Được sự hỗ trợ tích cực của Bộ NN&PTNT, đầu mùa mưa năm ngoái, bản đồ ngập lụt chi tiết những vùng trũng thấp ở Quảng Nam đã được thiết lập và phổ biến về các địa phương. Nhờ vậy phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước và trong thời điểm lũ lụt sát thực tế hơn.
|
Dựa theo bản đồ ngập lụt chi tiết, hiện nay các địa phương ở huyện Duy Xuyên đã thiết lập nhiều phương án sơ tán dân rất sát thực tế.Ảnh: V.SỰ |
Ngập lụt trên diện rộng
Đã gần 6 năm trôi qua nhưng vết bùn non mà cơn đại hồng thủy xảy ra ngày 12.11.2007 để lại vẫn còn in đậm trên vách nhà cũ của ông Nguyễn Tấn Sinh (thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). Ông Sinh kể, rạng sáng hôm đó, khi lũ trên sông Thu Bồn vượt mức báo động 3 khoảng 0,5m, ngôi nhà của ông đã bị ngập hơn 1,3m nước. Ông Sinh phải nhốt 6 con heo choai vào cũi rồi dùng dây thừng treo rút lên gần mái nhà, còn các thành viên trong gia đình thì chẳng có cách nào khác là ôm thùng mỳ tôm lên gác ngồi ăn sống và uống nước mưa suốt 2 ngày ròng. Lúc ấy bếp củi bị ngập quá sâu, lò không có, điện lại cúp nên việc nấu nước để dùng là điều không thể.
Ở vùng rốn lũ Hà Thuận này mỗi khi nước dâng cao là hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh cô lập. Ông Phan Công Nhanh – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, toàn xã hiện có 6 thôn với tổng cộng 2.500 hộ dân. Nếu lũ vượt mức báo động 3 thì tất cả số nhà dân đều bị ngập lụt, trong đó khoảng 60 - 70% ngập từ 0,8m nước trở lên. Chẳng riêng gì xã vùng đông Duy Vinh, theo ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, thực tế những năm qua cho thấy nếu đỉnh lũ trên báo động 3 toàn huyện sẽ có hơn 20 nghìn nhà dân bị ngập sâu, tập trung chủ yếu ở xã Duy Thu, Duy Tân, Duy Châu, Duy Phước, Duy Thành, Duy Trung, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước. Ông Xuân cho hay, mặc dù là địa phương luôn gánh chịu những thiệt hại hết sức nặng nề do mưa lũ gây ra nhưng trước đây vì không có bản đồ ngập lụt chi tiết tại các vùng thấp trũng nên việc xây dựng các phương án đối phó với thiên tai thường không cụ thể và không sát thực tế. Chính vì vậy, khi tình huống xấu xảy ra thì công tác sơ tán dân ra khỏi vùng ngập lụt sâu, nước chảy xiết ở nhiều nơi thường rất lúng túng và bị động...
Chủ động đối phó
Đầu mùa mưa năm ngoái, được ngành nông nghiệp tỉnh cấp bản đồ ngập lụt chi tiết tại những vùng trũng thấp trên toàn địa bàn nên gần đây việc xây dựng và triển khai các phương án đối phó với lũ ở huyện Duy Xuyên được thực hiện bài bản hơn. Ông Xuân nói: “Dựa theo bản đồ ấy, 2 năm nay, trước khi bước vào thời điểm mưa bão là Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) cấp huyện và lãnh đạo chính quyền địa phương cùng ngồi lại để xác định cụ thể những vùng bị ngập lụt theo từng mức lũ báo động. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan sẽ chủ động đưa ra nhiều phương án sơ tán dân phù hợp và sát sườn hơn”. Bên cạnh việc nắm bắt kỹ những điểm thường xuyên bị ngập lụt sâu, thời gian qua các cơ quan chức năng ở huyện Duy Xuyên cũng tiến hành xây dựng nhiều cột mốc cảnh báo lũ (lấy đỉnh lũ năm 1999 làm chuẩn) tại những khu vực xung yếu để cán bộ ở tuyến cơ sở và nhân dân biết mà triển khai hiệu quả các phương án đối phó.
Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Năm 2012, sau khi đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thành và bàn giao các bản đồ ngập lụt bằng giấy cho ngành nông nghiệp tỉnh thì đầu mùa mưa năm ngoái chúng tôi lập tức cấp phát về 7 huyện, thành phố thường xuyên bị lũ hoành hành gồm Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn, Nông Sơn, Tam Kỳ, Hội An để Ban chỉ huy PCLB cấp huyện cùng chính quyền các địa phương dựa theo đó mà xây dựng phương án đối phó với lũ, nhất là trong công tác sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo từng mức lũ báo động. Nhờ có bản đồ ngập lụt chi tiết này mà hiện nay nhiều nơi đã thiết lập kịch bản chống lũ rất sát với thực tế”. |
Hiện nay chính quyền các địa phương ở huyện Duy Xuyên đã thiết lập nhiều kịch bản sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm một cách chi tiết dựa theo bản đồ ngập lụt. Ông Phan Công Nhanh cho biết, nếu đỉnh lũ vượt mức báo động 3 từ 0,4m trở lên, lực lượng xung kích của xã sẽ lập tức triển khai di dời 183 hộ dân sống trong những ngôi nhà không kiên cố, ven sông, nước chảy mạnh thuộc địa bàn thôn Hà Mỹ, Đông Bình, Hà Thuận... đến nơi an toàn. Nếu lũ vượt báo động 3 khoảng 0,5m nước thì trong tổng số hơn 20 nghìn nhà dân bị ngập lụt trên toàn huyện sẽ có ít nhất 50% phải di dời đến nơi cao ráo trú ẩn. Còn trong trường hợp mức lũ trên báo động 3 khoảng 1m nước thì toàn bộ số hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Không chỉ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn nắm rõ bản đồ ngập lụt mà rất nhiều người dân ở những vùng trũng thấp của huyện Duy Xuyên cũng đã “lập trình” cho mình các phương án đối phó với lũ.
Trong khi đó, tại Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, theo kịch bản đối phó với lũ đã được ngành chức năng địa phương thiết lập, nếu đỉnh lũ đạt mức báo động 3 toàn huyện sẽ có 7 - 10% trong tổng số 51.100 nhà dân bị ngập lụt. Nếu lũ vượt báo động 3 từ 0,5m nước trở lên, số nhà dân bị ngập sẽ chiếm 45 - 50%. Ông Chơi nói: “Hiện nay, Ban chỉ huy PCLB cấp huyện và chính quyền các địa phương trên địa bàn đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán dân. Trong trường hợp lũ lớn, lực lượng quân sự, công an, thanh niên xung kích sẽ tổ chức di dời khoảng 1.100 hộ dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn”.
NGUYỄN VĂN SỰ