Dịch vụ chi trả một số chế độ, chính sách an sinh xã hội qua đường bưu điện đã đem lại sự tiện ích, nhanh gọn, tạo sự hài lòng và đồng thuận cao từ các đối tượng được thụ hưởng.
Nhân viên Bưu điện phường An Xuân (Tam Kỳ) đến tận nơi thăm hỏi, chi trả chế độ cho mẹ Hồ Thị Ngô (93 tuổi). Ảnh: B.L |
“Chúng tôi hài lòng!”
Lâu nay, cứ tới ngày 8 hàng tháng, bà Nguyễn Thị Nghe (83 tuổi, phường Sơn Phong, TP.Hội An) được con cháu đưa tới Bưu điện thành phố nhận chế độ trợ cấp người có công. Trước thái độ vui vẻ, niềm nở của nhân viên chi trả dịch vụ, bà Nghe khá hài lòng. Cũng đã lâu rồi bà không còn cảnh phải ngồi chờ đợi nhiều giờ liền để tới lượt mình nhận tiền chế độ nữa. “Chừ tới nộp sổ vào, ký là xong thôi” - bà Nghe chia sẻ. Hay như bà Phan Thị Mai Hoa (trú phường Sơn Phong) mỗi tháng được hưởng nhiều diện chế độ như thương binh, tù yêu nước, người có công… Có hôm lỡ đau ốm, không tới nhận tiền được, bà Hoa được nhân viên Bưu điện Hội An đến tận nhà chi trả rất bài bản. Cũng như bà Hoa, bà Nghe, lâu nay cứ đến ngày 8 hàng tháng, những người thuộc diện có công cách mạng trên địa bàn Hội An lại đến Bưu điện thành phố hay các điểm chi trả tại cơ sở để nhận tiền chế độ. Cũng có nhiều người tranh thủ lúc đi thể dục buổi sáng tạt qua bưu điện nhận tiền luôn, nên ngày 8 hàng tháng các nhân viên bưu điện phải có mặt tại điểm chi trả từ rất sớm. Nhờ cách thức phục vụ chuyên nghiệp và chi trả tại nhiều điểm khác nhau trên địa bàn thành phố nên Hội An không để xảy ra quá tải, không có tình trạng chờ đợi lâu. Ông Lê Văn Đạm (phường Sơn Phong, Hội An) cho hay, từ 3 năm nay, khi nhận tiền lương hưu và các chế độ khác qua bưu điện ông cảm thấy thoải mái hơn trước rất nhiều. “Hàng tháng, do phải nhận rất nhiều chế độ, nên lúc trước tôi phải ngồi chờ đợi rất lâu, lại phải đi nhiều ngày, nhiều nơi. Nay thì chỉ cần tới bưu điện là xong. Nhân viên ở đây rất cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp. Chúng tôi rất hài lòng! Thiết nghĩ nhà nước nên duy trì mô hình này” - ông Đạm nói.
Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An nhìn nhận, trước đây Phòng LĐ-TB&XH thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách an sinh xã hội vẫn tốt, song giờ bưu điện làm lại tốt hơn. Việc chi trả qua bưu điện sẽ đảm bảo tính khách quan trong việc soát xét, không bỏ sót, nhầm lẫn đối tượng; cách thức chi trả cũng tốt hơn, có thể nhận thấy qua sự phản hồi của đối tượng thụ hưởng. Phía Phòng LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức lấy phiếu khảo sát từ đối tượng thụ hưởng, có hơn 90% số ý kiến tỏ ra hài lòng. Qua kiểm tra thực tế cũng cho thấy đội ngũ nhân viên bưu điện làm việc hết sức nhiệt tình, năng động, kỹ năng phục vụ rất tốt; đến nay chưa để xảy ra khiếu nại. “Trước đây, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thành phố chi trả chế độ không theo lịch trình, bởi kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc. Nay ngành Bưu điện tỉnh ấn định ngày giờ rõ ràng, tạo sự tiện ích cho người dân. Chưa kể, nhân viên bưu điện còn chi trả tới tận nhà, cũng là dịp thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khách hàng. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc này” - ông Phúc nhấn mạnh.
Chăm sóc người thụ hưởng
Những năm qua, ngành Bưu điện tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ để tạo sự hài lòng trong những “khách hàng đặc biệt” này. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm chi trả từng bước được nâng cấp với đầy đủ bàn ghế, sách báo, nước uống. Lực lượng nhân viên tại các điểm chi trả được tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng, cách thức phục vụ. Bà Đinh Thị Thanh Tú - Phó Giám đốc Bưu điện Hội An cho hay: “Chúng tôi luôn xác định đây là những đối tượng hết sức đặc biệt, vậy nên chú trọng phục vụ họ một cách chu đáo. Nguồn nhân lực tại các điểm chi trả là cán bộ chính quy, chi trả liên tục 3 gói trong ngày. Để bà con không phải mất nhiều thời gian đi lại, cứ đến ngày này chúng tôi tập trung lực lượng chính quy của bưu điện tham gia thực hiện. Đây là đội ngũ nhân viên có trình độ, nền nếp, có khả năng giao tiếp tốt, khiến bà con hài lòng”.
Cơ sở vật chất Bưu điện TP.Hội An đáp ứng yêu cầu chi trả chế độ chính sách an sinh xã hội. Ảnh: B.L |
Tại TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Như Mai (trú phường An Xuân) chia sẻ: “Từ năm 1984 tới nay tôi đã nhận lương hưu ở nhiều chỗ, phải nói rằng chưa có nơi nào nghiêm túc như bưu điện (ông Mai nhận chi trả lương hưu tại điểm Bưu điện phường An Xuân - PV). Rất hoan nghênh và đề nghị cứ giữ cách chi trả này”. Hay như trường hợp mẹ Hồ Thị Ngô (93 tuổi) có chồng và 3 con là liệt sĩ, hàng tháng được nhân viên Bưu điện phường An Xuân đến tận nhà thực hiện chi trả chế độ. Ông Nguyễn Văn Lai (54 tuổi), con trai thứ bảy của mẹ Ngô chia sẻ: “Mẹ tôi đã già yếu. Vợ chồng tôi thì bận rộn tối ngày, không phải lần nào cũng có thể tới bưu điện nhận chế độ. Vậy là, hàng tháng nhân viên bưu điện đều tới tận nhà thăm hỏi sức khỏe mẹ, chi trả chính sách. Những ngày lễ tết, nhân viên bưu điện còn đến thăm, tặng quà khiến mẹ và gia đình tôi thấy rất ấm áp”.
Ông Trần Văn Địch - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, ngành đang chi trả 10 chế độ chính sách an sinh xã hội, bao gồm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội và các chính sách thuộc gói trợ giúp xã hội hợp nhất. Để nâng chất lượng công tác chi trả chế độ an sinh xã hội, Bưu điện tỉnh đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin với đầy đủ trang thiết bị (máy tính, máy in, fax, đường truyền tốc độ cao). Bưu điện cũng khẩn trương hoàn tất phần mềm hỗ trợ việc quản lý và chi trả tiền cho người có công. Theo đó, toàn bộ thông tin chi trả của người được thụ hưởng được theo dõi, quản lý trên hệ thống phần mềm giúp cho các đơn vị quản lý nắm bắt kịp thời tình hình, điều kiện chi trả tại các địa phương cũng như số người đã lĩnh tiền, số người chưa lĩnh, số tiền phải nộp về cuối ngày… giúp công tác chi trả được minh bạch, an toàn.
BÍCH LIÊN