Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Đúng mục đích, không để nợ

TRẦN HỮU 31/08/2018 02:53

Ngoài chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đúng mục đích, giám sát chặt chẽ hoạt động thu - chi giao khoán rừng, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng còn chú trọng giám sát trồng rừng thay thế đảm bảo cả diện tích lẫn đa dạng sinh học.

Thời gian qua, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được đơn vị chức năng thực hiện đúng quy định. Ảnh: TR.HỮU
Thời gian qua, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được đơn vị chức năng thực hiện đúng quy định. Ảnh: TR.HỮU

Sử dụng đúng mục đích tiền dư thừa

 Tại ngôi làng tái định cư thủy điện thuộc thôn Pà Păng, xã Tà Pơơ (Nam Giang), tình trạng thiếu nước tưới khiến ít nhất 10ha ruộng sản xuất lúa của đồng bào bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Cuộc sống của hầu hết người dân nơi đây phụ thuộc vào nghề khai thác lâm sản phụ và tiền chi trả từ các chính sách giao khoán bảo vệ rừng của Nhà nước (gồm chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ, Nghị định 75 năm 2015 của Chính phủ…). Tại 2 xã Tà Pơơ và Chà Vàl (Nam Giang), nằm trong lưu vực lòng hồ của Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, các nhóm hộ đều được ký kết nhận khoán bảo vệ rừng từ nhiều năm trước. Theo hợp đồng, các chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Thanh và Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang giao khoán cho 50 nhóm hộ thuộc 10 thôn của 2 xã Tà Pơơ và Chà Vàl quản lý bảo vệ 13.789ha rừng. Các nhóm hộ này sẽ được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Tại huyện Đông Giang, nay đã chuyển dần từ hình thức giao khoán rừng cho nhóm hộ sang cộng đồng thôn. Và tiền chi DVMTR trong năm 2018 đã đến tay từng người dân.

Từ nguồn tài chính DVMTR hơn 76,6 tỷ đồng dư thừa do năm 2011 - 2013 chưa có đối tượng chi, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đã xây dựng nhiều trạm quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng ở khu vực rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, Nam Sông Bung, Khu Bảo tồn Sao La, rừng phòng hộ Sông Tranh, A Vương, Đăk Mi, Sông Kôn; thực hiện cắm mốc ranh giới 3 loại rừng và lâm phận thuộc 9 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Cũng từ nguồn tiền này, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng sử dụng vào việc trồng 189ha rừng, chăm sóc, BVR.

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ bảo vệ - phát triển rừng thông tin, với nguồn kinh phí dư thừa, đơn vị tiếp tục chi hỗ trợ bổ sung cho các lưu vực thủy điện có đơn giá thấp để đạt mức 200 nghìn đồng/ha/năm; tiếp tục trồng rừng thay thế. Và nguồn tiền DVMTR chưa có đối tượng chi giai đoạn 2014 - 2015 ngoài tiếp tục hỗ trợ cho các lưu vực có đơn giá chi trả thấp, còn sử dụng để trồng rừng phòng hộ ven biển; triển khai phương án hỗ trợ cây giống lâm nghiệp trồng rừng, trồng cây phân tán. Năm 2018, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh và các ban quản lý rừng còn tiến hành hợp đồng gieo ươm 139.500 cây keo lai nuôi cấy mô và hơn 1,1 triệu cây keo tai tượng Úc để cấp cho các hộ trồng trong mùa mưa đến.

Không để nợ dây dưa

Từ năm 2013 đến nay, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng được UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ thu và quản lý sử dụng tiền trồng rừng thay thế gồm 26 dự án,  công trình với số tiền hơn 107 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân cho 12 đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế với tổng số tiền hơn 68,8 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra, giám sát đợt 1 năm 2018 của các phòng chức năng Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, các chủ rừng đã tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và cấp phát tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ theo đúng quy định và kịp thời, không có trường hợp sai sót đáng tiếc xảy ra. Số tiền nhận khoán được công khai, minh bạch trong nhóm, cộng đồng, không có trường hợp thắc mắc, khiếu nại. Không còn trường hợp chính quyền một số thôn, xã (như xảy ra tại một số địa phương trước đây) trích lại một phần tiền DVMTR của các nhóm hộ để sử dụng các mục đích khác của địa phương.

Theo Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã giải ngân cho 12 đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế với tổng số tiền gần 69 tỷ đồng. “Hầu hết đơn vị có kế hoạch trồng bù rừng thay thế đều nộp tiền về đơn vị đầy đủ và đúng quy định, không có trường hợp nợ dây dưa kéo dài” - ông Đức nói. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành các hạng mục trồng rừng thay thế của các đơn vị còn quá chậm. Đến giữa tháng 7.2018, kinh phí trồng rừng thay thế còn tồn đọng ở Quỹ bảo vệ - phát triển rừng hơn 54 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi ngân hàng tăng lên). Lý giải nguyên nhân nguồn tiền tồn đọng lớn,  đơn vị được giao quyền ủy thác thu - chi tiền DVMTR cho rằng, theo các quyết định của UBND tỉnh, các đơn vị trồng bù rừng thay thế nộp tiền về Quỹ bảo vệ - phát triển rừng từ 1 - 2 lần nhưng thực hiện việc chi trả cho thời gian 10 năm (1 năm trồng, 4 năm chăm sóc và 5 năm bảo vệ).

Theo kế hoạch chi tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh năm 2018, có 3 lưu vực đơn giá bình quân đạt hơn 400 nghìn đồng/ha/năm; 11 lưu vực còn lại với diện tích 245.894ha có đơn giá dưới 400 nghìn đồng/ha/năm. Ông Đức kiến nghị, Hội đồng quản lý Quỹ bảo vệ - phát triển rừng cần xem xét giao cho đơn vị phối hợp Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để chi đảm bảo 400 nghìn đồng/ha/năm đối với diện tích 245.894ha, tổng số tiền gần 29 tỷ đồng. “Để chi tiền trồng rừng thay thế đúng tiến độ, không còn tình trạng tồn đọng vốn, đề xuất Sở NN&PTNT chỉ đạo các ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm có thực hiện chính sách chi trả DVMTR tiến hành rà soát diện tích rừng đã giao khoán chưa hợp lý để tiến hành giao lại cho phù hợp với tình hình quản lý rừng tại địa phương và thực hiện chính sách chi trả DVMTR đạt hiệu quả. Các đơn vị trồng rừng thay thế thực hiện việc quyết toán hoàn thành các hạng mục công trình, không để nợ ứng tồn đọng kéo dài” - ông Đức đề xuất.

 TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Đúng mục đích, không để nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO