Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần xóa đói giảm nghèo

TRẦN HỮU 10/12/2013 12:37

Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phát triển rừng, người dân bản địa dần thay đổi hành vi giữ rừng, vừa tuân thủ quy định của pháp luật vừa giữ được luật tục, lệ làng.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP có tác dụng lớn là phần nào giành lại sự sống cho vùng sinh cảnh vốn đã bị các dự án đầu tư xây dựng thu hẹp ở miền núi, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng. Năm qua, đơn vị đã mở hàng chục lớp tập huấn, hội thảo nhằm giúp người dân có kiến thức, kỹ năng giữ rừng. Đặc biệt, giúp người dân hưởng lợi từ rừng mà không xâm hại đến rừng; nghiên cứu những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp đưa vào trồng một số loài lâm sản phụ như mây, song, tre lấy măng… Ở Quảng Nam, DVMTR còn tái đầu tư lại rừng để hạn chế rủi ro tác động của biến đổi khí hậu như bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng và phát triển rừng bền vững.

Người dân được tạo điều kiện trồng cây có giá trị kinh tế dưới tán rừng tự nhiên.  TRONG ẢNH: Người dân xã Trà Linh, huyện Nam Trà My được hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm.                                                         Ảnh: HỮU PHÚC
Người dân được tạo điều kiện trồng cây có giá trị kinh tế dưới tán rừng tự nhiên. TRONG ẢNH: Người dân xã Trà Linh, huyện Nam Trà My được hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm. Ảnh: HỮU PHÚC

 Tại huyện Nam Giang, vừa qua gần 50 nhóm hộ thuộc 10 thôn trên địa bàn 2 xã Tà Pơ và Chà Vàl đã nhận quản lý, bảo vệ 13.789ha rừng. Sau khi ký hợp đồng nhận giao khoán với Hạt Kiểm lâm huyện, các nhóm hộ sẽ cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đơn vị tài trợ dự án đã trao 10 sổ tiết kiệm trị giá 400 triệu đồng cho 10 thôn vùng hưởng thụ DVMTR để làm nguồn vốn phát triển sinh kế ban đầu. Trong khi đó, chính quyền các huyện Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My xác nhận, ngoài nhận tiền hỗ trợ hằng năm, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã tuân thủ giữ rừng theo các quy định của pháp luật hiện hành mà không hề phá vỡ luật tục; khuynh hướng phát triển rừng thân thiện với môi trường thể hiện đậm nét hơn. Để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng nhận rừng để lén lút tận thu cây, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã “buộc” trách nhiệm bằng cách, trước khi ký hợp đồng với người dân, đề nghị họ ký cam kết rõ ràng. Sau 1 năm, tổ công tác của đơn vị sẽ đánh giá kết quả khu rừng các nhóm hộ quản lý. Nếu giữ tốt thì mới thực hiện việc chi trả; ngược lại để xảy ra mất rừng, chủ rừng phải chịu hậu quả, nhẹ thì cắt tiền, nặng thì xử lý theo pháp luật.

Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cho biết, dù địa hình và thời tiết miền núi khắc nghiệt nhưng công tác giao khoán rừng với tổng diện tích 181.172ha (theo 7 đề án chi trả DVMTR năm 2013) tại các lưu vực thủy điện đã triển khai đúng kế hoạch. Cạnh đó, thông qua dự án ADB tài trợ, tại lưu vực Sông Bung đã giao khoán đến nhóm hộ với tổng diện tích 22.213ha. Ngoài giao khoán theo DVMTR, các chủ rừng còn được nhận diện tích lồng ghép Chương trình 30a, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, dự án CarBi... Năm 2013, tổng diện tích rừng trong các lưu vực thủy điện được chi trả tiền nhận khoán để bảo vệ rừng là 203.385ha. Trong đó, diện tích được chi trả từ nguồn tiền DVMTR là 176.278ha, diện tích được chi trả từ nguồn của các dự án khác là 27.107ha. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, người dân một số nơi cũng tỏ ra thắc mắc, so bì về quyền lợi khi nhận khoán bảo vệ rừng. Cụ thể, khu vực nhà máy thủy điện A Vương (thuộc huyện Đông Giang) được hưởng 274 nghìn đồng/ha, trong khi khu vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) chỉ có 180 nghìn đồng/ha.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời gian qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và hạt kiểm lâm các địa phương miền núi đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Việc giao khoán rừng lâu dài cho các hộ dân bảo vệ với nguồn tài chính đảm bảo, phần nào giúp cho các người dân tham gia giữ rừng có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, làm thay đổi nhận thức giữ rừng. Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, chính sách chi trả DVMTR góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa giữ rừng bền vững vừa ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.

 TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Góp phần xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO