Khách đại trà, người dân hưởng lợi ít, môi trường ô nhiễm, hệ sinh thái biến dạng… là hàng loạt cảnh báo khi Cù Lao Chàm phát triển du lịch “nóng” và tự phát. Một giải pháp căn cơ cho du lịch Cù Lao Chàm dù cấp thiết nhưng vẫn loay hoay chưa biết khi nào thực hiện.
Du lịch Cù Lao Chàm phải là du lịch sinh thái và chọn khách cao cấp. Ảnh: K.L |
Thiếu chuyên nghiệp
Quyết định 4532/QĐ-UBND ngày 20.12.2008 của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: “Đến năm 2020, quần đảo Cù Lao Chàm trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái bền vững”. Tuy vậy, du lịch Cù Lao Chàm suốt 10 năm qua dù tăng trưởng mạnh nhưng tự phát và thiếu chuyên nghiệp, được đánh giá là chưa bền vững.
Nếu năm 2009 khoảng 27 nghìn lượt khách đến đảo thì đến năm 2017 đã tăng lên hơn 400 nghìn lượt khách. Bên cạnh các yếu tố tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp và lao động từ nông - lâm – ngư nghiệp sang du lịch - dịch vụ - thương mại, thu nhập bình quân đầu người tăng cao (37,02 triệu đồng/người/năm 2017), chất lượng cuộc sống tốt hơn… thì du lịch phát triển cũng gây ra những tác động tiêu cực như suy giảm nguồn lợi tự nhiên, suy giảm diện tích và chất lượng các hệ sinh thái (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng), ô nhiễm môi trường, thay đổi văn hóa truyền thống miền biển đảo. Hiện Cù Lao Chàm có 456 cơ sở kinh doanh, 84 nhà hàng (sức chứa 2.950 khách), 35 cơ sở lưu trú (84 phòng), 29 cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm, hải sản, 17 thuyền gỗ phục vụ du lịch, 42 công ty/doanh nghiệp dịch vụ du lịch gồm 132 ca nô (sức chứa 3.404 ghế) và 6 thuyền gỗ sức chứa 315 ghế. Tuy nhiên, người dân Cù Lao Chàm chỉ được hưởng lợi ¼ từ doanh thu du lịch.
Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết, từ khi du lịch phát triển nỗi lo thường trực của địa phương chính là thiếu nước sinh hoạt vào những tháng nắng hạn. Hiện, hơn 2.400 nhân khẩu của xã phụ thuộc vào bể nước 80 nghìn khối đặt tại bãi Bìm. “Nếu chỉ có dân đảo dùng thì đủ nhưng bây giờ phải chia sẻ cho hàng trăm nghìn khách nữa nên rất lo” - ông An nói. Tuy vậy, vấn nạn nhất của Cù Lao Chàm chính là rác thải, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 tấn rác thải ra môi trường nhưng khả năng xử lý của lò đốt chỉ 2 tấn, còn lại chôn lấp hoặc đốt lộ thiên. Rồi vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, hầu hết nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, chủ yếu chôn hầm ngầm hoặc tràn ra biển.
Chọn khách cao cấp
Trong một hội thảo về phát triển bền vững Cù Lao Chàm vừa diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Cù Lao Chàm suốt thời gian dài phát triển theo hướng đại trà, du lịch giá rẻ, không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm. Ông Trần Lê Trà – chuyên gia thuộc tổ chức Hợp tác quốc tế Du lịch sinh thái Đức (GIZ) tại Việt Nam cho rằng, nếu không có giải pháp hợp lý, chỉ 5 hoặc 10 năm nữa Cù Lao Chàm sẽ nguy cấp. Thực tế, khách quốc tế đang có xu hướng giảm dần. Du lịch Cù Lao Chàm hiện nay là du lịch giá rẻ, chưa chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch còn hạn chế, chất lượng các dịch vụ đi kèm còn yếu; kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách còn thấp; cơ sở hạ tầng đảo chưa đáp ứng trước tình trạng khách tăng đông. “Phải quy hoạch lại du lịch Cù Lao Chàm theo hướng kén khách; hướng tới đối tượng khách có thu nhập cao, thực sự có mong muốn thưởng ngoạn thiên nhiên, thực sự mong muốn có nhu cầu đi du lịch sinh thái, giảm khách đại trà. Đặc biệt, xem xét mô hình tư nhân đầu tư, người dân địa phương tham gia. Khu bảo tồn biển và chính quyền cần hỗ trợ, ban hành các quy định, quy chế; đầu tư các sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao, nhất là thỏa thuận phân chia dịch vụ; tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực địa phương để người dân được có trách nhiệm và chia sẻ lợi ích từ du lịch tốt hơn” - ông Trà đề xuất.
Theo bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, phát triển du lịch sinh thái là hướng đi đúng đắn để phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên nghiên cứu tạm đóng cửa đón khách lên đảo theo thời gian như một số nơi trên thế giới đã làm (đảo Bocaray, Philipines; vịnh Maya, Thái Lan).
KHÁNH LINH