Chế độ cho giáo viên mầm non: Mỗi nơi làm mỗi kiểu! - Bài 1: Hai thái cực tối - sáng

XUÂN PHÚ 29/07/2013 09:36

Trước đây, cán bộ, giáo viên (gọi tắt là giáo viên - GV) hợp đồng tại trường mầm non bán công (MNBC) chịu rất nhiều thiệt thòi về chế độ, chính sách như lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm… Đến khi Nghị quyết 159 của HĐND tỉnh về chuyển đổi loại hình trường MNBC sang công lập ra đời đã “hoàn trả” những quyền lợi chính đáng cho họ. Tuy nhiên, đến nay do nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo và mỗi nơi làm mỗi kiểu nên GV mầm non tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi.

Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục ở các trường MNBC sau chuyển đổi được nâng lên.Ảnh: X.PHÚ
Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục ở các trường MNBC sau chuyển đổi được nâng lên.Ảnh: X.PHÚ

BÀI 1: HAI THÁI CỰC TỐI - SÁNG

Từ một GV hợp đồng lương“ba cọc ba đồng”, thậm chí chẳng có tương lai, họ được tuyển dụng vào biên chế, được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách  của Nhà nước. Đó là hình ảnh của các cô giáo mầm non thời điểm trước và sau năm 2010.

Một thời nhiều… bất công

Do yêu cầu xã hội hóa, trước năm 2010, toàn tỉnh có 125 trường MNBC trong khi số trường công lập chỉ 84. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói loại hình trường MNBC đã tạo điều kiện để người dân cùng nhiều tổ chức xã hội chăm lo cho sự nghiệp trồng người; đồng thời chia sẻ gánh nặng ngân sách vốn đè nặng lên “đôi vai” Nhà nước. Tuy nhiên, với cơ chế quản lý “không giống ai”, thậm chí như lời Phó Giám đốc Sở GDĐT - Nguyễn Minh Hoàng là loại hình “nửa dơi, nửa chuột” dẫn đến việc các trường MNBC thiếu đầu tư cơ sở vật chất, ít nhận được sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động dạy và học. Đặc biệt, loại hình này tồn tại quá nhiều bất hợp lý về chế  độ chính sách đối với GV, đến nỗi nhiều người bảo “trường bán công là trường… bất công”. Khi còn làm Trưởng phòng GDĐT huyện Đại Lộc, ông Hoàng Kim Tám mô tả “hình ảnh” các cô giáo MNBC là những người sở hữu nhiều cái nhất nhưng toàn là những cái nhất đáng buồn: đi làm sớm nhất, về trễ nhất, đồng lương rẻ mạt nhất.

Không buồn sao được khi vào thời điểm đó, lương của GV mầm non các trường bán công được chi trả từ nguồn tiền học phí thu của phụ huynh (trừ GV biên chế được trả từ ngân sách). Ông Nguyễn Minh Hoàng gọi việc chi trả lương cho GV thời kỳ trường MNBC là theo kiểu “bốc thuốc”, tức tùy thuộc vào nguồn thu học phí nhiều hay ít mà các trường “cân - đo - đong - đếm” để trả. Do đó, phần lớn lương của GV chỉ bằng mức lương tối thiểu, trường nào kinh phí khá hơn mới trả cao thêm chút ít. Cô giáo Lê Thị Thanh Hương (trường MN Bình Minh - Đại Lộc) cho biết, năm  2010 tiền lương mỗi tháng chỉ hơn 1,1 triệu đồng trong khi cô vào nghề từ năm 1986. Nhưng đó là trường nằm ở thị trấn, học phí thu đủ, còn ở các địa bàn nông thôn, điều kiện kinh tế người dân còn nghèo nên lương của cô giáo cũng “nghèo” theo. Tại nhiều huyện, thậm chí ngay cả TP.Tam Kỳ và TP.Hội An thời điểm năm 2010, tiền lương của cô giáo nhiều trường cũng chỉ bằng mức lương  tối thiểu 650 nghìn đồng. Không chỉ đồng lương quá thấp, GV hợp đồng còn không được hưởng các chế độ, chính sách khác như lương các tháng hè, nâng lương, phụ cấp đứng lớp, bảo hiểm, nghỉ hưu trước tuổi.

Đóng bảo hiểm xã hội “không giống ai”

Thật ra từ năm 2002, các địa phương cũng đã thực hiện đóng BHXH cho GV hợp đồng ở trường MNBC. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chỉ có một số ít được đóng theo kiểu… trường MNBC chứ không theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, trong thời gian 8 năm (2002 - 2010) GVMN chỉ đóng BHXH bậc 1 do lương không tăng. “Giai đoạn đó việc trả tiền lương cũng như đóng BHXH cho GV các trường MNBC chẳng theo quy định nào và cũng “không giống ai” cả” - ông Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng GDĐT huyện Đại Lộc  nói.

Trước sự bất công về tiền lương và các chế độ khác của đồng nghiệp, nhiều cô giáo trong diện biên chế cũng cảm thấy xót xa. Cô Đinh Thị Cơ - Hiệu trưởng trường Mầm non Ái Nghĩa (Đại Lộc), chia sẻ: “Thời đó, tôi không bao giờ nhận lương khi có mặt các cô giáo diện hợp đồng vì sợ các cô tủi thân. Cũng như các cô làm công việc và thời gian công tác như nhau, trong khi lương mình 4 triệu đồng/tháng còn họ chỉ có trên dưới 1 triệu đồng mà ứa nước mắt”. Phó Trưởng phòng GDĐT Đại Lộc - Võ Thị Lệ Huyền nói: “Thật khó chấp nhận một thực tế quá bất hợp lý là GV dạy 20 - 25 năm ở các trường MNBC lương không bằng một cô giáo mới ra trường nhưng được vào biên chế”.

Làn gió... 159

Không thể để kéo dài mãi sự bất hợp lý làm kìm hãm sự phát triển, ngày 22.4.2010, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 159 về chuyển đổi các cơ sở giáo dục MNBC sang cơ sở giáo dục mầm non công lập. Theo đó, chuyển tất cả trường MNBC trên địa bàn tỉnh sang loại hình công lập từ năm học 2010 - 2011. Sau khi chuyển đổi, các trường thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh có trách nhiệm thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động làm việc tại các trường mầm non sau khi chuyển đổi.

Như vậy, “bài toán” khó về đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là chế độ, chính sách cho GV mầm non ngoài biên chế đã có lời giải. Theo Quyết định 2232 (14.7.2010) của UBND tỉnh về ban hành đề  án chuyển đổi các cơ sở giáo dục MNBC sang cơ sở giáo dục mầm non công lập, sau khi chuyển đổi tiến hành ký hợp đồng lại đối với số GV đã và đang được hợp đồng trước đây. Đồng thời, mức chi trả lương được giải quyết theo hướng: người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở xuống, có 2 năm công tác được tính một bậc lương; người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên có 3 năm công tác được tính một bậc lương. Theo đó, căn cứ vào tổng số năm đã giảng dạy, làm việc để xếp lại bậc lương tương ứng trước khi ký hợp đồng. UBND tỉnh cũng yêu cầu BHXH tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các Sở GDĐT, Nội vụ, Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn việc tính chế độ trích nộp và trợ cấp BHXH.

Trên cơ sở này, các địa phương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tiến hành chuyển đổi loại hình. Ông Nguyễn Đàn - Phó Trưởng phòng GDĐT Điện Bàn cho biết, Điện Bàn là một trong những địa phương thực hiện Nghị quyết 159 và Quyết định 2232 sớm nhất. Đến cuối năm 2010, toàn huyện có 181 GV và cán bộ quản lý đã được xét vào biên chế, chuyển xếp lương theo ngạch, bậc, thời gian công tác. Còn ông Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng phòng GDĐT huyện Đại Lộc thông tin đến đầu năm 2011 đã tiến hành xét tuyển vào biên chế 248 GV trong tổng số 251 người. Dù có chậm hơn nhưng các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Hội An cũng có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi loại hình. Ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết, thực hiện Nghị quyết 159, đến nay cả tỉnh đã tuyển dụng 1.960 GV mầm non vào biên chế.

Nghị quyết 159 như “làn gió mới” đem tin vui đến cho các cô giáo mầm non. Hiệu trưởng ra sức xây dựng trường lớp, đội ngũ; GV cố gắng nâng cao chất lượng dạy dỗ, chăm sóc... làm các trường mầm non có “sức sống” hẳn lên. Cô Lê Thị Thanh Hương chia sẻ: “Tình yêu nghề đã giúp tôi gắn bó với ngành dù chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có được sự quan tâm ưu ái  của Nhà nước đối với mình như ngày hôm nay. Từ chỉ vài trăm nghìn và cao nhất là hơn 1 triệu đồng mỗi  tháng, giờ đây lương tôi đã lên 3,5 triệu đồng, được vào biên chế, hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách”. Còn cô Trần Thị Thanh Vân (trường mầm non Ái Nghĩa) bộc bạch: “Trước đây chúng tôi “bị” phân biệt đối xử, đến nỗi đi vay tiền ngân hàng cũng không được vì cho rằng chúng tôi không phải là GV biên chế. Còn nay lương cao hơn, chế độ, chính sách đều có, được trở thành người trong biên  chế Nhà nước”.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chế độ cho giáo viên mầm non: Mỗi nơi làm mỗi kiểu! - Bài 1: Hai thái cực tối - sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO