Chảy về nguồn cội

ĐĂNG QUANG 28/01/2019 05:39

Hôm nay 23 tháng Chạp, táo quân Mậu Tuất đã lên đường về thiên giới. Còn ở trần gian từ nay tới 30 Tết, những người con đi xa cũng bắt đầu trở về quê quán. Một dòng chảy tâm thức hướng về nguồn cội tổ tiên miên man khắp mọi nẻo đường.

Người Việt, vì những ngả rẽ lịch sử thăng trầm mà lưu lạc khắp chân trời góc bể. Cho đến nay theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng bào ta đã hiện diện trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài nước, với khoảng 4,5 triệu người. Có 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. (Riêng Quảng Nam, một số liệu cho biết có tới 12 ngàn kiều bào đang sinh sống tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Một thực tế đáng ghi nhận, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng, có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như tri thức. Hàng năm, bình quân có khoảng 300 lượt chuyên gia, trí thức về nước tham gia các hoạt động khoa học công nghệ. Không chỉ đóng góp về nguồn lực chất xám mà còn kinh tế (kiều hối) nữa. Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2018 cho thấy, Việt Nam lọt vào top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Theo đó, kiều hối của Việt Nam chiếm 6 - 8% GDP hàng năm trong các năm 2006 - 2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chỉ chiếm 1 - 2% GDP). Thông tin được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đưa ra, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng 10% -15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới - WB), con số này trong năm 2018 là 15,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước.

Theo các chuyên gia phân tích tài chính, dòng kiều hối về Việt Nam xuất phát từ nguồn lớn nhất là ở Mỹ (chiếm 55%); tính gộp các nguồn từ Mỹ, Canada, Đức và Pháp thì chiếm phần lớn tới 80 - 90% lượng kiều hối gửi về nước. Những năm gần đây, nguồn kiều hối tăng thêm nhờ có lực lượng lao động xuất khẩu, dù hiện tại xuất khẩu lao động còn chiếm tỷ lệ nhỏ (6 - 7% tổng lượng kiều hối), nhưng đang trên đà gia tăng nhanh, nhất là lao động Việt Nam qua Nhật Bản, Hàn Quốc…

Rõ ràng ở đâu cũng phải làm mới có ăn. Nhưng nhờ thu nhập cao hơn ở Việt Nam, trong khi người Việt lại biết chắt chiu san sẻ gửi về cho người thân nên dòng chảy kiều hối vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt với đức tính cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo, kiều bào ta ở nước ngoài thường có thu nhập cao hơn các cộng đồng người nhập cư từ quốc gia khác (như ở Mỹ, bình quân thu nhập của hộ người Việt hơn 63 ngàn USD/năm trong khi cộng đồng nhập cư khác bình quân chỉ khoảng 56 ngàn USD/năm). Tuy vậy nhưng cần biết rằng đồng tiền làm ra ở nước ngoài cũng nhọc nhằn khổ ải và do quy luật trao đổi ngang giá nên làm ở Mỹ mà tiêu dùng kiểu Mỹ cũng không dễ dư dả nếu không có kế hoạch chi tiêu thắt chặt. Để hình dung cụ thể hãy so sánh giá 1 ly cà phê ở Việt Nam phổ biến chỉ 10 ngàn đồng, trong khi tại Amsterdam (Hà Lan) và Paris (Pháp) có giá hơn 60.000 đồng, New York (Mỹ) hơn 37.000 đồng, Boston (Mỹ) khoảng 55.000 đồng, còn ở Stockholm (Thụy Điển) tới hơn 100 nghìn đồng. Biết thế để hiểu rằng đồng tiền nào gửi về cố quận cũng thấm đẫm mồ hôi công sức. Cũng không khác những đồng tiền của lực lượng lao động tha hương từ Sài Gòn, Hà Nội hay các thành phố lớn gửi về những vùng quê xứ Quảng còn nghèo.

Chảy về nguồn cội là bao lắng đọng tình cảm, tâm tư...

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chảy về nguồn cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO