"Chết đứng" rừng phòng hộ - Bài cuối: Quy hoạch rừng phòng hộ trên đất rẫy

HỮU PHÚC 15/05/2020 04:05

Sự chồng chéo trong quy hoạch 3 loại rừng, cùng với việc buông lỏng quản lý tại địa phương, không tuân thủ nghiêm quy hoạch được duyệt đã khiến không ít khu rừng phòng hộ trở thành “nạn nhân” của các hành vi đốt, phá rừng kiểu mới.

Những dãy núi đã bị cạo trọc sau vụ cháy rừng. Ảnh: H.P
Những dãy núi đã bị cạo trọc sau vụ cháy rừng. Ảnh: H.P

Nhập nhằng

Trước và trong mùa khô hàng năm, ngành kiểm lâm và chủ rừng luôn mở chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân sống quanh khu vực ven rừng phải báo cáo việc đốt thực bì với ngành chức năng, tuyệt đối không sử dụng lửa ở vùng có nguy cơ cao.

Vụ cháy rừng xảy ra ở xã Mà Cooih (Đông Giang) hồi đầu tháng 5.2020, nhưng trước đó, ngày 27.4.2020, Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang) đã có báo cáo về tình hình phát rẫy để canh tác vụ mới của nhóm hộ ông Phạm Ba (trú ở Khuê Trung, Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đang nhận khoán đất trồng rừng tại Mà Cooih.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra, đơn vị này đã phát hiện trong diện tích rẫy keo có 2 khu vực có cây rừng bị chặt hạ tại khoảnh 6, 7 thuộc tiểu khu 160 xã Mà Cooih; sau đó lập biên bản đình chỉ, yêu cầu nhóm hộ ông Phạm Ba không được tác động vào các khu vực có cây rừng tự nhiên trong rẫy.

Toàn bộ khu vực có rừng tự nhiên bị chặt hạ nằm trong diện tích giao khoán cho nhóm hộ ông Phạm Ba theo Hợp đồng số 20 ngày 8.6.2001 giữa Công ty Nông lâm sản xuất khẩu Prao và đại diện nhóm hộ ông Phạm Ba.

Là lãnh đạo cao nhất của chủ rừng, đồng thời người có quyền lợi liên quan, lẽ nào ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang không biết người lao động đã thuê tác động vào rừng phòng hộ? Ông Thịnh cho rằng, nhóm hộ phát mới diện tích 3ha quy hoạch rừng phòng hộ nhưng nằm trong diện tích 120,5ha trước đây Nhà nước đã giao khoán trồng rừng.

Hiện nay, diện tích đất rừng mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý khoảng 36.000ha. Rắc rối nhất là trong phạm vi diện tích rừng được quy hoạch chức năng phòng hộ có hàng trăm gia đình đang canh tác sản xuất và đã sử dụng đất ổn định lâu dài nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều nhất là hộ và nhóm hộ ở xã Mà Cooih có đất trồng rừng sản xuất, đất nương rẫy với diện tích hơn 1.530ha, được UBND tỉnh quy hoạch là rừng phòng hộ; ít nhất là các hộ dân ở thị trấn Prao với 76,8ha.

Theo Báo cáo số 42, ngày 19.3.2020 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang, tổng diện tích đất của người dân đang canh tác hiện nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng  sau rà soát hơn 5.000ha. Riêng phần quy hoạch rừng phòng hộ, hiện trạng đã có 3.931ha đất nương rẫy của người dân và hơn 817ha đất có rừng trồng của dân.

Tại huyện Đông Giang, không chỉ quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) chồng chéo, nhập nhằng mà còn dai dẳng tình trạng tranh chấp đất giữa Công ty CP Cao su Việt Hàn với đất nương rẫy của người dân. Hiểm họa cháy rừng đang rình rập ở các loại rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý, bởi đây đang là mùa người dân đã khai thác keo xong, đốt thực bì dọn đất cho mùa trồng rừng mới.

Tuy UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết 3 loại rừng nhưng thực tế người dân trồng rừng sản xuất xen kẽ với rừng phòng hộ, đặc dụng nên nếu không kiểm soát tốt, dùng băng cản lửa thì những cánh rừng tự nhiên đang đối mặt với thách thức “giặc lửa” hơn bao giờ hết.

Khó thực hiện theo quy hoạch

Lâu nay, nhiều huyện miền núi, trong đó có Đông Giang rất ì ạch trong tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài thiếu kinh phí đo đạc, lập thủ tục còn nằm ở nguyên do rừng quy hoạch chức năng phòng hộ nhưng hiện trạng là đất rừng trồng, đất vườn, đất nông nghiệp, kể cả đất ở của người dân.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến ngày 28.2.2020, có 13 địa phương, chủ rừng gồm các huyện Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Đại Lộc, Duy Xuyên, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và các ban quản lý rừng phòng hộ gồm Đắc Mi (cũ), Bắc Sông Bung (cũ), Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, 3 khu bảo tồn đã rà soát với tổng diện tích hơn 8.960ha đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp đề xuất đưa ra khỏi rừng phòng hộ.

Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay Chi cục Kiểm lâm căn cứ bản đồ kiểm kê rừng, bản đồ cập nhật diễn biến rừng năm 2019, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và bản đồ các chương trình dự án của Nhà nước đầu tư để chồng ghép, phân loại và thống kê sơ bộ diện tích rừng và đất rừng thuộc đối tượng cần rà soát theo từng địa phương, chủ rừng và dự thảo đề cương hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, lúng túng của Đông Giang là kinh phí lấy từ đâu để đưa dân ra khỏi vùng quy hoạch rừng phòng hộ.

Tại lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la quy hoạch rừng đặc dụng, hiện nay có ít nhất 188ha là đất nương rẫy của người dân ở hai xã Tà Lu và Sông Kôn (Đông Giang) được xác định chủ sử dụng. Ban Quản lý khu bảo tồn loài Sao la kiến nghị cơ chế bồi thường, hỗ trợ để người dân giao đất lại cho đơn vị quản lý. Nhưng, theo UBND huyện Đông Giang, phương án dùng tiền ngân sách để bồi thường rất ít có tính khả thi.

Theo Phòng TN&MT huyện Đông Giang, đến nay không có trường hợp hộ gia đình, cá nhân nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng do Nhà nước quản lý theo Quyết định số 120, ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh về điều chỉnh 3 loại rừng.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang – Vũ Phúc Thịnh đề xuất, với nhóm đối tượng chuyển loại đất rừng sang mục đích sản xuất, đơn vị sẽ xây dựng phương án, dự toán kinh phí thực hiện chuyển các loại đất, loại rừng của người dân từ quy hoạch phòng hộ, đặc dụng sang quy hoạch sản xuất. Còn với nhóm diện tích được quy hoạch chức năng đặc dụng nằm xa khu dân cư nên có cơ chế bồi thường, hỗ trợ kinh phí để người dân giao lại đất thực hiện đúng chức năng quy hoạch.

Sự thật trớ trêu ở huyện Đông Giang là nhiều diện tích đất nương rẫy, đất nông nghiệp, đất trồng rừng người dân canh tác nhưng họ không hề biết Nhà nước đã quy hoạch với chức năng rừng phòng hộ, đặc dụng. Mà đất rừng phòng hộ đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Việc phê duyệt quy hoạch này của cấp  có thẩm quyền có phải chồng lấn, hay người dân lén lút biến đất rừng phòng hộ thành đất sản xuất của riêng mình, rất cần sớm được ngành chức năng làm rõ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chết đứng" rừng phòng hộ - Bài cuối: Quy hoạch rừng phòng hộ trên đất rẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO