hồ chứa
  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 1: Nỗi lo cũ
Ngay trong bão số 8, chỉ vài tàu thuyền neo đậu ở âu thuyền An Hòa vì lo ngại bị sóng đánh chìm khi va vào trụ neo. Ảnh: N.DƯƠNG
Ngay trong bão số 8, chỉ vài tàu thuyền neo đậu ở âu thuyền An Hòa vì lo ngại bị sóng đánh chìm khi va vào trụ neo. Ảnh: N.DƯƠNG

Tìm nơi tránh trú

Âu thuyền An Hòa (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) được đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân sách nhà nước trên diện tích hơn 36ha mặt nước. Âu thuyền này được đánh giá là một trong những khu trú ẩn lớn, đảm bảo cho 1.200 tàu có công suất đến 300CV vào tránh bão. Tuy nhiên khi hoàn thành, nhiều ngư dân vẫn không dám đem tàu cá vào đây neo đậu vì sợ khi mưa bão xảy ra, các tàu cá va đập gây hư hỏng.

Theo nhiều ngư dân, âu thuyền An Hòa là nơi trống trải, sóng rất mạnh, lại không xây dựng kè chắn sóng nên mỗi khi thuyền vào neo đậu thường bị sóng đánh gây va đập. Thêm vào đó, dù khu neo đậu được xây dựng với hàng chục trụ neo kiên cố nhưng do khoảng cách giữa các trụ này quá gần nên không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Theo ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, người dân không đồng tình với thiết kế của khu neo đậu này nên đã nhiều lần phản ánh lên huyện. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, các cơ quan thẩm định cho rằng âu thuyền vẫn đạt chuẩn an toàn. Mới đây, khi đi thị sát tại âu thuyền này để chỉ đạo ứng phó với bão số 8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các cơ quan chức năng sớm tìm cách giải quyết, tìm nguồn vốn để xây dựng kè chắn sóng nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân khi vào tránh, trú bão. “Gần 80 tỷ đồng bỏ ra để xây dựng âu thuyền mà không có thuyền vào đậu là lãng phí. Bằng mọi cách phải tìm được nguồn vốn để xây dựng kè chắn sóng chứ không thể tình trạng như thế này” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Chuẩn bị tốt phương tiện ứng cứu và thông tin liên lạc

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, thời gian qua ngoài việc phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương ven biển đồng bộ triển khai các phương án PCLB, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với Vùng 3, Vùng 4 Hải quân, Vùng 2 Cảnh sát biển thực hiện nhiều nhiệm vụ cứu nạn trên biển. Đại tá Nguyễn Văn An - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Chuẩn bị tốt về phương tiện ứng cứu và đảm bảo thông suốt về thông tin liên lạc là 2 yếu tố quan trọng của công tác PCLB, tìm kiếm cứu nạn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Hiện Biên phòng tỉnh đã đầu tư được 3 tàu cứu nạn bố trí tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành), Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) và cảng Cửa Đại (TP.Hội An). Đơn vị cũng trang bị 2 đài trực canh thông tin cứu hộ, cứu nạn. Các trạm thông tin liên lạc này hoạt động với công suất tối đa là 24/24 giờ trong ngày…”.

Khi cơn bão số 8 vừa qua sớm suy yếu trên biển Đông, không đổ bộ vào đất liền như dự báo, ông Đặng Văn Sơn (xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu QNa-94835 có công suất 350CV mới thở phào nhẹ nhõm. Ông kể, mấy hôm trước nhận được tin báo về tình hình bão số 8 nên cho tàu ngừng đánh bắt, gấp rút quay vào đất liền tìm chỗ tránh trú bão. Ông Sơn và nhiều chủ phương tiện quyết định chọn âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) neo đậu. Đến chiều tối 18.9, ước tính đã có gần 500 chiếc thuyền của ngư dân vào neo đậu tại khu vực này. “Tuy nhiên, tình hình dự báo bão số 8 đổ bộ sẽ gây ra gió giật lớn nên chúng tôi thấy không an tâm nên quyết định cho tàu chạy dọc sông Trường Giang để tìm nơi tránh trú an toàn hơn”- ông Sơn nói. Theo ông Sơn, do lòng nước âu thuyền Hồng Triều cạn nên tàu lớn không vào sâu neo đậu được. Khu vực này lại không có các vật cản chắn gió, tàu đậu chen chúc nên khó đảm bảo an toàn. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết: “Chúng tôi đang xin chủ trương của Sở NN&PTNT để thực hiện trồng cây chắn gió cho phía bờ bắc của âu thuyền. Nếu được sẽ thực hiện trong năm tới. Khi trồng cây chắn gió, tàu thuyền vào tránh trú bão tại đây sẽ được an toàn hơn”.

Ứng phó với rủi ro

Quảng Nam có hơn 4.300 tàu cá, trong đó có 318 tàu công suất lớn (90CV trở lên) hoạt động trên các vùng biển xa, tuy nhiên do nhiều tàu cá cũ kỹ, thiết bị thiếu an toàn, trong khi đó diễn biến thời tiết thất thường nên thời gian qua có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên biển. Có phương tiện gặp nạn nhiều lần trên biển chỉ trong một thời gian ngắn. Ngư dân Nguyễn Tám, thuyền trưởng và là chủ tàu cá QNa-94727 ở Thăng Bình vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi khi nhắc lại chuyến gặp nạn trên biển vào đầu năm nay. Khi đang câu mực khơi cách mũi An Hòa (Núi Thành) hơn 300 hải lý thì tàu anh Tám đột nhiên bị chết máy. Sau khi phát đi thông tin ứng cứu, dưới sự hướng dẫn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tàu cá QNa-91557 của ông Lương Công Dũng (xã Tam Giang, Núi Thành) tiếp cận tàu bị nạn và định lai dắt vào đảo Bông Bay (quần đảo Hoàng Sa) để sửa chữa. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, sóng to gió lớn nên tàu QNa-91557 không thể thực hiện được việc lai dắt. Lúc bấy giờ, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã điều động tàu HQ628 tiếp cận, ứng cứu. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đến 4 ngày sau tàu HQ628 mới lai dắt tàu gặp nạn về đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trước đó, tháng 8.2012, phương tiện của anh Tám cũng đã bị chết máy khi đang khai thác hải sản tại quần đảo Trường Sa. Sau khi liên lạc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, tàu cá này đã được tàu của Vùng 4 Hải quân lai dắt về cảng cá Cam Ranh (Khánh Hòa).

Hiện huyện Thăng Bình có 66 phương tiện khai thác hải sản tại các vùng biển xa nhưng chỉ mới có 10 phương tiện lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa. Để an toàn cho người và tàu cá trong mùa bão lụt, ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, đầu mùa mưa bão, các xã ven biển và Đồn Biên phòng 264 (Bình Minh, Thăng Bình) đã quán triệt công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Trước hết là phối hợp với ngư dân, gia đình ngư dân để kịp thời cung cấp các thông tin khi bão đến, giúp các tàu cá kịp thời trú ẩn an toàn khi bão xảy ra cũng như thông tin về tọa độ trên biển để kịp thời cứu hộ. Sau đó là cấm tàu cá ra khơi khi thời tiết biến động thất thường và hướng dẫn chủ các phương tiện neo đậu tàu cá an toàn khi bão đến.

Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển nhất thiết phải đáp ứng được hai yêu cầu khắt khe. Đối với khâu “phòng” thì phải chủ động, chuẩn bị lâu dài, còn khâu “chống” thì phải nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả. Bởi vậy thời gian qua đơn vị đã tổ chức tập huấn phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương ven biển, qua đó nâng cao các kỹ năng PCLB, cứu nạn cho ngư dân. Công tác đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn tàu cá cũng được tiến hành khẩn trương và đồng loạt khắp 6 địa phương ven biển. “Khi mùa biển động đến gần thì công tác phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để thường xuyên nắm tình hình tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển, đồng thời thông tin kịp thời những biến động của thời tiết đến với ngư dân càng cấp thiết, khẩn trương hơn. Nếu bão đến gần, ảnh hưởng đến vùng biển có sự hoạt động của ngư dân địa phương hoặc đổ bộ vào bờ biển Quảng Nam thì chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương ven biển giúp ngư dân đưa tàu cá neo đậu tại khu vực an toàn. Tàu kiểm ngư của chi cục cũng phối hợp với lực lượng biên phòng hướng dẫn tàu cá vào khu vực kín gió và sẵn sàng ứng cứu nếu xảy ra sự cố...” - ông Giỏi nói.

_______________________________
Bài 6: Kịch bản tránh lũ cho vùng hạ lưu

NGUYỄN DƯƠNG - QUANG VIỆT - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chạy" trước mưa bão - Bài 5: An toàn cho ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO