Tại huyện Thăng Bình, Chi bộ Tây Giang ra đời vào ngày 19.6.1936 ghi dấu mốc quan trọng về phong trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ ở xã Bình Sa nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hồi ức
Năm nay gần 90 tuổi, thế nhưng trong ký ức của cụ Nguyễn Thị Thanh ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa vẫn in dấu những câu chuyện về một thời ác liệt của chiến tranh. Hình ảnh về chợ Tây Giang, cây Sợp, đặc biệt là hiệu thuốc Nghĩa Hòa Đường… là chứng tích sống gắn bó với cụ cho đến bây giờ. Nằm ở vị trí sát sông Trường Giang về hướng tây nên địa danh Tây Giang được hình thành từ thuở xưa. Địa hình cách trở, song nơi đây được xem là vị trí tiền tiêu, cũng là cửa ngõ chuyển trạng thái linh hoạt của quân và dân ta.
Cụ Thanh kể, lúc cụ sinh ra và lớn lên, chợ Tây Giang, cây Sợp, đặc biệt là hiệu thuốc Nghĩa Hòa Đường đã hình thành từ lâu. Đây được xem là nơi khởi xướng phong trào giác ngộ cách mạng và là địa bàn hoạt động của quân đội chủ lực và du kích địa phương. Mặc dù không trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng bí mật nhưng với vỏ bọc là “dân thường”, cụ cùng bà con nơi đây vẫn âm thầm giúp đỡ lực lượng ta hoạt động.
Cụ Thanh nhớ lại, cán bộ cách mạng chủ yếu hoạt động, hội họp vào ban đêm, ẩn nấp trong những căn hầm bí mật. Mỗi khi địch tới, dù có bị đánh đập, hành hạ song bà con vẫn kiên quyết không khai. Kể tới đây, cụ Thanh không kìm nén được cảm xúc khi hồi ức của cụ vẫn lưu giữ hình ảnh hy sinh “thà chết chứ không chịu đầu hàng” của 3 chiến sĩ cách mạng hy sinh tại căn hầm ngay phía sau nhà cụ vào năm 1967.
“Lúc đó, các đồng chí vô tình bị phát hiện trong hầm bí mật. Địch dành lời ngon ngọt để vận động đầu hàng, song các chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh trong sự chứng kiến của dân làng địa phương” - cụ Thanh xúc động kể lại.
Ký ức của cụ Thanh cũng là ký ức chung của người dân làng Tây Giang khi nhắc đến hai chữ: Đấu tranh. Trước khi đấu tranh vũ trang, nơi đây chính là địa điểm đầu tiên trong hành trình đấu tranh tư tưởng, vận động giác ngộ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nơi đây, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thăng Bình ra đời là sự khẳng định cho phong trào cách mạng, truyền thống yêu nước đó.
Dấu ấn Nghĩa Hòa Đường
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Thăng bình, năm 1936, đồng chí Trần Học Giới - Tỉnh ủy viên bắt đầu liên lạc với đồng chí Hoàng Tánh để giác ngộ cách mạng. Sau đó, đồng chí Hoàng Tánh đã tuyên truyền, vận động tập hợp rộng rãi các thanh niên tham gia hoạt động. Thời gian đầu đã vận động được 3 người gồm Nguyễn Niệm (quê Hưng Mỹ, xã Bình Triều), Nguyễn Giai (Giáo Ngẫu người Hòa Tây, Tam Kỳ) và Trương Thành Đồng (thôn Tiên Đỏa, Bình Đào bấy giờ) là những người có chuyên môn về khám chữa bệnh cùng chung vốn mở tiệm bán thuốc Đông y và tổ chức Hội đọc sách, lấy tên gọi là Nghĩa Hòa Đường, địa điểm đặt tại nhà ông Trịnh Phương, tại chợ Tây Giang, xã Bình Sa.
Hiệu thuốc Đông y Nghĩa Hòa Đường ra đời với hoạt động công khai là khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cho nhân dân, uy tín ngày một lan rộng, nhân dân khắp nơi đến để khám chữa bệnh, trong đó có không ít là sĩ phu yêu nước.
Nghĩa Hòa Đường được xem là tổ chức ái hữu đầu tiên của Bình Sa tổ chức để che mắt bọn địch. Lúc bấy giờ, chợ Tây Giang sầm uất người buôn bán, nhà ông Trịnh Phương nằm ngay cạnh chợ chính là địa điểm thuận lợi để Nghĩa Hòa Đường ẩn mình hoạt động...
Xét thấy Nghĩa Hòa Đường ra đời và hoạt động mạnh mẽ, đảm bảo đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ, đồng chí Trần Học Giới quyết định thành lập chi bộ đảng. Và vào ngày 19.6.1936 tại nhà ông Trịnh Phương, Chi bộ Tây Giang ra đời, gồm các đồng chí Nguyễn Niệm, Nguyễn Ngẫu và Hoàng Tánh, đồng chí Nguyễn Niệm được cử làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ đảng đầu tiên tại Thăng Bình.
Ông Trần Ngọc Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Bình Sa nói, sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Tây Giang đánh dấu bước chuyển biến căn bản về phong trào đấu tranh của nhân dân xã Bình Sa nói riêng và nhân dân huyện Thăng Bình nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, hoạt động của Chi bộ Tây Giang đã có ảnh hưởng đến các vùng đông nam huyện Thăng Bình và một số địa phương giáp Tam Kỳ, đóng góp tích cực vào phong trào của huyện trong những năm 1936 - 1939.
“Các địa danh tại xã Bình Sa như chợ Tây Giang, cây Sợp, sông Trường Giang trở nên nổi tiếng với những giá trị mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Địa phương mong muốn cấp trên cần sớm công nhận Nghĩa Hòa Đường - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại huyện Thăng Bình là di tích lịch sử cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau” - ông Thọ chia sẻ.