Chế độ cho giáo viên mầm non: Mỗi nơi làm mỗi kiểu! - Bài 2: Bất hợp lý

XUÂN PHÚ 30/07/2013 09:42

Những tưởng sau khi thực hiện Nghị quyết 159, những thiệt thòi về quyền lợi của giáo viên (GV) bậc học mầm non (MN) sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua nhưng nhiều vướng mắc, bất hợp lý, thậm chí có phần bất công vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

  • Chế độ cho giáo viên mầm non: Mỗi nơi làm mỗi kiểu! - Bài 1: Hai thái cực tối - sáng
Dù đã vào biên chế nhưng các giáo viên mầm non vẫn còn thiệt thòi do việc xếp lương và đóng bảo hiểm xã hội hiện nay còn bất cập.
Dù đã vào biên chế nhưng các giáo viên mầm non vẫn còn thiệt thòi do việc xếp lương và đóng bảo hiểm xã hội hiện nay còn bất cập.

Thiệt thòi quyền lợi

Trở lại quy định trong đề án chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công (MNBC) sang cơ sở giáo dục MN công lập được ban hành theo Quyết định 2232 của UBND tỉnh. Theo đề án này, để xếp lại bậc lương tương ứng trước khi ký hợp đồng với GV sau khi chuyển đổi loại hình trường phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tổng số năm đã giảng dạy, làm việc. Cụ thể, người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở xuống, đã có 2 năm công tác được tính một bậc lương; người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên, đã có 3 năm công tác được tính một bậc lương  và  căn cứ vào tổng số năm đã giảng dạy, làm việc để xếp lại bậc lương. Quy định rõ ràng như vậy nhưng trong quá trình triển khai thực hiện mỗi nơi lại làm mỗi kiểu. Theo ông Nguyễn Đàn - Phó phòng GDĐT huyện Điện Bàn, dù gặp đôi chút trở ngại trong thời gian đầu nhưng sau đó địa phương đã thực hiện đúng tinh thần đề án của UBND tỉnh là chuyển xếp lương dựa theo bằng cấp và thời gian thâm niên công tác của GV. Cụ thể, GV công tác từ khi nào thì bắt đầu tính từ thời điểm đó, trừ khi thử việc 6 tháng đối với người có trình độ từ trung cấp trở xuống, 1 năm đối với người từ cao đẳng trở lên. “Nhờ đó, nhiều GV ở Điện Bàn công tác từ những năm 1977-1978 sau khi xếp lại lương đã có bậc lương vượt khung, tạo ra niềm phấn khởi rất lớn cho đội ngũ toàn ngành an tâm công tác” - ông Đàn chia sẻ.
Tuy nhiên, huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình lại không thực hiện theo cách của Điện Bàn. Ông Lê Trung Cường - Trưởng phòng GDĐT Duy Xuyên cho biết, tất cả GV hợp đồng đủ điều kiện đã được huyện tuyển dụng vào biên chế và chuyển xếp lương tính từ thời điểm đóng BHXH là năm 2002. Tương tự, theo ông Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng phòng GDĐT Đại Lộc, huyện căn cứ vào tổng số năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của GV để làm cơ sở xác định thời gian công tác và xếp mức lương tương ứng cho GV. Dựa trên cơ sở đó, huyện đã tiến hành ký hợp đồng và sau đó xét tuyển dụng vào biên chế 248 GV. Giải thích lý do vì sao lại tính thời gian thâm niên của GV để chuyển xếp lương không theo đề án của tỉnh là từ ngày giảng dạy mà lại theo số năm có đóng BHXH, lãnh đạo ngành GDĐT Đại Lộc, Duy Xuyên cho rằng, “theo Văn bản 951 (28.3.2012) của UBND tỉnh”.

Mơ được vào biên chế, dù chỉ 1 ngày!

Đó là tâm sự của cô Lê Thị Hải (xã Đại An, huyện Đại Lộc) - nguyên GV trường MN Đại An. Trong khi các địa phương đều xét tuyển vào biên chế tất cả GV trên 45 tuổi thì huyện Đại Lộc lại không thực hiện. Sau nhiều lần cô Hải viết đơn kiến nghị, đầu tháng 7.2013, UBND huyện Đại Lộc mới có quyết định tuyển dụng vào biên chế tất cả 16 trường hợp trên 45 tuổi. Rất tiếc là từ tháng 1.2013, cô Lê Thị Hải đã nghỉ hưu sau 36 năm cống hiến cho giáo dục MN.

Cô Lê Thị Hải là một trong số GVMN ngoài biên chế hiếm hoi còn “sót lại” của huyện Đại Lộc, thậm chí của tỉnh vì phần lớn đã bỏ nghề. Vào nghề từ ngày 1.6.1976, trải qua nhiều thăng trầm của ngành giáo dục MN từ thời đi dạy “ăn điểm” hợp tác xã nhưng cô vẫn đeo bám đến ngày hết tuổi giảng dạy. Sau 36 năm lăn lộn với nghề, cô Hải  vẫn không được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước dù có đầy đủ điều kiện. Nhận quyết định nghỉ hưu nhưng không có chế độ hưu trí, cô chỉ được nhận 17 triệu đồng tiền BHXH và thêm chế độ thất nghiệp 1,6 triệu đồng/tháng trong vòng 6 tháng của ngành LĐ-TB&XH. “Tôi mơ được vào biên chế dù chỉ 1 ngày sau 36 năm cống hiến cho giáo dục nhưng cuối cùng cũng không được. Nhiều người đi dạy cùng lần bây giờ nghỉ hưu mỗi tháng nhận 4 - 5 triệu đồng còn tôi về tay không” - cô Hải chia sẻ.

Rõ ràng, việc thực hiện chuyển xếp lương đã không được thực hiện một cách thống nhất trên địa bàn tỉnh, trong đó quãng thời gian dài công tác trước năm 2002 - thời điểm bắt đầu đóng BHXH đã “không cánh mà bay” dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi của GV. Ngay cả việc tuyển dụng vào biên chế đối với GV trên 45 tuổi cũng gặp nhiều rắc rối. Trong khi các địa phương vẫn tiến hành tuyển dụng bình thường thì một số địa phương như huyện Đại Lộc, Núi Thành lại “nói không” với những GV trên 45 tuổi. Lý do được ngành chức năng của huyện Đại Lộc đưa ra là “độ tuổi lớn không đúng quy định của Nghị định 116 (10.10.2003)”.

Bất hợp lý về chế độ BHXH

Không chỉ chuyển xếp lương “mỗi nơi mỗi kiểu”, việc đóng BHXH của GVMN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng không thống nhất. Từ năm 2002 đến năm 2010, GV hợp đồng dù được tham gia đóng BHXH nhưng chỉ đóng theo lương bậc 1 kéo dài trong suốt 8 năm vì tiền lương giai đoạn này gần như không tăng. Khi chuyển đổi loại hình trường và chuyển xếp lại bậc lương, từ bậc 1, nhiều người tăng lên thành bậc 3 - 4, thậm chí có người tăng lên bậc 7 - 8. Thế nên, ngành BHXH phản ứng, không chấp nhận thu BHXH theo hệ số lương mới. Thật ra, ngành BHXH tỉnh từ chối cũng có “cái lý” của họ. Ngoài việc chênh lệch số tiền đóng BHXH tại 2 thời điểm cách nhau đến 8 năm sẽ gây khó khăn cho ngành, trong văn bản trả lời BHXH tỉnh hỏi về việc xếp lương và truy đóng BHXH vào năm 2010, BHXH Việt Nam còn cho rằng, “người lao động tuyển mới tại cơ sở ngoài công lập khi chuyển sang công lập thì xếp lương như đối với lao động được tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động mới”. Điều này khiến cho BHXH tỉnh cũng như BHXH các huyện lúng túng.

Còn nhớ khi đó, vừa vui mừng sau vài tháng được thực hiện xếp lương mới, các GVMN ở huyện Điện Bàn và một số địa phương khác phải quay trở lại với mức lương cũ như khi còn trường bán công. Sự việc dùng dằng kéo dài gần cả nửa năm. Sau đó, để giải quyết “hài hòa” quyền lợi giữa ngành BHXH và GV, thay vì theo hệ số lương, tạm thời các địa phương thực hiện chính sách BHXH thu theo tiền lương mà các cô giáo hiện hưởng. “Rõ ràng, việc đóng BHXH theo tiền lương sẽ gây thiệt thòi về quyền lợi chế độ hưu sau này cho người lao động nhưng đóng theo hệ số thì ngành BHXH lại không chịu” - ông Lê Trung Cường nói. Trong khi đó, dù đóng BHXH theo hệ số lương như huyện Đại Lộc đang thực hiện nhưng vì hệ số lương này chỉ tính từ thời điểm đóng BHXH (lâu nhất là năm 2002) chứ không theo thâm niên công tác trước đó nên cũng ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của GV. Đó là chưa nói, nếu đóng BHXH theo cách này, nhiều cô giáo hết tuổi lao động (55 tuổi) sẽ không đủ thời gian để hưởng chế độ hưu dù thời gian công tác của họ có thể lên đến 25 - 30 năm. Ông Hồ Ngọc Thắng - Trưởng phòng GDĐT huyện Thăng Bình đề nghị GV hợp đồng từ năm 2001 trở về trước được truy đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Chuyển xếp lương cho GV tính từ thời điểm vào ngành công tác hay từ thời gian đóng BHXH và các cô giáo đóng BHXH theo hệ số lương như quy định của Luật BHXH hay theo tiền lương là những câu hỏi mà đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 159 của HĐND tỉnh và Quyết định 2232 của UBND tỉnh vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Thật bất hợp lý, thậm chí có thể nói là bất công với nhiều GV đã cống hiến lâu năm cho sự nghiệp trồng người đến nay vẫn chưa nhận được đồng lương xứng đáng cũng như hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chế độ cho giáo viên mầm non: Mỗi nơi làm mỗi kiểu! - Bài 2: Bất hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO