(QNO) - Sáng 23.3, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyển giao robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm cho Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng nhằm phục vụ kịp thời tại các khu vực cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Đây là sản phẩm công nghệ được nghiên cứu, chế tạo và chuyển giao ứng dụng bởi Khoa Cơ khí - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Theo PGS-TS. Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng nhà trường, robot được chế tạo theo đề xuất của Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm, bảo đảm an toàn cho y bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ tại các khu cách ly phòng chống Covid-19. Với quyết tâm cao, nhóm nghiên cứu cũng như các bộ môn, Khoa Cơ khí và nhà trường đã phối hợp đồng bộ, triển khai ý tưởng, giải pháp công nghệ để gấp rút chế tạo, thử nghiệm thành công và chuyển giao robot trong vòng chưa đến 10 ngày.
“Nhà trường cam kết bảo hành robot trong thời gian 1 năm. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu, bổ sung tính năng đo thân nhiệt từ xa; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chế tạo và phát triển sản phẩm cho các bệnh viện, đơn vị trong cả nước khi được đặt hàng trong thời gian đến” - PGS-TS. Đoàn Quang Vinh thông tin.
TS-BS. Trần Đình Vinh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và tâm huyết của nhóm nghiên cứu, sự quan tâm của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng để ra đời sản phẩm hữu ích phục vụ nhu cầu cấp thiết phòng chống dịch Covid-19. Robot này cũng có thể theo dõi, quan sát từ xa tình trạng đối tượng được cách ly, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, nhờ đó đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo vi rút corona. Đặc biệt, đối tượng được cách ly, chăm sóc của Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng là phụ nữ mang thai và trẻ em, do đó việc sử dụng robot này rất hữu ích và hiệu quả.
TS. Võ Như Thành - Trưởng bộ môn Cơ điện tử thuộc Khoa Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, robot được điều khiển bằng tay đơn giản với 1 nút điều chỉnh nhiều hướng, tốc độ di chuyển theo yêu cầu, được thiết kế, chế tạo bằng thép không gỉ, cấu trúc tinh giản, hạn chế góc cạnh, dễ dàng phun thuốc khử trùng nhưng không thấm nước, có thể mang tải trọng tối đa lên đến 100kg.
Ngoài ra, robot còn được gắn thêm camera và loa để bác sĩ có thể quan sát tình trạng bệnh nhân và giao tiếp với người bệnh. “Thời gian đến, ngoài hoàn thiện một số tính năng, nhóm tiếp tục phát triển để robot vận chuyển những đồ vật khác có tải trọng nặng hơn, không thể di chuyển bằng sức người” - TS. Võ Như Thành chia sẻ.
Được biết, ngay khi có đề xuất của nhóm và nhà trường, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã chỉ đạo Quỹ phát triển khoa học - công nghệ Đại học Đà Nẵng hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng với kinh phí của Trường Đại học Bách khoa trong quá trình nghiên cứu, chế tạo robot với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng.
Cũng trong sáng 23.3, Giám đốc Đại học Đà Nẵng trao giấy khen kèm tiền thưởng 10 triệu đồng nhằm kịp thời ghi nhận, biểu dương sáng kiến của GS-TSKH. Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (Trưởng nhóm nghiên cứu GATEC, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) vì đã sáng chế, đưa vào sử dụng hiệu quả và chuyển giao máy đo thân nhiệt từ xa phòng chống dịch Covid-19.