Nhờ kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phát hiện các sai sót, đồng thời đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện chính sách đảm bảo quy định.
Phát hiện sai sót trong chi trả
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh vừa kiểm tra, giám sát 10 đơn vị chủ rừng trong vòng 1 tháng (26.5 - 26.6.2020) gồm: ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn; BQL khu bảo tồn loài Sao la; BQL khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; Vườn quốc gia Bạch Mã; BQLRPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam.
Qua kiểm tra cho thấy, việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại các đơn vị chủ rừng phần lớn đảm bảo theo đúng quy định. Tuy vậy, vẫn tồn tại một số hạn chế, chẳng hạn, BQLRPH huyện Nam Giang chi vượt gần 500 triệu đồng, do trước khi thực hiện chuyển giao từ BQLRPH Nam Sông Bung (trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh) sang BQLRPH Nam Giang (trực thuộc UBND huyện Nam Giang), chủ rừng đã chi cho công tác tuần tra, truy quét vượt so với số tiền Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đã tạm ứng.
Tương tự, BQL khu bảo tồn loài Sao la chi vượt hơn 852 triệu đồng. Nguyên nhân, do số lượng nhân viên hợp đồng cố định 34 người, nhưng nguồn thu năm 2019 thấp hơn nhiều so với dự toán, để đảm bảo chi trả lương kịp thời cho người lao động, chủ rừng phải ứng trước từ các quỹ đã trích lập để chi trả. Ngoài ra, các BQLRPH huyện Phước Sơn và Tây Giang cũng chi vượt.
Kết quả kiểm tra của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cũng cho thấy, BQLRPH huyện Nam Giang đến thời điểm kiểm tra ngày 29.5.2020 còn nợ tiền của các nhóm hộ, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) hơn 83,6 triệu đồng. Theo giải thích của chủ rừng, đến cuối tháng 3.2020, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh mới thanh toán số tiền DVMTR của năm 2019, thời điểm này phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 nên đơn vị chưa triển khai chi trả cho các nhóm hộ, cộng đồng dân cư.
Tương tự, BQLRPH huyện Bắc Trà My đến thời điểm kiểm tra (19.6.2020) còn nợ tiền của các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán, số tiền hơn 955 triệu đồng. Chủ rừng này lý giải, do đơn vị nhận bàn giao từ UBND các xã, thị trấn số tiền giao khoán BVR thuộc diện tích chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 3. Tuy nhiên hồ sơ, thủ tục và chứng từ UBND các xã, thị trấn bàn giao chưa đầy đủ và chưa đảm bảo theo quy định để chủ rừng làm cơ sở chi trả.
Giám sát thường xuyên
Theo ông Phạm Phú, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, qua kiểm tra công tác chi tiền DVMTR năm 2020 cho thấy các phương án chi trả DVMTR đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Những đơn vị chủ rừng đã hoàn toàn chuyển sang hình thức tự BVR hợp đồng lực lượng BVR chuyên trách theo Nghị quyết số 46 HĐND tỉnh, gồm BQLRPH các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My; BQL khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và BQLRPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam. Tuy nhiên, còn các đơn vị chủ rừng đang thực hiện quản lý rừng bằng cả hai hình thức vừa giao cho nhóm hộ, cộng động thôn vừa ký hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách. Đó là BQLRPH các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Trà My; BQL rừng khu bảo tồn loài Sao la và Vườn quốc gia Bạch Mã.
Năm 2020, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh được UBND tỉnh thống nhất cho lập thêm đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4 (thuộc 2 huyện Tiên Phước và Hiệp Đức), nâng tổng diện tích chi trả DVMTR trong năm 2020 là 283.604ha. Công trình thủy điện Sông Tranh 4 nằm ở lưu vực có vai trò quan trọng trong duy trì nguồn nước, phòng chống tác hại của lũ lụt, đảm bảo an toàn cho các vùng sản xuất.
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, việc kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đơn vị. Mỗi quý đều ban hành kế hoạch, đề cương biểu mẫu phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát theo quy định. Ngoài giám sát nguồn tiền chi trả, các ngành chức năng sẽ đánh giá chất lượng nguồn cây giống lâm nghiệp, tỷ lệ cây sống trồng rừng thay thế, kiểm tra hồ sơ giấy tờ liên quan.
Ông Phạm Phú cho biết, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán canh tác nương rẫy luân canh nên tập huấn còn khó khăn. Tình trạng đốt phá nương rẫy dễ cháy rừng vẫn còn xảy ra. Các phương án chi trả DVMTR năm 2020 vẫn chưa được phê duyệt, gây bị động cho việc triển khai thực hiện. Hiện vẫn còn một số chủ rừng chưa hoàn thành việc chi tiền giao khoán BVR năm 2019 cho các nhóm hộ, cộng đồng thôn.