Cây chè vốn là cây bản địa có từ lâu đời ở Việt Nam, gắn liền với đời sống thường nhật của vòng đời người, là một bộ phận cấu thành của cơ cấu ẩm thực Việt Nam. Quảng Nam xưa từng có những vùng chè trù phú.
Những ghi chép về chè xanh đất Quảng
Cây chè có sớm ở vùng núi phía bắc, còn ở vùng đất Quảng thì thấy thư tịch ghi chép về cây chè tương đối muộn. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết toàn diện về vùng Thuận Quảng vào giữa sau thế kỷ 18, chỉ nói đến các thổ sản nổi tiếng của Quảng Nam như đường, tơ, tiêu, quế, trầm hương, kỳ nam, các loại gỗ quý…, không nhắc đến chè.
Đến giữa thế kỷ 19, bộ thư tịch Đại Nam nhất thống chí khi nói về các thổ sản của Quảng Nam thì chỉ mới có một dòng ngắn ngọn nói về chè, “ngon nhất là chè nguồn Thu Bồn, huyện Quế Sơn, thứ đến chè huyện Hà Đông”. Như vậy, chè đã bắt đầu có mặt ở đất Quảng từ thế kỷ 19.
Sách Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng dẫn tập san Kinh tế Đông Dương, cho biết, ở Quảng Nam năm 1913 có 10 đồn điền của thực dân với tổng diện tích 3.430ha trồng trọt. Trong đó diện tích trồng chè của Công ty Chè Lombard et Cie chiếm 500ha ở vùng Tùng Sơn - An Ngãi (Hòa Vang); đồn điền trồng chè De la Geau chiếm 420ha ở Đức Phú (Tam Kỳ). Giáo sĩ Mailllard (tên Việt là Cố Thiên) có mặt tại Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang ngày nay) vào năm 1884, tiến hành mua 250ha đất để mở trang trại trồng chè và cà phê.
An Bằng của Đại Lộc cũng là một vùng trung du trồng chè của đất Quảng đương thời. Giai thoại cho biết “khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 19, ông Huỳnh Văn Kiệt là lính triều đình đã mang hột chè về trồng tại làng An Bằng, trở thành làng chè An Bằng”.
Nguyễn Văn Mại chép trong cuốn Lô Giang tiểu sử của mình cách trồng chè ở đất Quảng trước đây là “lấy hột chè đem ương. Được một năm, đến tiết Đông chí hay ngày tháng Giêng bới đất trồng. Được 8 tháng thân chè sanh được 2 mụt, thì ngắt đi, đến mùa xuân lại, hái một lứa. Mùa hè gặp mưa thì sanh nhánh non cũng hái đi, đến tháng 8 cũng hái, mỗi năm hái chừng ba bốn lượt. Khoảng 3 - 4 năm, thân cây không cao, dễ hái, mà nhánh đâm nhiều và tốt lắm”.
Ông cho biết thêm là Cố Thiên đã sang Ấn Độ (sách Ẩm thực đất Quảng thì nói sang Trung Quốc) để học cách trồng chè nhưng “tiếc rằng sách trồng chè của ông Linh mục Thiên chưa công bố”. Ông cũng ghi chép chi tiết về việc hái chè, chế biến chè. Ông đánh giá trà Phú Thượng ngon hơn trà Hà Đông, giống với nhận xét của Đại Nam nhất thống chí.
Chè đất Quảng không chỉ cung cấp trong vùng mà đã trở thành mặt hàng xuất đi nơi khác. Ông chủ Lombard tổ chức cung cấp chè từ đất Quảng cho toàn Nam Kỳ và Campuchia, nhất là các cơ quan quân sự của bộ máy thuộc địa Đông Dương từ năm 1901 đến 1907. Đương thời xây dựng 3 nhà máy lớn chế biến chè ở An Ngãi (Bàu Nghè), Tùng Sơn (nay gần nghĩa trang Tùng Sơn) và Phú Thượng.
Nguyễn Văn Mại giữ chức Án sát sứ Quảng Nam (quan hàng thứ 3 trong tỉnh, phụ trách tư pháp và hình luật) khi sang Pháp đã quan sát và nhận xét: “Người Tây ưa thích trà hơn cà phê. Các phố chỉ bán trà ta và trà Ấn Độ mà trà Tàu không thấy bán”. Ông khuyên các nhà kinh tế đương thời nên chú ý điểm này, “mỗi năm trong một hạt Hà Đông, nhân dân đem bán chè khô cho các hãng buôn Tây có đến 8 vạn đồng”, “đồn điền chè ở tổng Phú Sơn rất lời”. Chè Phú Thượng xuất khẩu sang Pháp và châu Âu thì nhà cầm quyền thuộc địa đánh thuế là 1,2 Franc trên 1kg chè.
Chè xanh trong ngôn ngữ dân gian
Cây chè trở thành nội dung của câu đố: “Cây chi xanh, lá cũng xanh/ Không dám nấu canh, để dành nấu nước”.
“Ốc bươu Bàu Nghè chè xanh Phú Thượng” là nói về đặc sản và thương hiệu của mỗi vùng. Chè xanh lúc đầu được trồng ở vùng Phú Thượng do công của Cố Thiên, sau đó phát triển nhiều nơi ở tây bắc Hòa Vang, nhưng vẫn giữ tên thành thương hiệu “chè xanh Phú Thượng”.
Cây chè trở thành mặt hàng xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho đời sống người dân trồng chè khá hơn, nên đã có câu ca dao: “Phú Thượng là giàu cấp trên/ Đầu đội khăn nhiễu, nón viền tua ren”. Chè An Bằng cũng là một thương hiệu: “Thấm lòng chia vị lòn bon/ Chè tươi ai hái ngát hương An Bằng”. Chè xanh đất Quảng là thổ sản dồi dào một thời: “Bạc vàng ở tại Bồng Miêu/ Cao Sơn, Phú Thượng biết bao nhiêu chè”.
Nam nữ giao duyên cũng mượn cây chè để cất lời: “Thiếp gặp chàng tại đàng xe lửa/ Chàng mà gặp thiếp tại cửa ông Rô Be/ Rồi đây thiếp tính cho chàng nghe/ Thức khuya dậy sớm hái chè mười hai xu/ Mãn mùa chè đệm cuốn sàn treo/ Ra về bỏ bạn cheo leo một mình/ Bạn ơi, bạn chớ buồn tình/ Mùa ni không gặp để muộn tình mùa sau/ Trăm lạy ông trời mưa xuống mau/ Chè kia ra lộc, trước sau cũng gặp người”. Theo Võ Văn Hòe, Rô Be có thể là tên viên Toàn quyền Đông Dương Paul Beau trị nhiệm 10.1902 - 2.1908.
Ngày trước, người Quảng uống nước chè xanh bằng bát, nên hình ảnh bát nước (chè xanh) được ẩn ý cho tình cảm tràn đầy và sử dụng với tần suất cao: “Lòng ta như bát nước đầy/ Lời thề có chén rượu này bạn ơi”, “Lòng ta như bát nước đầy/ Bát nước đầy bưng hãy còn nguyên/ Trai anh hùng thất lạc như con chim quyên sổ lồng”, “Hai đứa ta ăn ở như bát nước đầy/ Tình đó anh không phụ, nghĩa đây em không phàng”, “Ngãi nhân như bát nước đầy/ Đố ai hốt lại, sao đầy như xưa”.
Xanh lại đồi chè đất Quảng
Việc trồng, khai thác chè xanh đất Quảng ở Phú Thượng hay An Bằng đều giảm sút và dần mất đi vai trò kinh tế của mặt hàng chè trong giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám và cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ.
Thời bao cấp, Quảng Nam có hai nông trường chè nổi tiếng là Đức Phú (Núi Thành) và Quyết Thắng (Đông Giang). Tuy nhiên đến nay chỉ còn Nông trường Quyết Thắng cầm cự với cây chè, còn Đức Phú đã trở thành vùng cao su. Sự chọn lựa cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây chè và sự phổ biến của các loại thức uống tiện lợi vô tình góp phần làm cho nghề trồng và sản xuất chè dần mai một.
Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu bảo vệ sức khỏe và làm đẹp mà mọi người cần nhiều đến nguyên liệu chè xanh hơn. Đồng thời những thức uống sử dụng nguyên liệu chè xanh như trà sữa, mocha đang ngày càng rất phổ biến. Đây là cơ hội để cho những đồi chè xứ Quảng trở lại màu xanh bạt ngàn.