Chị em phụ nữ ở đâu?

ĐĂNG QUANG 19/10/2015 08:32

Trước thềm kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20.10) lại bàn chuyện… một nửa của nhân loại được quan tâm như thế nào.

Có lẽ khỏi nhắc về vai trò, thiên chức của phụ nữ trong đời sống gia đình, mà vắng bóng họ là nhà cửa trở nên quạnh quẽ, bếp lửa lạnh tàn. Ở đây chỉ bàn về cơ hội thăng tiến trong xã hội và sự quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính.

Sự quan tâm từ chủ trương thì đã rõ. Căn cứ vào các văn bản quy định của Trung ương và của Tỉnh ủy về chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy triển khai thực hiện theo yêu cầu, trong đó có định hướng tăng tỷ lệ cán bộ nữ. Yêu cầu đặt ra là đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ tham gia ủy viên ban thường vụ cấp ủy.

Định hướng là vậy, nhưng thực hiện đảm bảo yêu cầu không dễ. Nói ngay ở cấp tỉnh, danh sách 66 cán bộ để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI đưa vào 9 cán bộ nữ (chiếm hơn 13,6%), song chỉ có 4 người trúng cử (chiếm hơn 7,1%) trong 56 tỉnh ủy viên khóa mới.

Lý do nào khiến chưa thể đạt tỷ lệ cao? Thiếu cán bộ nữ chăng? Không hẳn vậy. Trước đại hội, qua báo cáo kết quả rà soát bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt ở ba cấp (xã, huyện, tỉnh), tỷ lệ nữ được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2015 – 2020 đều tăng hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể, ở cấp ủy xã tăng 5,4%, cấp ủy huyện tăng 5,6% và ở cấp ủy tỉnh tăng 10,07% so với nhiệm kỳ trước.

Rõ ràng bầu cử là quyền của đại biểu dự đại hội, cho nên cơ cấu theo quy hoạch chỉ có ý nghĩa ban đầu. Dĩ nhiên cán bộ nữ nếu được cơ cấu “cứng” và đạt được tín nhiệm cao thì cơ hội được bầu vào cấp ủy sẽ nhiều hơn. Đề cập chuyện này, chợt nhớ ý kiến của bà Hồ Thị Thanh Lâm, người từng tham gia lãnh đạo UBND tỉnh, rằng trong quá trình quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành đều vấp phải khó khăn trong việc tìm nguồn cán bộ nữ. Những giải pháp và chính sách còn chưa đủ mạnh để giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chưa mạnh dạn giao việc và luân chuyển công việc cho cán bộ nữ để họ có kinh nghiệm thực tế; nhiều lúc còn có biểu hiện sự thiếu tin hoặc thiếu ưu tiên bố trí cán bộ nữ đủ trình độ và năng lực vào vị trí chủ chốt. Còn theo bà Phạm Thị Minh Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thì công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ cần bình đẳng, phải có tầm nhìn xa, sớm phát hiện những cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt để đưa đi đào tạo.

Lớp của các bà Phạm Thị Minh Chiến, Hồ Thị Thanh Lâm, Nguyễn Thị Một,… để lại ấn tượng đẹp của phụ nữ Quảng Nam sau những năm đầu chia tách tỉnh. Giờ đây, nhiều chị em phụ nữ được đào tạo bồi dưỡng nhiều hơn, nhưng vì sao tỷ lệ tham gia cấp ủy của tỉnh chưa cao, đó là chuyện đáng nghĩ.

Chị em phụ nữ ở đâu trong guồng máy vận hành xã hội, trong cơ hội tham chính và thăng tiến? Câu hỏi còn để ngỏ thời gian và sự quan tâm cho công tác cán bộ của Quảng Nam.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chị em phụ nữ ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO