Không phải là thứ nước uống pha bằng chè búp, cũng không là chén chè nấu bằng đường và nếp, mà “chè chén” là chỉ cái sự ăn uống xa hoa, lãng phí. Và không hiếm chuyện lấy tiền ngân sách nhà nước để tiếp khách vô tư, “khách ba nhà bảy”, trở thành tệ nạn ở nhiều địa phương, đơn vị. Thực trạng đó khiến dư luận nhân dân bức xúc đã nhiều và nay Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW để nghiêm cấm.
Các trường hợp chè chén thường xảy ra vào dịp nào? Quy định 55 nêu rõ các trường hợp điển hình là tệ chè chén ở mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... Nói chung, tệ chè chén diễn ra khi có cơ hội. Nói đâu xa, trước đây ở Quảng Nam cũng từng có chuyện cán bộ đi học mà phát giấy mời dự tiệc tiễn đưa có đóng dấu đỏ hẳn hoi (?!).
Một biểu hiện khác đáng lưu ý là khi có đoàn công tác đến, không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở tổ chức đoàn xe đưa đón, giăng giăng khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống linh đình. Cựu đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã phân tích rất sâu câu chuyện này, rằng “hiện nay có tình trạng tôi đến tỉnh hay cơ quan anh thì anh tiếp đãi tôi nồng hậu, thân tình bằng cách chi rất nhiều tiền cho các bữa ăn, quà biếu, quà kỷ niệm. Khi anh đến cơ quan hay tỉnh tôi thì tôi cũng ứng xử như thế. Đó là tư duy dùng tiền chùa để “trả nợ miệng” lẫn nhau bằng kinh phí, ngân sách nhà nước”.
Tiếp khách là văn hóa ứng xử, nhưng khách cũng cần phải hiểu chủ nhà gặp khó thế nào khi cùng lúc phải tiếp quá nhiều đoàn đến. Như câu chuyện cũ của huyện Bắc Trà My khi thủy điện Sông Tranh gặp sự cố, rồi động đất, vậy mà liên tục khách đến khiến một vị lãnh đạo huyện phải la làng.
Tiếp khách thì phải tốn tiền, tốn thời gian, công sức. Lạ lùng thay như thông tin của VOV về Trung tâm Y tế dự phòng huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chi tiếp khách 4 tháng đầu năm nay lên tới 300 triệu đồng. Sự việc được chính đơn vị này báo cáo gửi cấp trên trình bày về việc thiếu kinh phí trầm trọng 7 tháng cuối năm mà không có phương án giải quyết. Hay như Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai tiếp khách mất 3,2 tỷ đồng.
Ăn uống chè chén xa hoa đã biến không ít cơ quan, đơn vị thành con nợ, phải “cắm nợ” ở nhà hàng, khách sạn. Theo ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, câu chuyện “nợ tiền tiếp khách” không phải là cá biệt, nó tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước, gây phản cảm trong dư luận.
Việc thực hiện Quy định 55 có nghiêm hay không là tùy thuộc vào cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu “chủ tài khoản” phải nêu gương làm trước. Bên cạnh đó cần phát huy sự giám sát của báo chí, dư luận, của nhân dân. Chỉ có “tai mắt” của nhân dân mới có thể phát hiện được muôn ngàn kiểu xa hoa lãng phí ở nhiều nơi.
Viết đến đây chợt nhớ câu chuyện “Sở kiến hành” mà đại thi hào Nguyễn Du từng dùng ngọn bút máu lệ để mô tả sự chè chén xa hoa thời xưa, khiến cõi đời hiện lên nghịch cảnh tê tái:
“Ðêm qua trạm Tây Hà
Mở tiệc thật xa hoa
Gân hươu cùng vây cá
Ðầy bàn dê, lợn, gà
Quan lớn không đụng đũa
Quân hầu chỉ nếm qua
Vứt bỏ không luyến tiếc
Chó xóm chê thịt thà
Không biết trên đường cái
Mẹ con khổ dường này
Ai vẽ bức tranh ấy
Dâng cho nhà vua hay”.
Thời văn minh của chúng ta, lẽ nào lại để xảy ra chuyện cán bộ lấy tiền ngân sách nhà nước, tiền do nhân dân đóng thuế, mà chè chén vô tư? Không những phải nghiêm cấm mà còn cần chế tài xử phạt thật nặng mới có thể chấm dứt được tệ chè chén xa hoa lãng phí.
ĐĂNG QUANG