Ông cười lớn, âm vực rộng và trong, rõ là có nội lực cao ở người già tuổi đã 80, còn nói như thiên hạ hay bàn về lòng người, thì đó là tiếng cười của hỷ xả, lại thêm cái bắt tay như thể tôi đang chạm vào thép, rõ là công phu không phải chơi.
Ông Nguyễn Vân.Ảnh: TRUNG VIỆT |
1. Lối vào nhà hẹp ké, nhưng bất ngờ nở ra bởi gian tiếp khách đủ rộng và ấm cái nhìn khiêm cung nhưng không thiếu cẩn nghiêm của chủ. Không rào đón, vào chuyện liền, ông là lớp đầu tiên của môn võ Thái Cực Đạo khi nó được dạy tại Việt Nam, rồi khi được phong huyền đai đệ tam đẳng quốc tế, ông bắt đầu dạy võ, hết Huế, Nha Trang đến Sài Gòn, kéo dài từ 1963 đến 1975. Sau đó, ông về quê Vĩnh Điện dạy đến 1979 thì nghỉ. “Sao chú không dạy nữa?”. Ông trầm ngâm: “Hồi đó cực lắm, sáng sớm chở hàng cho vợ bán, cả ngày kéo xe bò, sức đâu mà dạy con. Chú có học Aikido, Judo rồi Thiếu Lâm nữa, nhưng rồi cũng thôi. Nhờ được dạy huyệt đạo từ Thiếu Lâm mà có một thời kỳ chú đi châm cứu. Nhớ hồi đó có ông Huỳnh Thảng viết văn, nằm ở bệnh viện C, bệnh nặng lắm rồi, người quen nói với chú ra coi thử, đạp xe ra, chú nói 10 ngày nữa ông sẽ đi lại được nếu tôi châm, sau 8 ngày thì ổng đi bộ vào bệnh viện, người ta trố mắt. Nhưng ở đời làm thầy có số con à, có ông thầy nói với chú, là 2 năm 7 tháng nữa, ông sẽ bỏ nghề thuốc. Một bữa, có bà đó bị thần kinh tọa nhờ châm, chú lấy ba ngàn đồng, bả la mắc, lên bệnh viện, họ đòi 5 ngàn/lần, lại chạy xuống nói nhờ ông, chú lắc đầu thôi thôi tôi nghỉ từ đây, không hiểu răng lại ưng nghỉ, có đứa nghe rứa liền chạy tới xin bộ đồ nghề, cho liền. Ngồi tính lại bữa ông thầy nói, đúng y 2 năm 7 tháng...”.
Bỏ làm thầy võ lẫn thầy thuốc, nhưng trời xui và bắt ông không từ được cái nghiệp vung tay múa chân. Năm 1987, lớp dưỡng sinh đầu tiên được dạy, thế là ông theo học, và từ đây, nó đeo tới giờ không bỏ được. “Trước dưỡng sinh, chú cũng tổ chức cho bà con tập chạy, khi dưỡng sinh mở ra ngay sân trụ sở ủy ban thị trấn Vĩnh Điện, cứ sáng sớm là mình đập cửa kêu bà con dậy tập…”. Ông lý giải rằng cái kiểu “vác tù và hàng tổng này” có lý do đơn giản là mình biết, bày cho bà con có sức khỏe, tiền nay làm không có thì sẽ có, chứ sức khỏe là thứ khó tìm, rồi tập để mấy đứa con bắt chước theo. Ông lại cười lớn rằng, ba thằng con trai không đứa mô theo nghiệp võ. “Bà vợ bị cao huyết áp, hay nói đau đầu, mình bấm huyệt là hết, biểu là đi tập thì bả không đi, ừ đúng đó, bụt chùa nhà không thiêng”. Những lớp dưỡng sinh của ông dạy lúc đầu tự phát, sau đó lan rộng. “Lịch là ri, sáng chú hướng dẫn cho lớp ở thị trấn, xong, chở hàng cho bà vợ, về xách xe đạp xuống mấy xã tập tới trưa, chiều lại dạy ở thị trấn, rồi dọn hàng cho vợ”. Có người thống kê là đến năm 2016, đã có 62 thôn của 8 xã có lớp dưỡng sinh do ông đứng dạy, từ cái thời cọc cạch đạp xe đến giờ rong ruổi xe máy. Dạy không công, không lấy một hào, cơm nhà gạo chợ, mải miết mà đi. Tôi buột miệng rằng, làm kiểu đó, vợ có nhăn không, ông gật rằng cũng có chứ, rồi cũng không ít người ganh ghét dệt chuyện này nọ, nhưng mình làm ngay thẳng, chẳng sợ chi. “Thiệt với con, chú làm theo tinh thần võ sĩ đạo, đừng để bụng, cũng nhờ trời cho cái sức”.
2. Dưỡng sinh bây giờ rộ khắp nơi. Đã qua rồi thời ăn uống cực khổ, những tưởng ai ai cũng khỏe cũng mạnh, nhưng ngờ đâu chưa bao giờ bệnh tật nhiều, lạ và nguy hiểm như bây giờ, không phân biệt thành phần, lứa tuổi, bất luận bệnh gì cũng có thể… ăn giỗ trên cái xác của mình. Cứ vào bệnh viện mà coi. Ngó mà ngán, nhưng thể dục thì răng? Cái câu “trẻ uống trà, già tập thể dục” vẫn còn nguyên đó, mà trẻ cũng có cái lý của nó, là giờ nhiều thú vui hơn thể dục, chỉ có đứa nào ham lắm mới theo. Nhưng tôi để ý rồi, nhiều ông khi một mình thì tập tành này nọ, đùng có vợ là đổ ra lười biếng, bởi công việc, trách nhiệm, bia bọt bao vây, bụng vượt mặt, “ngày xưa bụng bự thì sang/ngày nay bụng bự không xơ gan cũng tiểu đường”, đến khi bác sĩ nói tập kiêng cữ, thể dục đi nếu không vợ chê trời thích con đau đớn, thế là ục ịch đi tập. Chỉ có người già là siêng. Xương khớp đau nhức, huyết áp tim mạch, kêu réo, rồi muốn khỏe đến sống thêm vài năm nữa, tới chỗ đó người già với nhau lại dễ chuyện trò làm vui. Vì thế, ngó các lớp dưỡng sinh đâu đâu cũng thấy người già, còn lớp yoga, gym thì thấy đàn bà con gái là đông bởi sợ nhan sắc thân thể bị chê ỏng eo… Tôi bắt thêm chuyện rằng, tôi thấy dưỡng sinh rồi, một dạng của Thái Cực Quyền nhưng dễ hơn, là tập thể dục thôi, chứ không khó khăn công phu như võ. Ông lắc đầu rằng, không phải đâu, khó đấy, đối tượng học dưỡng sinh là người già, dạy không phải cào bằng, mùa nắng dạy ra sao, mưa dạy thế nào, rồi quan sát sức khỏe họ, đã có không ít người dạy mà chú nhìn sắc mặt, biết ngay nếu tiếp tục họ sẽ đổ bệnh gay lắm chứ chơi.
Hàng chục lớp dưỡng sinh đã được ông Vân tận tụy dạy. |
Sau lưng tôi, trên tường cao là bằng khen của Trung ương Hội Người cao tuổi. “Cấp tỉnh nhiều lắm, treo vài cái cho vui thôi, dạy cũng để an vui mà…”. Nói thì dễ, nhưng làm khó thay. Thời buổi này có mấy ai ròng rã như ông. Người ta hiện diện ở đời có nhiều cách để lưu tên mình, thì ông có cách của ông, dẫu ông làm vậy cũng chẳng cần ai phải nhớ. Anh bạn lên tiếng: “Ở thị trấn ni, chú là người giàu nhất đó, con cái chú buôn bán như người ta nhưng cách mua bán, ứng xử lại khác người ta…”. Ông gật. Trên tường là những điều răn về làm giàu, về tâm đức, hẳn là để ông dạy con. Cái sự giàu vừa nói đến, chắc chắn là bề bộn của lòng nhân và sự tận tụy không giới hạn với cộng đồng. “Khi chú học võ, ông thầy có dạy câu “nhứt kích sinh tử quyết định”, đánh một cái là chết ngay, chứ đừng đánh bị thương. Tâm lý dân Việt mình là không ai chịu nhục, nhưng nhẫn nhục một chút cho xong chuyện đi, ngẫm lại là tinh thần võ sĩ đạo. Cốt tử câu nói trên là khuyên người học võ chớ có ra tay giết người, mình mang họa ngay, từ đó nó dạy rộng cái nghĩa sống hơn, là đừng gây gổ sân si làm chi, học võ nên chú biết, nhiều khi dẫu vô tình đụng huyệt đạo là đủ gây chết người… Nên, sống là mang lại niềm vui, đó là cái lý dễ chịu nhất”. Và ông đã hành hiệp như thế. Sức khỏe mang lại từ những lớp học của ông, tự mỗi người biết…
3. Ở đời, có thứ học được, có thứ do căn tính, chẳng biết ở ông là từ đâu mà có, nhưng ngó bộ dạng ông như thầy giáo già ở làng, vui lắm. “Rồi đến lúc nào đó, chú sẽ yếu đi, những lớp học thì sao?”. “Đó là điều chú lo nhất, chừng đó năm đứng dạy mà không tìm được người thay thế. Lý do là không ai chịu khó học, dạy võ cho trẻ thì dễ, nếu nó tập sai, mình sửa liền, nó không chịu sửa, tập sẽ dính đòn ngay, chứ người già đâu phải dễ, họ khó chịu lắm, tập mà không dám nói tiếng nặng, rồi lắm người học không tới đâu mà đòi làm thầy…”. Tôi nhớ đến những lớp học võ trong xóm vắng, những võ đường giờ đã phủ bụi, hỏi thì nhận được cái lắc đầu là chủ nhân đã mỏi mệt áo cơm, rồi tìm đệ tử chân truyền không dễ, và đây chính là lý do để tinh hoa võ thuật lụi tàn, bởi tôi nhớ một võ sư già nói với tôi rằng, không ai giấu nghề đâu, nhưng tìm người không ra vì học trò không đủ đức, rồi có đức mà thiếu tài, cũng đòn đánh đó, nhưng dạy thì nó không học được, vì thế thầy mang xuống tuyền đài những tuyệt kỹ trong nỗi xót xa.
Ông thầy dạy dưỡng sinh Nguyễn Vân ở khối phố 7, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn cũng mang tâm trạng đó, khi đọc trong mắt ông nỗi thao thức không có chút hy vọng của một người như chèo đò đi ngược giữa buổi bao tham luyến ngập tràn. Càng ngày càng thấy vắng dần những điều hay, khi ngó lên tường có hai câu ông treo: “không có hương hoa nào bay ngược chiều gió thổi/ Chỉ có hương người bay ngược gió muôn phương”…
TRUNG VIỆT