Chỉ còn tình yêu ở lại...

VĂN BẢY 04/07/2015 08:58

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh 11.11.1924 tại Đà Nẵng (nguyên quán Điện Bàn, Quảng Nam) qua đời lúc 10h15 ngày 29.6.2015 tại TP.Hồ Chí Minh do suy hô hấp và bạch cầu cấp, thượng thọ 92 tuổi, theo âm lịch. Hơn 75 năm miệt mài sáng tác, những đóng góp của Phan Huỳnh Điểu trong âm nhạc thật khó để nói hết trong một vài bài viết, chỉ có thể khẳng định rằng hiếm người Việt nào thích nhạc mà không biết đến một số ca khúc của ông.

Những năm cuối đời, Phan Huỳnh Điểu càng được yêu mến bởi lời phát biểu chân tình: “Rồi mọi chuyện sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu cuộc sống, tình yêu với những con người xung quanh chúng ta, chỉ còn tình yêu ở lại”.

1. Có thể khẳng định một trong số ít ca khúc của Phan Huỳnh Điểu mà 70 năm qua vẫn còn nhiều nơi yêu thích là Đoàn vệ quốc quân, tên ban đầu là Đoàn giải phóng quân, viết và phổ biến tại Quảng Nam - Đà Nẵng cuối năm 1945. Sau đó ca khúc mau chóng theo radio bí mật đi khắp nơi; năm 1946, tiệm sách Tân Hoa ở Huế in 2.000 bản phát hành, nổi tiếng cả nước, ngay cả trong các vùng còn chiến tranh. Vừa rồi trong các cuộc mít tinh, tuần hành tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh về biên cương hải đảo, nhiều người vẫn tự chọn hát lại ca khúc này.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: VĂN BẢY
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: VĂN BẢY

Trước và sau khi đi tập kết ra Bắc, giai đoạn ở miền Trung, ở quê nhà, Phan Huỳnh Điểu có nhiều ca khúc tiêu biểu như Trầu cau, Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Ra tiền tuyến… Đặc biệt một ca khúc được đặt hàng, viết nhằm mục đích tuyên truyền cụ thể, nhưng rồi được đông đảo người dân Trung bộ thời bấy giờ yêu thích, nhiều ca sĩ tự chọn để hát, đó là bài Hoan nghênh tín phiếu.  

Tháng 12.1964, Phan Huỳnh Điểu từ miền Bắc trở lại chiến trường Trung Trung bộ, hoạt động ở Ban văn nghệ khu, vì an toàn, nhiều tác phẩm của ông được ký với bút danh khác. Khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1965, ông viết hành khúc Ra tiền tuyến, ký bút danh Huy Quang. Điều này cho thấy quê nhà luôn là niềm đau đáu của ông.

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Phan Huỳnh Điểu có 3 thời kỳ sáng tác rõ ràng. Thời còn ở Đà Nẵng cuối Thu 1945, với ý thức cách mạng, coi sự hy sinh cho đất nước đồng nghĩa với hạnh phúc. Hy sinh như một người tự do, chứ không cần sống kiếp người nô lệ. Thời trường kỳ kháng chiến ở khu 5, ông tiếp tục tạo ấn tượng sâu đậm. Thời thống nhất, Phan Huỳnh Điểu vào TP.Hồ Chí Minh, một thời kỳ sáng tác mới đưa ông tới danh hiệu Nhạc sĩ của tình yêu. Phan Huỳnh Điểu cũng như Hoàng Hiệp là những bậc thầy phổ thơ trong làng nhạc Việt Nam. Là một cây đại thụ trong âm nhạc, nhưng Phan Huỳnh Điểu luôn khiêm nhường, tính tình cởi mở với anh em nhạc sĩ nhiều thế hệ”.  

2. Về số lượng, Phan Huỳnh Điểu đã viết khoảng 100 ca khúc, một nửa trong số đó là phổ thơ của những nhà thơ “cùng thời” như Lưu Trọng Lư, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Dương Hương Ly, Hoài Vũ, Trần Chính…, và cả tiền bối như Nguyễn Khuyến… Từ nhỏ ông đã thuộc lòng thơ của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tế Hanh… Đến nay những ca khúc như Hành khúc ngày và đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thơ tình cuối mùa thu, Thuyền và biển, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Những ánh sao đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Đêm nay anh ở đâu, Bóng cây kơnia… vẫn được hát như các ca khúc đương thời.

Di nguyện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Muốn tro cốt của mình được rải xuống dòng sông Hàn quê hương.

“Đặc điểm trong giai điệu của ca khúc Phan Huỳnh Điểu là yếu tố trữ tình, sâu lắng, ngay cả những ca khúc mang tính hành khúc như Đoàn giải phóng quân, Hành khúc ngày và đêm… giai điệu rộn ràng nhưng sâu lắng chứ không hùng hồn như hành khúc của một vài nhạc sĩ khác.

Điểm đáng nói trong cấu trúc giai điệu đa số ca khúc Phan Huỳnh Điểu là âm hưởng của những điệu thức 5 âm. Xuyên suốt nhiều ca khúc của ông, từ những sáng tác đầu tay như Đoàn giải phóng quân, Tình trong lá thiếp… cho đến những ca khúc sau này như Sợi nhớ sợi thương, Thơ tình cuối mùa thu, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm… dấu vết của điệu thức 5 âm như là hơi thở của tác giả.

Trừ một vài ca khúc rõ ràng tính chất vùng miền như: Bóng cây kơnia (theo điệu dân ca Tây nguyên), Anh ở đầu sông em cuối sông (sử dụng chất liệu dân ca Nam bộ), Quảng Nam yêu thương (sử dụng chất liệu dân ca Quảng Nam)… đa số những ca khúc còn lại là điệu thức 5 âm Việt Nam nói chung. Trong mỗi ca khúc thường là sự đan xen 2, 3 điệu thức 5 âm làm cho cung bậc của giai điệu thêm phong phú, nhìn văn bản như là điệu thức của phương Tây, nhưng bản chất của nó là các điệu thức 5 âm. “Cũng chính vì vậy mà giai điệu ca khúc của Phan Huỳnh Điểu rất gần gũi, dễ lay động trái tim người nghe, nhất là khi ông phổ thơ - được “thừa hưởng” thêm những cảm xúc từ nội dung, hình tượng của các bài thơ”, nhà phê bình âm nhạc Hữu Trịnh nhận định.

Tại đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu 90 - Cuộc đời vẫn đẹp sao, mừng thọ 90 tuổi hồi tháng 11.2014, Phan Huỳnh Điểu nhắc lại một ý mà ông đau đáu từ lâu: “Tôi đã sống 90 năm cuộc đời, 70 năm gắn bó với nghề sáng tác âm nhạc, đã góp cho đời dăm bài hát nghe cũng được, từ những bài hát “điếc không sợ súng”, đến những bài tình ca êm ái... Nhưng tôi còn một món nợ đối với quê hương mình, đó là chưa sáng tác được bài nào hay cho quê hương của mình. Tôi mong thế hệ nhạc sĩ trẻ sau này sẽ giúp tôi trả món nợ ân tình ấy”.

VĂN BẢY

Tiễn người xa cõi tạm!

Bây giờ, ông - “cánh chim vàng” của nền tân nhạc Việt Nam đã rời xa cõi tạm. Người ở lại, tiễn đưa ông - ông nhạc sĩ già rặt Quảng.

* Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Quê hương Quảng Nam trong lòng anh là những gì giản dị và thân thuộc nhất. Nó là bóng trăng trên sông Hàn, là tiếng hò khoan mênh mang sông nước, là tiếng thoi tơ dệt lụa ở Duy Xuyên, là hương quế Trà My thơm man mác. Quê hương trong lòng anh là nét nhạc bay bướm, thoáng một chút giai điệu Bắc Trung bộ trong những bài tình ca phổ thơ Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ… Lòng anh rất rộng. Chẳng vậy mà khi tôi mời anh về quê nhà Duy Vinh – cái miền quê nhỏ bé nằm ở hạ du của sông Thu vào mùng 9 Tết năm 2009, anh nhận lời về ngay. Anh lên sân khấu, cầm micro hát cùng với các em văn công Hội An bài Cuộc đời vẫn đẹp sao khiến tôi cảm xúc. Tiếng hát của một lão nhạc sĩ U.90 đêm ấy có lẽ làm cho những bà con nghèo ở bốn xã cuối sông Thu và sông Ly Ly cảm xúc hơn tôi nhiều. Người ta biết anh hát vì họ, vì chương trình chăm lo giúp đỡ bà con nghèo của xã Duy Vinh.

* Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích: cái tên Phan Huỳnh Điểu có lẽ quá quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Quảng Nam. Từ nhạc thiếu nhi, nhạc cách mạng, nhạc trữ tình, ở không gian âm nhạc nào cũng đầy ắp cảm xúc sâu lắng, mộc mạc. Hơn thế nữa, ông còn là một tính cách Quảng đặc trưng. Trong chiến tranh, Phan Huỳnh Điểu là người thường xuyên tiếp xúc với anh em văn nghệ sĩ. Sau ngày giải phóng, Phan Huỳnh Điểu cũng dành mọi sự thân tình cho anh em nghệ sĩ Quảng Nam. Mỗi lần về quê, ông thường xuyên đi thực tế sáng tác với anh em. Cùng lăn lộn, trải nghiệm và sẻ chia câu chuyện sáng tác với những người trẻ tuổi hơn. Những sự kiện lớn của tỉnh, nếu có giấy mời, ông đều trở về. Đôi khi chỉ dự và “tào lao” với anh em mấy câu chuyện hóm hỉnh thôi, mà ông bảo rất vui.

Trong ký ức tôi, Phan Huỳnh Điểu là một nhạc sĩ lão thành sống mộc mạc, chân thành. Ông rất thẳng thắn và có một trí nhớ mẫn tiệp. Những câu chuyện âm nhạc ông kể về bạn bè đồng niên luôn gây hứng thú với tôi.

* Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Thuở còn bé tôi thích các bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Quảng Nam yêu thương”, “Thuyền và biển” do ông phổ thơ của các thi sĩ. Tôi gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vài lần; đề tài, giai điệu, ca từ và tính cách của tôi không gần với ông nên tôi không thân thiết với ông; nhưng tôi kính trọng và quý mến ông. Ông và các nhạc sĩ Từ Huy, Thuận Yến ra đi để lại sự thương tiếc cho người Quảng Nam và cả nước; tôi thấy buồn mỗi khi nghe tin một đồng nghiệp đồng hương mất đi; nhưng tôi chỉ thoáng buồn thôi; vì cái chết với tôi là “trò chơi lên trời”, là một sự khởi đầu cho một trạng thái tồn tại khác.

Nhạc của Phan Huỳnh Điểu có đặc điểm nổi bật là giai điệu bay bổng, lãng mạn. Và tôi luôn thích bài hát “Thư tình cuối mùa thu” do ông phổ thơ của cố thi sĩ Xuân Quỳnh.

* Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải: nhạc sĩ ở Quảng Nam ảnh hưởng rất lớn cách viết của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Sáng tạo trên cái thần dân ca, nghe man mác âm hưởng quê hương nhưng rất tài là tác phẩm ông thoát hẳn cái vị của dân ca. Trong ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, thấy có chất dân ca, nhưng để tìm cho ra lẽ dân ca chỗ nào, thì lại rất khó. Lại nữa, Phan Huỳnh Điểu là một người phổ thơ rất tài, rất tuyệt vời. “Thuyền và biển”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Bóng cây kơnia”… là những sáng tác đóng đinh tên nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Cũng như giới sáng tác xứ Quảng, nhớ về Phan Huỳnh Điểu, ai cũng nhắc đến những kỷ niệm trong các lần đi thực tế sáng tác cùng ông. Một ông già mảnh khảnh nhưng “chịu chơi” và “chơi hết mình”. Đi Tây Giang, Nam Trà My, ông không chịu thua “tuổi già”, vẫn đi cho bằng hết những vùng sâu xa, khó khăn nhất. Đi dọc Trường Giang, dọc Thu Bồn, ông hóm hỉnh bằng những câu nói rất duyên. Họ cứ nhắc mãi về “một vì sao duyên” của giới nhạc sĩ lão làng…

* Lê Đỗ Quỳnh Hương – biên tập viên của chương trình “Tiếng hát mãi xanh”: Ông gần gũi đến kinh ngạc, hóm hỉnh duyên dáng cũng đến đáng kinh ngạc. Và có lẽ cũng chính vì thế, từ sự ngưỡng mộ ông với những tác phẩm nhiều người đã thuộc nằm lòng, công chúng chuyển sang yêu thích ông với vai trò là một vị “giám khảo cao tuổi nhất Việt Nam” lại thẳng thắn, ý vị, hóm hỉnh trong từng lời nhận xét.

* Ca sĩ Ánh Tuyết: Ở cạnh ông, có lẽ giống như tôi, mọi người đều cảm thấy mình như được tiếp thêm sức lực, khi chứng kiến sự dí dỏm, lạc quan của một bậc lão niên mà tâm hồn luôn mãi xanh như cây đời tươi trẻ. Khi ông về Quảng Nam, những người già độ tuổi ông, cứ nằn nì ngồi lại đến cùng để nghe ông nói, ông kể chuyện, thậm chí hát. Những người trẻ độ tuổi cháu con, dẫu tai nghe nhạc chưa thấu hết những cảm tình trong các tác phẩm ông, nhưng vẫn thương quý ông, bằng những cái nắm tay, những cái ôm siết chặt.

LÊ QUÂN (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỉ còn tình yêu ở lại...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO