Đã 60 năm, vẫn trọn vẹn son sắt của nghĩa tình Thanh - Quảng. Ngay giữa lòng xứ Thanh, tấm lòng của những người con đất Quảng vẫn lưu lại qua nhiều chỉ dấu, để thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhắc nhớ về nhau bằng tất cả tấm lòng…
Từ mái trường Nguyễn Văn Trỗi
Nhiều hình ảnh qua từng năm được thầy và trò Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở xã Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sưu tầm và trưng bày lưu giữ trong nhà truyền thống của trường.
Bóng xà cừ rợp mát quanh ngôi trường nhỏ cũng là nơi từ mười năm qua các thế hệ học sinh của quê hương này lớn lên. Là món quà của “người anh em” Điện Bàn tặng cho huyện kết nghĩa vào năm 2010, mái trường vinh dự mang tên người anh hùng liệt sĩ quê hương đất Quảng nhiều năm nay trở thành điểm sáng giáo dục của huyện Hoằng Hóa trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”.
Trong khuôn viên của trường trang trọng đặt bức tượng bán thân Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, vừa nhắc nhớ cho từng thế hệ học sinh, vừa là minh chứng cho mối tình đoàn kết của hai địa phương kết nghĩa.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Hà đưa chúng tôi đi thăm trường. Học sinh đang tạm nghỉ để phòng tránh dịch Covid-19 nhưng nhiều thầy cô vẫn ghé trường để coi sóc các phòng học, sẵn sàng cho việc học sinh trở lại trường.
“Đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh của trường luôn nhắc nhủ về niềm tự hào với mái trường mang tên anh Trỗi, về tình cảm của hai huyện kết nghĩa nói riêng, của hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa nói chung. Đó là động lực cho thầy và trò nỗ lực hết mình, đáp ứng những niềm tin, kỳ vọng được gửi gắm. Nhiều năm nay, do chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, mái trường này không chỉ phục vụ con em trong xã Hoằng Quỳ, mà còn có thêm học sinh ở các xã lân cận” - thầy Hà cho biết thêm.
Mười năm, đã đủ dài để nhìn lại và tri ân những tình cảm, sự quan tâm của chính quyền, nhân dân thị xã Điện Bàn với mái trường nhỏ. Các đoàn cán bộ, đoàn thể của thị xã Điện Bàn vẫn đều đặn ghé thăm, trao nhiều suất học bổng cho con em trong trường, tặng những phần quà mỗi dịp hội ngộ. Đáp lại tình cảm ấy, chất lượng dạy và học của trường ngày một cao, nhiều năm liền học sinh của trường được điền tên trong danh sách đoạt giải thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.
“Tình cảm của quê hương Điện Bàn đã thắp thêm niềm tin cho trường trong quyết tâm phấn đấu giữ danh hiệu dẫn đầu bậc THCS toàn tỉnh. Từ một miền quê, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi luôn nỗ lực đoàn kết, khẳng định tên tuổi của mình với các trường bạn. Dù cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn khiêm tốn hơn một số nơi khác, nhưng chất lượng dạy và học của trường vẫn luôn được khẳng định bằng tất cả quyết tâm, trách nhiệm và tình cảm với quê hương Hoằng Hóa và đất Điện Bàn anh em” - thầy Hà chia sẻ.
Sẻ chia, cùng phát triển
Sau nhiều năm ấp ủ, từ một chuyến đi tham quan, học tập tại TP.Hội An, đề án phố đi bộ tại TP.Thanh Hóa được lên kế hoạch triển khai. Thành công từ phía Hội An và những bài học quan trọng về triển khai thực hiện, quản lý đã giúp TP.Thanh Hóa có động lực, mạnh dạn hiện thực hóa sau quá trình dài ấp ủ. Theo đề án này, Quảng trường Lam Sơn sẽ là nơi thí điểm mô hình. Bước đầu, quy mô của phố đi bộ kéo dài 500m, song có đủ không gian cho các loại hình, vừa là điểm nhấn thu hút khách du lịch, vừa phục vụ nhân dân thành phố.
Bà Phạm Thị Việt Nga - Phó Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa chia sẻ, với đề án này, các di sản của địa phương sẽ có cơ hội được phổ biến, quảng bá rộng rãi hơn, thu hút phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn.
“Nếu như hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa sắp tròn 60 năm kết nghĩa, thì TP.Hội An và TP.Thanh Hóa cũng đã sắp chạm đến 59 năm kết giao. Từ đó đến nay, mối quan hệ keo sơn gắn bó, son sắt thủy chung của hai thành phố vẫn luôn được giữ vững. Đề án phố đi bộ được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn thú vị, là kinh nghiệm mà chúng tôi học được từ Hội An để xây dựng thêm một điểm đến cho mình. Ý tưởng này đã hình thành trong chúng tôi từ trước, nhưng phải nhấn mạnh rằng chương trình hợp tác giữa hai địa phương, sự hỗ trợ từ phía Hội An đã giúp chúng tôi đẩy nhanh việc thực hiện, xem đây là sản phẩm có ý nghĩa rộng về kinh tế, văn hóa và cả chính trị. TP.Thanh Hóa và TP.Hội An đã có giao ước học tập lẫn nhau trong phát triển. Nếu như TP.Thanh Hóa học tập Hội An về bảo tồn, gìn giữ di sản và phát triển du lịch chuyên nghiệp, thì chúng tôi cũng có thể hỗ trợ chia sẻ, hỗ trợ Hội An về phát triển quy mô kinh tế và đặc biệt là lĩnh vực thể thao, khi Thanh Hóa đang là cái nôi đào tạo bóng đá trẻ toàn quốc và sở hữu nhiều môn thế mạnh khác” - bà Nga cho hay.
Sẽ là một chỉ dấu nữa ở Thanh Hóa, cho những kết nối nghĩa tình. Và chưa dừng lại. Thế mạnh của hai địa phương, quy mô phát triển đô thị, quy mô của nền kinh tế vẫn có nhiều tiềm năng, để cả hai cùng phát triển.