Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) đã hoạt động hơn 10 năm nay, hiện là khu công nghiệp tập trung lớn nhất Quảng Nam, thu hút lực lượng lao động đến hơn 23.500 người. Khoảng một nửa số lao động này là người ngoại tỉnh, đang sinh sống trong những khu nhà trọ “ổ chuột”, trong khi đó, giấc mơ chung cư đối với họ vẫn còn xa vời.
4 người ở 9m2
Giờ tan ca, lượng công nhân (CN) đổ ra cổng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc chật kín, sau đó lại “ẩn” vào các dãy nhà trọ cạnh khu công nghiệp thấp lè tè nằm san sát nhau trong các con hẻm dài hun hút. Chị Nguyễn Thị Thu Hà sau khi đi vào chợ “chồm hổm” ngay cổng khu công nghiệp, mua vội mớ rau cá liền ngoặt vào con hẻm nhỏ ngay bên phải, đón con ở một nhà giữ trẻ tư nhân. Mười mấy đứa trẻ trong một căn phòng rộng chừng 20m2, đang háo hức đợi bố mẹ đón về. Chị Hà cho biết mình đang làm CN Công ty Giày Rieker, với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. “Tôi thuê phòng trọ ở gần đây với giá 700 ngàn đồng/tháng, thêm tiền điện, nước nữa là 800 ngàn đồng, rồi tiền gửi con, nuôi con nữa, chỉ vừa đủ sống. Phòng trọ chừng 15m2, khi chỉ có 2 mẹ con thì còn ở được, nhưng đẻ đứa nữa thì không thở nổi. Chồng tôi đang dạy học ở quê (huyện Quế Sơn) vay tiền tính mua một miếng đất nhỏ trong hẻm cách đây chừng 1km để làm nhà tạm. Giá đất ở đây không rẻ, 150 triệu đồng cho 100m2 ở trong hẻm xa tít” – chị Hà nói.
Một dãy nhà trọ ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: TÂM ĐĂNG |
Nhưng được như chị Hà đã là may mắn hơn nhiều CN khác. Gần đó, hai vợ chồng Nam - Hiếu (quê Duy Xuyên) cùng một đứa con phải trú trong căn phòng trọ chỉ chừng 12m2, thấp lè tè, chỉ để thêm chiếc xe máy là không còn chỗ cựa mình. Nam nói: “Như thế này đã là may lắm rồi, vì chúng em ở đây hơn 7 năm nên mới “xí” được phòng này có chỗ phơi đồ trên hàng rào. Còn ở chỗ khác, phải phơi trong phòng cả. Còn về nhà chung cư, chúng em nghe nói từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Mà với giá cả nhà đất như bây giờ, tính bằng trăm triệu, chắc gì chúng em đã chi trả nổi để vào ở”. Ở một khu nhà trọ khác có hơn 20 phòng, hàng chục CN vừa tan ca về cùng mấy đứa bé phải ngồi chơi ở ngoài hành lang vì trong phòng quá chật chội. Tại đây, có 4 anh chị em đạt “kỷ lục” về chuyện ở trọ. Cô em út Nguyễn Thị Huyền Như cho biết: “Bốn anh em gồm 2 nam, 2 nữ phải ở chung một phòng vì nghèo. Ba anh chị ra làm CN ở đây trước còn em ra sau nên cũng vào ở đây luôn, rồi xin được việc làm ở cùng chỗ mấy anh chị tại Công ty Da giày Minh Hoàng. Giá phòng này rẻ, chỉ 400 ngàn đồng/tháng nhưng chỉ rộng có 9m2, lại dành chỗ nấu nướng, phơi đồ, để xe nên chỉ còn diện tích cho một cái sạp 1,6 x 2m, tối đến thì 4 anh chị em quay ngang lại ngủ. Vẫn may là phòng này có nhà vệ sinh”. Căn phòng tối om om, thấp tịt, đồ đạc phơi thành dãy trên đầu, từ cửa vào cho đến bếp.
Dãy nhà trọ chật hẹp, nơi chị em Nguyễn Thị Thùy Dương thuê. |
Sống tạm bợ
Hàng ngàn CN xúm xít chen chúc trong cả ngàn phòng trọ “ổ chuột” ở thôn Hà Quang (xã Điện Ngọc), sát Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tạo nên vẻ ồn ào của đời sống công nghiệp. Nhưng bên trong lại là sự thiếu thốn và tạm bợ trăm bề. Chợ thì “chồm hổm”, cà phê thì “cóc”. CN muốn vui chơi, giải trí, ngoài rượu chè, bài bạc và cà phê thì chẳng còn gì. Anh Trần Đại (32 tuổi), ngậm ngùi: “Làm CN may gần 10 năm như tôi ở đây, vẫn chưa kiếm nổi tiền để cưới vợ. Ngày hùng hục làm, tối về quanh quẩn khu nhà trọ, ai bày gì thì xúm lại chơi cái ấy. Thật ra ở đây cũng có “công nghiệp giải trí” như mát xa, hát karaoke…, nhưng tiền cỡ mình, chơi một bữa nhịn đói cả tuần”. Nhiều công nhân nói thật như đùa: “May mà chưa có sự cố cháy nổ gì lớn. Nếu không, cả ngàn CN ở các khu nhà trọ không có đường mà chạy”.
Cũng chính vì hàng ngàn thanh niên nam nữ tập trung một chỗ nên dễ sinh ra tệ nạn, cờ bạc, trộm cướp, đánh nhau. Trung tá Hồ Văn Đại - Phó Trưởng đồn Công an Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, khu vực nhà trọ CN trước đây là điểm nóng về an ninh trật tự do tập trung đông người tứ xứ đổ về, lại ở giữa hai thành phố là Đà Nẵng và Hội An nên bọn tội phạm thường trà trộn vào để gây án. Do vậy, để kiểm soát chặt tình hình, từ giữa tháng 6.2013, Bộ Công an đã quyết định “nâng cấp” Đồn Công an Điện Nam - Điện Ngọc (vốn chỉ “quản” bên trong khu công nghiệp) thành đồn công an trọng điểm về an ninh trật tự Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và 5 xã trong khu vực. Riêng 2 xã Điện Ngọc và Điện Nam Bắc, tổng dân số sở tại chừng 23 ngàn người, vừa ngang bằng với số CN đến làm việc ở khu công nghiệp. Đặc biệt ở 2 xã này tập trung đến hơn 460 khu nhà trọ, mỗi khu có từ 5 - 20 phòng cho CN ở, mỗi phòng từ 2 - 4 người. Các nhà trọ này do người dân địa phương và nơi khác đến xây dựng, hình thành tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu, cũng có chỗ tốt, nhưng hầu hết là nhà trọ không đảm bảo, xuống cấp, chật chội, điện nước thiếu thốn. Chỉ được cái giá rẻ, hợp túi tiền CN, nên gần 2 ngàn CN vẫn đang ở trọ. Tuy nhiên, ở đây rồng rắn lẫn lộn, nhiều đối tượng tội phạm trà trộn khiến tình hình phức tạp. Vì vậy, lực lượng công an của đồn và các xã luôn chú trọng đặc biệt đến các khu nhà trọ để đảm bảo an ninh trật tự, giúp CN ổn định nơi ăn chốn ở để làm việc.
Giấc mơ chung cư còn xa
Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, mặc dù đây là khu công nghiệp trọng điểm của Quảng Nam, mỗi năm đóng góp gần 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, nhưng hiện vẫn chưa có khu chung cư hoặc nhà ở xã hội cho CN. Một số doanh nghiệp có hỗ trợ tiền nhà ở cho CN, nhưng không đáng là bao, chỉ 50 - 100 ngàn đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp đang có đến hàng ngàn CN, cá biệt như Công ty Giày Rieker có đến 13 ngàn CN, đều mong muốn có các khu nhà ở xã hội, chung cư cho CN để giữ chân họ, đảm bảo ổn định sản xuất. Các doanh nghiệp này đã nhiều lần kiến nghị, xin Nhà nước giao đất để họ đầu tư xây dựng nhà ở cho CN, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chỉ có một dự án xây nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, do Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp - nông thôn và dịch vụ thể thao - du lịch STO làm chủ đầu tư, đã được tỉnh cấp phép cách đây 4 năm, được giải phóng mặt bằng, giao đất trên diện tích 18ha ở khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (sát khu công nghiệp), nhưng đến nay mới chỉ làm xong con đường. Ông Ngọ cho biết, UBND tỉnh đã họp với chủ đầu tư này, yêu cầu trong năm 2014 phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và đưa vào sử dụng 8 block nhà chung cư với 1.600 căn hộ để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Phóng sự của TÂM ĐĂNG