Sau khi chuyển mục đích sử dụng rừng, các phương án mà chủ đầu tư lựa chọn trồng rừng thay thế đều được UBND tỉnh phê duyệt. Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, trường hợp hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng hiện nay rất đa dạng, tạo động lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh triển đã triển khai kịp thời chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng (BVR) với các nhóm hộ, cộng đồng phần lớn là người dân địa phương. Tuy tình trạng xâm hại rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra nhưng số vụ khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt.
Theo ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, Quảng Nam là một trong các tỉnh nhanh chóng thực hiện chính sách chi trả DVMTR và trồng rừng thay thế hiệu quả. Hầu hết diện tích có cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh là rừng tự nhiên và thuộc lâm phận của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý nên thuận lợi cho công tác quản lý, BVR.
Sở NN&PTNT cho biết, diện tích đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp của tỉnh là 729.757ha (chiếm 69% so với diện tích tự nhiên); trong đó diện tích rừng đặc dụng 139.896ha (chiếm 19,2%), diện tích rừng phòng hộ 315.812ha (chiếm 43,3%), diện tích rừng sản xuất 274.049ha (chiếm 37,5% diện tích đất lâm nghiệp). Độ che phủ rừng của toàn tỉnh đến nay hơn 59%, diện tích chi trả DVMTR năm 2020 theo kế hoạch là 281.671ha.
Theo ông Huỳnh Đức, ngày 11.8.2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Kết luận thanh tra số 1114 với nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, chi trả tiền DVMTR. Trong đó, ưu điểm là Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã chuyển kinh phí chi trả cho các chủ rừng đúng quy định, đảm bảo đúng đơn giá theo lưu vực và diện tích nghiệm thu. Đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam đã ký với 5 nhà máy sản xuất thủy điện có lưu vực liên tỉnh và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng với 23 đơn vị thủy điện có lưu vực nội tỉnh. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh còn hợp đồng với 9 đơn vị cung cấp nước sạch, 43 đơn vị nước công nghiệp và 1 đơn vị du lịch.
Đối tượng được hưởng lợi DVMTR rừng đa dạng, trong đó gồm ban quản lý rừng phòng hộ các địa phương như Bắc Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam. Các ban quản lý rừng đặc dụng gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao la, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn, Vườn Quốc gia Bạch Mã; hạt kiểm lâm các huyện Nam Trà My, Đại Lộc, Bắc Trà My, Nông Sơn, Duy Xuyên và UBND các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước); xã Phước Gia (Hiệp Đức); các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Quang, Đại Hưng, Đại Sơn (Đại Lộc) và xã Duy Sơn (Duy Xuyên).
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc nói thêm, Kết luận thanh tra số 1114 cũng nêu rõ, đơn vị đã làm tốt công tác hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với các đối tượng sử dụng DVMTR. Chủ đầu tư lựa chọn phương án trồng rừng thay thế đều được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cần có biện pháp khắc phục một số nội dung tồn tại. Đó là, điều chỉnh lại hệ số K cho từng lô trạng thái rừng, làm cơ sở để tính toán mức tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng theo quy định tại Nghị định số 156 của Chính phủ, tại Quyết định phê duyệt các đề án chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Điều chỉnh bỏ nội dung cho các hạt kiểm lâm là tổ chức không phải là chủ rừng, được trích lại 10% chi phí quản lý từ nguồn kinh phí DVMTR.