Không riêng Đại tá Trần Quốc Huy, nguyên Phó Tham mưu trưởng, tỉnh đội Đắk Lắk, mà rất nhiều người khen ngợi nữ chiến sĩ xạ thủ cối 60 mưu trí, gan dạ. Chị là Võ Thị Tám, (SN 1950, quê Thăng Bình) hiện trú tại phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Với những kỷ vật chiến tranh, chị Tám kể về đồng đội đã hy sinh. Ảnh: Trần Đình Hằng |
Dinh điền Thăng Thạnh - quê hương thứ hai của Tám (do chế độ Ngô Đình Diệm dồn dân từ Quảng Nam lên Đắk Lắk lập dinh điền, lập ấp chiến lược, với “mưu đồ tát nước bắt cá”). Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vùng này được gọi là H9 (nay là huyện Krông Bông) được giải phóng năm 1965.
Mười lăm tuổi, Võ Thị Tám tham gia du kích. Trong một lần, tổ du kích của Tám bị một toán nghĩa quân vây đuổi, vì lực lượng và trang bị vũ khí không cân sức nên du kích vừa đánh vừa rút lui, nhử địch vào bẫy chông bố phòng. Tám ôm khẩu cácbin lăn qua các luống khoai lang từ lưng đồi xuống tận mép suối Ea Tun. Bờ suối có những hờm ếch dùng làm nơi trú ẩn an toàn. Tuột được xuống vệ suối, Tám lựa được ngách hờm rộng có lớp cỏ thòng xuống như một tấm mành che phía trước. Tiếng động cơ trực thăng át tiếng súng AR15 roẹt roẹt. Tám hiểu đó chỉ là kiểu vãi đạn vào những bụi cây, gò mối để hù dọa, thăm dò của địch. Tám đội cỏ, ngóc đầu lên quan sát. Tiếng nổ vẫn chát chúa, rát rạt ở phía xa. Bỗng Tám giật mình khi phát hiện một bóng lính vội vã tiến về phía bờ suối. Qua hơn một năm trực tiếp với nhiều trận tập kích, chống càn, Tám biết động cơ của tên địch không phải săn tìm mục tiêu để diệt, nhưng mục đích của nó là gì thì cô chưa xác định được. Tám thụt vô hờm dự liệu phương án tác chiến. Từ ngách hờm này, không thể vận động tới ngách khác ngay được vì phải vượt qua một cái trảng trống trải khá dài và chắc chắn tên lính nọ sẽ nhìn thấy. Tám kéo quy lát, đạn lên nòng, nòng súng nghếch lên cùng suy tính: Chỉ khi mà tên lính từ lòng suối đi lên thì họa chăng nó mới phát hiện ra miệng hờm. Nếu vậy, chỉ cần nòng súng của nó chĩa về phía miệng hờm, thì lập tức Tám sẽ nã đạn. Bỗng Tám nghe tiếng uỵch. Tên lính nhảy xuống vệ suối, nhào tới mô đá, cúi xuống, liên tục vốc nước lên mặt. “À, mặt nó bị dính lông sâu róm!”. Tám nhanh nhẹn thoát ra khỏi hờm ếch, trở nòng, quất ngang báng súng trúng ngay chóc cái gáy lồ lộ như tấm bia trước mặt. Sức mạnh cơ bắp đang thời “bẻ gãy sừng trâu” của Tám làm cho tên lính không kịp kêu trọn tiếng đã giãy giụa dưới vực nước sâu hoắm…
Tết Mậu Thân 1968, quần chúng H9 tập trung sức mạnh, rầm rộ cùng băng rôn, biểu ngữ kéo lên Buôn Ma Thuột, đấu tranh giành chính quyền, Tám gia nhập bộ đội địa phương và trở thành xạ thủ cối 60 ly thuộc H9.
Đã một thời H9 sáp nhập thêm H8 (nay là huyện Krông Pák, tỉnh Đắk Lắk) thành H8+9. Địa bàn chiến đấu của bộ đội huyện trải rộng xen giữa những cánh rừng bất tận là những đồn, bốt, những cuộc chống càn và những trận phục kích, mật tập. Cho dù trận chiến phát hỏa lúc ngày hay khi đêm, dưới nắng rát hay mưa dầm thì những xạ thủ cối cũng đều là người tập kết sớm nhất để quan trắc trận địa, trinh sát thực địa. Không hiếm sau những trận chiến, phải vượt qua hàng rào để cứu thương binh và vận chuyển tử sĩ. Khi nào Tám cũng hăng hái xông xáo, không một chút chậm trễ.
Ngày ấy, những người sống, chiến đấu trên Tây Nguyên đều chịu đói cơm lạt muối. Đói cơm phải lót lòng bằng đủ thứ củ, cây, lá, quả. Khát thèm muối phải ăn tro tranh, phải cạo lớp váng trắng trên mặt đất phơi nắng sau mưa để hòa nước mà dùng. Thế nhưng không một ai bị khuất phục trước hoàn cảnh. Chị Tám được mang cái tên “Tám gấu vồ” từ sau cái lần chị đọ sức với con gấu ngựa – chuyện này cho tới nay, tại các lần gặp mặt thường niên, vẫn còn được những cán bộ H8+9 xưa, hiện còn sống gọi một cách trân quý và thán phục.
Đó là dịp cuối năm 1972, sau khi tấn công vào trại lính ngay sát dinh điền Phú Bổn (nay là xã Phú Bổn, huyện Krông Pak) trại lính coi như bị san phẳng trong chớp nhoáng. Đơn vị rút trở ra thì một đồng chí bị vướng mìn, hy sinh. Tám và anh Hoa khiêng đồng đội đi được một chặp thì bỗng dưng chiếc võng làm bằng tấm nilon Mỹ bị đứt đôi. Khi một đồng đội không may hy sinh, cả đơn vị không ai khóc vì ai cũng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhưng tới khi võng đứt thì ai cũng giàn giụa nước mắt. Tám bậm môi, khóc ít hơn cả, chị động viên anh chị em trút căm hận vào nòng súng để trả thù. Đến sáng thì đơn vị tìm được nơi yên tĩnh để chôn cất đồng đội. Tuy vai đã nhẹ nhưng nặng trĩu nỗi lòng, lại thêm nỗi cực hình: cả đơn vị lạc vào cánh rừng không có lấy một khe nước. Khát cháy cổ, tìm mãi mới thấy một vũng nước chi chít vết chân và sực mùi chất thải của thú rừng. Phải bịt khăn vào miệng bi đông để chắt nước. Mười mấy người ngửa cổ tu ừng ực thứ nước khăm khẳm đó.
Mọi người nghỉ lấy sức và cắt rừng, tìm đường trở về. Đã thành kinh nghiệm, người nọ đi cách người kia chừng 10m để không bị lạc, dễ hỗ trợ nhau, lại tránh bị “dính chùm”. Tám đang đi thì nghe tiếng roạt, ngỡ là cành cây gãy rớt xuống. Chẳng ngờ ngay dưới một gốc cây lớn, lừng lững trước mặt chị là một con gấu đen chùi chũi vừa tụt từ trên cây xuống, nó đứng trên hai chân sau, hai tay vồ tới. Theo phản xạ, Tám nâng khẩu AK của đồng đội mới hy sinh để lại, đang khoác chéo trước ngực ra đỡ. Rất may là hai tay con gấu cũng vồ trúng khẩu súng. Gấu dấn tới, Tám đẩy lại. Người và gấu cứ xô tới, đẩy lui miết mà không bên nào có thể ra đòn gì khác. Con gấu nhe hàm răng trắng nhởn, hằm hè. Tám nghiến răng, cố trụ cho vững nên không thể tung cú đá về phía trước, cũng như không có cơ hội để trở báng súng, đánh hất từ dưới lên, càng không thể mở khóa an toàn, chỉnh hướng nòng súng mà siết cò. Tám và gấu tiếp tục xô tới, đẩy lui. Quyết tâm của hai bên đều dồn trên khẩu AK. Hoa từ phía sau đi tới, thấy vậy anh vung khẩu B40 đang vác trên vai táng mạnh xuống đầu con gấu. Bất ngờ bị dính đòn đau, con gấu lao qua bên, chạy thục mạng.
Sau ngày thống nhất 30.4.1975, nhiều đồng chí của chị Tám lại phải hành quân về biên giới Tây Nam để giữ yên bờ cõi biên thùy mới tàn khói lửa chiến tranh. Chị cùng những đồng đội khác ở lại, thêm những ngày băng rừng, lội suối để truy lùng, trấn áp, tiêu diệt bè lũ FULRO – một tổ chức phản động có vũ trang đã gây ra nhiều cuộc thảm sát đẫm máu…
Bây giờ, ngồi trước mặt tôi là người đàn bà ấy, bình dị đến khó tin.
TRẦN ĐÌNH HẰNG