(VHQN) - Nam Giang là địa phương có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, từ cộng đồng đa sắc tộc, lưu giữ nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo đến phong tục tập quán, phong cảnh đẹp và giao thông thuận lợi. Tuy nhiên đến nay, du lịch cộng đồng nói riêng và hoạt động du lịch ở đây ít ỏi, thậm chí bế tắc đường ra, nguyên nhân là không có nhà đầu tư lớn vào. May ra, còn làng dệt Zara (thôn Zara) và Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tabhing tổ chức hoạt động dệt, bán thổ cẩm, đón khách tham quan, biểu diễn các loại hình văn hóa dân gian phục vụ du khách.
Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, kết nối tour, tuyến du lịch hiện nay ở Nam Giang chỉ do FIRD (Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế được JICA - Nhật Bản tài trợ) thực hiện. Hơn 10 năm qua, họ từng bước gầy dựng và phát triển dệt thổ cẩm Cơ Tu tại thôn Zara, hỗ trợ, tư vấn làm du lịch cộng đồng với sự ra đời của HTX Du lịch cộng đồng Tabhing.
Ông Hùng nói: “Thực chất khách đến không ít, nhưng FIRD có quan điểm đón không quá 1.000 khách/năm. Họ đưa ra lý do là không muốn phá vỡ tính cộng đồng ở đây.
Khách càng đông, có tiền nhiều, nhưng đổi lại nếp sinh hoạt thuần chất của làng quê sẽ biến dạng, trong khi cộng đồng chưa được chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để làm du lịch lớn. Không vì du lịch, vì tiền mà phá vỡ đời sống. Càng giữ nguyên nét đẹp truyền thống thì càng kéo được khách đến”.
Không phải họ không có lý do xác đáng khi đưa ra quan điểm này. Phải nói thẳng, là du lịch xanh, cộng đồng, nước ngoài đã làm từ lâu, đi rất xa.
Người Nhật Bản làm du lịch cộng đồng tại Tabhing như thế, có ý kiến cho rằng là cực đoan, nhưng rõ ràng, họ không sai, bởi họ biết đâu là điểm yếu của người làm du lịch Việt Nam, đâu là chỗ mong manh nhất của tập tính người Việt ở nông thôn. Để kéo khách tới, họ làm thị trường kỹ lưỡng; sản phẩm thổ cẩm Zara có mặt ở sân bay quốc tế Tokyo, Tân Sơn Nhất, có trong các tờ rơi giới thiệu…
Các hoạt động biểu diễn văn hóa truyền thống đến ẩm thực… đều được họ tư vấn chặt chẽ. Giá thành sản phẩm cao; tiền các suất ăn cũng không thấp (khách Tây là 250 ngàn đồng/suất; Việt là 180 ngàn đồng/suất).
Thống kê tại Phòng VH-TT Nam Giang cho thấy, hơn 90% khách tới Zara là khách nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản. “Tôi có nhận định, là FIRD chọn khách nước ngoài là chính, đối tượng phục vụ của họ toàn Tây, vừa rồi họ đặt bà con dệt 1.000 sản phẩm; còn nội địa ít, đi lẻ, tham quan theo kiểu được mách bảo, truyền miệng, hoặc các đoàn đi học hỏi mô hình” - ông Hùng nói.
Người Nhật đã bỏ ra hơn 10 năm để giúp bà con ở Tabhing có thể yên tâm đón khách và hưởng lợi nhuận. Đón khách Tây và giữ họ lại, muốn họ quay lại lần nữa để du lịch, là chuyện không dễ.
Có một nhận định là như Cù Lao Chàm, bây giờ chỉ là nơi tham quan chứ không phải là điểm đến, bởi sự nghèo nàn sản phẩm, cách tổ chức không chặt chẽ, môi trường sinh thái không còn nguyên vẹn như trước nữa. Có lẽ không riêng gì Cù Lao Chàm, mà Hội An cũng không thoát được chuyện này.
Nhiều người vui mừng khi Chính phủ nới lỏng thời hạn visa. Du khách nước ngoài hẳn cũng vui, nhưng câu hỏi: ta có sản phẩm du lịch mới nào không, để họ tận hưởng thời gian dài mà không nhàm chán? Nếu không, họ sẽ lấy làm nuối tiếc khi đặt chân đến và tỷ lệ khách nước ngoài quay lại Việt Nam lần nữa rất thấp.
Đừng lấy làm mừng quá vì những nhận định của các tổ chức đâu đó, là ta có bờ biển đẹp nhất, là điểm đến thú vị nhất, là chỗ không thể bỏ qua… Không ai rành ta bằng chính ta.
Hãy nhìn thẳng thực trạng môi trường du lịch ở ta, trong xu thế chọn lựa ngày càng gắt gao bởi kinh tế thế giới khó khăn, bỏ đồng tiền đi chơi phải xứng; du lịch xanh trở thành tiêu chí hàng đầu để họ trải nghiệm; tính chuyên nghiệp, hiện đại của phục vụ…
Rà vô, sẽ thấy khoảng trống mấy chục năm không lấp được. Quảng Nam có quá ít doanh nghiệp theo đuổi cam kết làm du lịch xanh. Dẫu biết, làm du lịch xanh là gian nan, nhưng không lẽ cứ ăn xổi ở thì, chụp giựt dai dẳng?
Có một ví dụ tưởng chừng không ăn nhập với nội dung này, nhưng nó thực chất phản ánh lối làm ăn tùy tiện của chúng ta. Bánh mì Phượng ở Hội An là một ví dụ. Hơn 30 năm bán buôn, sụp cái ầm, đánh mất hình ảnh.
Hãy coi lại kết luận của cơ quan chức năng nguyên nhân dẫn tới hơn 300 người bị ngộ độc, trong đó có nhiều khách nước ngoài, sẽ thấy sức khỏe khách bị coi thường ghê gớm, cứ xem mình có thương hiệu đẳng cấp nên không thèm để ý đến nguy cơ làm người ta choáng váng.
Thử hỏi, sau 3 tháng bị đình chỉ, họ phải gượng dậy ra sao? Người Việt vốn duy tình, hẳn sẽ đến mua lại, với ý nghĩ “chắc chừ quán này không dám ẩu nữa đâu”, nhưng khách Tây thì xin thưa rất khó! Mà đã vậy, thì câu chuyện truyền thông sau cú knock-out vừa qua, những dòng bi quan, chán ngán của khách Tây, nhất là những người trong cuộc, dứt khoát bày ra cho thế giới biết. Tổn thất hình ảnh này, như “hiệu ứng cánh bướm” với du lịch Hội An.
Không tham lam làm nhiều mà vứt hình ảnh, đó là điều không mới nhưng chưa từng cũ.