Dù hoạt động trên lĩnh vực nào các chị cũng nỗ lực hết mình, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như đoàn thể.
Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền luôn quan tâm đến đời sống, chế độ dành cho người lao động của công ty. |
Tận tâm vì người lao động
“Người lao động (NLĐ) là vốn quý nhất, là yếu tố quyết định cho sự phát triển của công ty nên đời sống NLĐ có tốt thì họ mới hết lòng gắn bó với công ty”, với quan điểm này, Công ty CP In - Phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam luôn chú tâm chăm lo cho đời sống NLĐ. Là thành viên Ban giám đốc, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền - Phó Giám đốc công ty luôn giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các chế độ chính sách dành cho NLĐ, bởi chị còn giữ vị trí Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Đối với nhiệm vụ của một Phó Giám đốc, chị Huyền giúp Giám đốc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, tuyển dụng và bố trí, điều động, ký kết hợp đồng lao động, giải quyết chế độ đầy đủ và kịp thời cho NLĐ theo pháp luật và các chính sách vượt trội khác. Thêm vị trí là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, chị Huyền luôn sâu sát, quan tâm đến đời sống của 123 NLĐ đang làm việc tại công ty. Chính vì thế mà bản thân chị Huyền được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên dương là Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu vào năm 2014, Công ty CP In - Phát hành sách & thiết bị trường học Quảng Nam là doanh nghiệp vì người lao động.
Mỗi ngày làm việc, chị Huyền luôn dành thời gian đến xưởng sản xuất của công ty, vừa nắm tình hình sản xuất, vừa để NLĐ có dịp bày tỏ những tâm tư nguyện vọng đối với Ban giám đốc thông qua tổ chức công đoàn. Hằng năm, sau khi hoàn thành in sách giáo dục thì có khoảng 3 tháng (từ tháng 9 đến 11) việc ít, chỉ cần khoảng 40% lao động so với lúc cao điểm. Tuy nhiên, chị Huyền đã tham mưu cho công ty không nên ký hợp đồng thời vụ, bởi NLĐ sẽ không yên tâm làm việc, đến tháng cao điểm in ấn lại không tìm được lao động. Từ đó, công ty đã ký hợp đồng lao động dài hạn cho 86% NLĐ, và ký hợp đồng 1 đến 3 năm cho 14% còn lại. Đối với lao động nữ, công đoàn phối hợp với Ban giám đốc công ty chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho chị em, như tổ chức vui chơi, tặng quà mỗi dịp lễ 8.3, 20.10...
Sáng tạo trong giảng dạy
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với chị Lê Thị Thùy Trâm (sinh năm 1984) - giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam chính là ở sức trẻ, sự nhiệt tình và lòng yêu nghề. Là nữ nhưng chị lại chọn ngành cơ điện tử để học và trở thành giáo viên Khoa Điện tử - tin học ở một trường nghề với trình độ thạc sĩ. Ngoài nhiệm vụ đứng lớp, chị Trâm say mê nghiên cứu khoa học nên có những sáng kiến ứng dụng vào thực tế dạy học rất hiệu quả. Trong gần 5 năm giảng dạy, năm nào chị cũng có sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng hiệu quả trong nhà trường. Gần đây nhất, có thể kể đến sáng kiến kỹ thuật mang tên “Mô hình ứng dụng Vi điều khiển trong điều khiển vị trí xylanh khí nén”. Đề tài này chị Trâm sáng tạo dựa trên những gì nghiên cứu được từ những tác giả người Tây Ban Nha, Mỹ. Theo chị Trâm, đây là đề tài mới mẻ ở Việt Nam, việc nghiên cứu ứng dụng nguồn năng lượng khí nén sẽ mở ra hướng đi mới trong việc tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên, giảm chi phí cho năng lượng điện, giảm giá thành cho các sản phẩm.
Chị Lê Thị Thùy Trâm (bên phải) giảng dạy cho học sinh thực hành trên mô hình do chị sáng tạo. Ảnh: D.L |
“Trong lĩnh vực dạy nghề, cần phải đào tạo ra những sinh viên nắm chắc lý thuyết và thực hành, nắm các thiết bị đang được áp dụng trong thực tế, điều đó sẽ làm cho sinh viên không lúng túng trong quá trình làm việc khi ra trường. Để có được điều này, cần phải xây dựng mô hình thực hành thí nghiệm mô phỏng các ứng dụng được áp dụng trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp thu thực tế cho sinh viên. Trong điều kiện khả năng nhà trường chưa thể đáp ứng mua sắm các bộ thí nghiệm thực hành, việc sáng tạo và xây dựng giải pháp kỹ thuật phù hợp với bài tập thực hành theo nội dung chương trình trở thành trách nhiệm của chính giáo viên đứng lớp” - chị Trâm tâm sự. Giải pháp của chị Trâm đã đạt giải Nhất trong hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn tỉnh năm 2013, và đạt giải Nhì ở hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm 2013. Mô hình này đang được sử dụng trong giảng dạy rất hiệu quả ở Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam, giúp kết hợp các bài thực hành vi điều khiển, thực hành điện khí nén, thực hành cơ điện tử trong giảng dạy.
LÊ DIỄM