Dám nghĩ, dám làm, cán bộ trẻ người Xê Đăng Trương Thị Luôn không quản khó khăn, nỗ lực vươn lên và vận động người dân ở làng Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) xóa bỏ hủ tục, tập trung làm ăn để xóa đói giảm nghèo.
Dám nghĩ, dám làm
Đường vào làng Cheng Tông nay đã có cây cầu treo chắc chắn bắc qua sông Tranh thay cho cầu tre trước đây người dân góp công sức dựng lên để trẻ con có đường đi học. Trước năm 2015, người làng Cheng Tông muốn qua bên kia sông, chỉ có cách lội bộ. Mùa mưa, nước dâng cao, người lớn cõng trẻ con qua sông đi học muôn phần nguy hiểm.
Vậy là cô Trương Thị Luôn - cán bộ mặt trận thôn đã vận động dân làng cùng nhau chặt tre, làm cây cầu tạm qua sông để trẻ được đến trường. Có cầu, rồi có đường bê tông, lại có thêm trường học ngay trong làng, đều là công sức của người dân địa phương, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nhà tài trợ về nguyên vật liệu. Đời sống người dân từ đó dần thoát đói nghèo, phần lớn nhờ vào tư duy dám nghĩ, dám làm của Trương Thị Luôn (hiện là Bí thư Chi bộ kiêm cán bộ mặt trận thôn 1, xã Trà Cang).
Sinh năm 1992, Trương Thị Luôn còn khá trẻ nhưng đã là người có uy tín được dân làng Cheng Tông tin yêu. Với cách suy nghĩ mới mẻ và mong muốn mang lại cuộc sống mới cho dân làng, chị Luôn đau đáu ý nghĩ làm sao cho dân làng thoát khỏi đói nghèo.
“Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Xê Đăng, sống không tập trung, không có điều kiện sản xuất, còn nhiều hủ tục. Muốn xóa nghèo mình phải đến với dân, sâu sát từ việc nhỏ. Đặc biệt muốn vận động nhân dân, bản thân mình phải làm trước và phải làm được thì mới tạo được niềm tin” - chị Luôn nghĩ vậy và bắt tay vào thực hiện.
Năm 2013, chị Luôn cùng gia đình và một số người dân di dời xuống ở làng Cheng Tông. Con đất này được làng thống nhất chọn vì bằng phẳng, gần nguồn nước, đi lại thuận tiện hơn là ở rải rác các nóc lưng chừng núi. Mất 4 năm kiên trì, dân làng mới chịu tập trung di dời hết xuống làng mới vào năm 2017. Có 37 hộ dân đã về làng mới, việc lập làng, dựng làng được nhân dân một lòng đồng thuận. Nhà rông của làng Cheng Tông cũng được dựng lên từ tinh thần và công sức của dân làng.
Phải xóa nghèo bằng được
Nay cả làng Cheng Tông chỉ còn 6 hộ nghèo, đều là hộ đơn thân, đau ốm. “Hộ có lao động không thể ở hộ nghèo” là quan điểm của chị Luôn trong giảm nghèo cho Cheng Tông cũng là cho cả thôn 1. Năm 2016, khi chị Luôn làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1, cả thôn còn 170 hộ nghèo/202 hộ dân. Cuối năm 2020, cả thôn còn 74 hộ nghèo. Có được thành quả này là cả một quá trình dài.
Chị Luôn chia sẻ: “Trước đây, hủ tục khiến dân làng cứ đói triền miên. Trong nhà có người đau ốm thì không đi khám bệnh mà mổ heo gà cúng bái. Rồi chị em sinh con thứ 4, thứ 5, uống rượu, không chịu lao động, nhà cửa không sạch sẽ nên bệnh cũng nhiều. Tôi cùng với Ban nhân dân thôn bàn cách, phải xóa bỏ hủ tục, khơi dậy ý thức tự lực của người dân”.
Nói là làm, chị Luôn họp dân ở 2 điểm nhà rông, kêu gọi người dân phải xóa bỏ hủ tục, bỏ uống rượu để lao động, không được ỷ lại vào chính sách nhà nước, kế hoạch hóa gia đình để không sinh con đông. Đặc biệt, chị Luôn đặt mục tiêu nhà nào có thanh niên, có lao động mà lười biếng, hay vi phạm uống rượu say phá dân làng, sinh con 4, con 5 nhất quyết không được hưởng các chính sách, hỗ trợ.
Thời gian đầu, dân làng rất giận nhưng chị Luôn quyết tâm làm bằng được. Nhà nào vận động thành công, chị Luôn đến xã, huyện xin hỗ trợ con giống để họ chăn nuôi. Hộ nào làm tốt, chị nêu gương trong tuyên truyền, vận động người dân làm theo.
Bản thân chị cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế, trồng chuối, nuôi heo, làm lúa, trồng cây để dân làng thấy hiệu quả người thật việc thật làm theo. Kiên trì mãi, chị Luôn cùng bản làng từng bước xóa nghèo, cuộc sống dần đổi thay tích cực.
Như lời của ông Hồ Văn Quỳnh, người dân ở làng Cheng Tông: “Trong lòng dân làng, giờ chị Luôn không còn bị ghét nữa, mà thành người có uy tín, được dân làng tin yêu. Cheng Tông sạch sẽ, hết nghèo khó đều nhờ có chị Luôn”.