Trong vô vàn nỗi lo toan, thiếu lao động (LĐ) là điều khiến không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi muốn mở rộng sản xuất hay nhận thêm nhiều đơn hàng. Đối với DN trong tỉnh vào thời điểm này và hướng đến năm 2022, nhu cầu tuyển dụng cao nhưng lại lo lắng thiếu nguồn nhân lực. Báo Quảng Nam Cuối tuần đã có những cuộc trao đổi với các DN quanh câu chuyện việc làm dành cho người LĐ, đặc biệt là lực lượng LĐ trở về từ các tỉnh thành phía Nam do dịch bệnh.
Ông Kim Byung Tae - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (Duy Xuyên): Tiếp tục tuyển dụng LĐ có tay nghề
Đại dịch khiến công ty chúng tôi gặp một số khó khăn như chi phí vận chuyển, giá nguyên phụ liệu gia tăng nhưng đơn giá thì đã ký kết ổn định. Có thời điểm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến người LĐ tại một số địa phương phải ngừng việc, cách ly dẫn đến gián đoạn trong sản xuất và phát sinh chi phí trả lương ngừng việc.
Công ty đang mua nhiều nguyên phụ liệu từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, nhưng những nhà cung cấp nguyên phụ liệu tại các tỉnh thành này bị phong tỏa, ngừng sản xuất khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận nguyên phụ liệu từ miền Nam.
Công ty chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời và linh động trong công tác phòng chống dịch thời gian đến để có điều kiện thuận lợi hoạt động ổn định, tạo việc làm cho người LĐ.
Kế hoạch xuất khẩu năm 2022 và kế hoạch sản xuất công ty đã lập. Vì hàng hóa của Sedo Vinako chất lượng cao, luôn giữ uy tín nên khách hàng tin tưởng, công ty đã nhận đặt hàng cho năm 2022.
Đối với tuyển dụng LĐ, công ty cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch tuyển dụng, nhất là LĐ có tay nghề càng tốt. Đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ của huyện nơi công ty đóng chân và của tỉnh để vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Ông Chou Kuo I - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam (Phú Ninh): Không lo thiếu việc làm, chỉ lo khâu vận chuyển
Mọi kế hoạch sản xuất của những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 đều đã được công ty chuẩn bị sẵn sàng, sau đại dịch phải phục hồi sản xuất tốt hơn trước. Hàng hóa được chuyển về xưởng của công ty thời gian này nhiều, nên công việc dành cho người LĐ không thiếu.
Ở Quảng Nam, sự chậm trễ trong vận chuyển là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của chúng tôi, không có khu vực trung chuyển kịp thời vận chuyển, khách hàng không thể nhận hàng và không thanh toán cho DN thì DN phải chuẩn bị nhiều kinh phí hoạt động. Đây là khó khăn lớn nhất đang gặp phải.
Chúng tôi kiến nghị cần hỗ trợ DN tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân, góp phần đưa toàn dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Công nhân trong xưởng cần được tiêm liều vắc xin thứ hai theo đúng kế hoạch để ổn định sản xuất và hoạt động của nhà máy.
Các công ty, xí nghiệp hoàn toàn hợp tác thực hiện chính sách phòng chống dịch của Chính phủ. Công ty chúng tôi phải thực hiện công tác chống dịch nghiêm ngặt hơn thì hoạt động sản xuất mới duy trì lâu dài được.
Các phương án phòng chống dịch bệnh đi đôi với hoạt động sản xuất luôn được chúng tôi sẵn sàng. Điều này khiến chúng tôi tốn kém khá nhiều, nhưng bắt buộc phải thực hiện. Tôi mong người LĐ hiểu và đồng hành với chúng tôi làm tốt phương án vừa sản xuất, vừa kinh doanh vừa phòng dịch.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty Việt Vương 2 (Điện Bàn): Công ty cần tuyển thêm 710 LĐ tay nghề cao
Hiện nay, đơn hàng của công ty có nhiều, nên kể từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát công ty hoạt động 100% công suất, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong xưởng sản xuất.
Để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất những tháng còn lại của năm 2021 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2022, công ty chúng tôi đang cần tuyển thêm 710 LĐ, ở nhiều trình độ cao đẳng, sơ cấp, LĐ phổ thông.
Với ngành may mặc, điều kiện cần chính là LĐ, nếu không có LĐ thì khó hoạt động hết công suất, đảm bảo yêu cầu về tiến độ công việc, thời gian giao hàng cho đối tác.
Với LĐ cần tuyển, ở những vị trí quan trọng cần kinh nghiệm, tay nghề, chúng tôi ưu tiên cho lực lượng LĐ đã có kinh nghiệm, làm việc trong môi trường công nghiệp của các tỉnh phía Nam trở về.
Với LĐ phổ thông, chúng tôi có thể tuyển dụng để đào tạo nên không yêu cầu nhiều về trình độ. Chỉ cần người LĐ có tâm với công việc, gắn bó lâu dài thì mọi chế độ đãi ngộ cũng như công việc sẽ được đảm bảo.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng nhu cầu đi làm quá thấp
Qua khảo sát của Sở LĐ-TB&XH ở 100 DN trong toàn tỉnh, nhu cầu tuyển dụng là 16.828 LĐ. Trong đó, các khu công nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh là 11.857 LĐ/64 DN; 16 DN riêng lẻ và trong cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã thành phố là 3.874 LĐ; 19 DN ủy thác qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là 1.097 LĐ.
Nhu cầu tuyển dụng ở các DN đa dạng về ngành nghề gồm may mặc, ô tô, giày da, sản xuất gỗ, điện, điện tử, vận tải, thủy sản... Trình độ của LĐ cần tuyển dụng ở nhiều bậc như đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, LĐ phổ thông. Lực lượng LĐ ở các tỉnh thành phía Nam quay về lại tỉnh đông, nhưng các địa phương khảo sát nhu cầu lại quá thấp, chỉ có 460 LĐ có nhu cầu đi làm việc tại DN.
Để đáp ứng nhu cầu của DN về LĐ, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm cho LĐ qua nhiều hình thức. Tư vấn trực tiếp, trực tuyến online được tổ chức thường xuyên.
Với tư vấn trực tiếp, trung tâm tổ chức các cụm, phiên giao dịch việc làm nhỏ ở cơ sở, tư vấn cho LĐ đến tham gia phiên giao dịch việc làm. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho LĐ quay về quê và có ý định ở lại quê hương làm việc lâu dài.
Sở LĐ-TB&XH cũng khuyến cáo các địa phương nắm bắt nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố và nhu cầu việc làm của người LĐ để kết nối cung - cầu thị trường LĐ kịp thời.
DN đã có nỗ lực vượt qua đại dịch, ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương cũng cần hỗ trợ cho DN nhiều nhất trong điều kiện có thể, giúp DN có nguồn LĐ ổn định sản xuất cũng chính là giúp người LĐ một cách thiết thực.