Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thêm nguồn lực tài chính

TRẦN HỮU 01/01/2019 07:53

Những cánh rừng ở Quảng Nam sẽ đa dạng sinh học và quản lý một cách bền vững khi bắt đầu triển khai dự án REDD+. Từ nghĩa vụ đóng phí xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tỉnh sẽ có thêm nguồn tài chính dồi dào cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Nhà máy sản xuất công nghiệp có lượng khí thải lớn là đối tượng có trách nhiệm chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Nhà máy sản xuất công nghiệp có lượng khí thải lớn là đối tượng có trách nhiệm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Để chuẩn bị cụ thể hóa kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu, tập huấn, học tập kinh nghiệm từ các địa phương thí điểm thành công. REDD+ nói nôm na là một trong những giải pháp giải quyết sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường, bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững. Đây là sáng kiến mới, một trong những nội dung đàm phán quan trọng trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.

Trách nhiệm với rừng

Năm 2018, từ nguồn tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Trường Sơn xanh, ngành lâm nghiệp tỉnh tiếp cận với dự án REDD+. Trước mắt là lập danh sách các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có lượng khí thải ra môi trường lớn là đối tượng chịu trách nhiệm chi trả, hỗ trợ cho người dân vùng dồi dào trữ lượng các bon, giàu đa dạng sinh học. Đến nay, Quảng Nam đã triển khai DVMTR đối với 3 đối tượng sản xuất, kinh doanh gồm thủy điện, nước sạch và dịch vụ du lịch.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, sở đã xây dựng đề cương thí điểm chi trả DVMTR về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng cấp tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở sản xuất công nghiệp phát thải CO2. Trong số đó, hiện chỉ đề cập 24 cơ sở sản xuất công nghiệp được tính toán cụ thể về lượng phát thải lớn. Trước mắt, tỉnh sẽ triển khai DVMTR thí điểm 4 cơ sở sản xuất công nghiệp phát thải lớn gồm Công ty CP Kính nổi Chu Lai; Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (huyện Nông Sơn) sản xuất nhiệt điện than; Cty CP Prime Đại Lộc (huyện Đại Lộc) sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét và Công ty CP Xi măng Xuân Thành sản xuất xi măng.

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tính toán, Công ty CP Prime Đại Lộc có tổng doanh thu năm 2017 hơn 1.512 tỷ đồng; số tiền DVMTR phải chi trả trong năm hơn 3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 1,99% tổng doanh thu/năm của công ty).  Còn  Công ty CP Xi măng Xuân Thành số tiền phải chi trả DVMTR hơn 3,4 tỷ đồng. Số liệu năm nay của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho thấy, mức chi trả tiền DVMTR bình quân/năm với nguồn thu tiền DVMTR của các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch và kinh doanh du lịch với mức bình quân cao nhất 608.450 đồng/ha/năm; mức bình quân thấp nhất 35.887 đồng/ha/năm.

TS.Phạm Thu Thủy, Trưởng đại diện của Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho rằng, REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học. REDD+ đã buộc các cơ sở xuất công nghiệp với lượng khí thải lớn có trách nhiệm hơn với môi trường bằng nghĩa vụ nộp chi phí DVMTR. Qua đó, giúp cho chủ rừng, cộng đồng dân cư có thêm nguồn tài chính ổn định để phát triển rừng bền vững.

Trang bị kỹ năng giám sát rừng

Sở NN&PTNT và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đã triển khai hàng loạt đợt tập huấn định hướng về REDD+ và lập kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh. Nội dung trọng tâm là xây dựng hệ thống cảnh báo mất rừng, trang web hỗ trợ nông dân về biện pháp canh tác và thông tin thị trường phù hợp với thực tiễn của địa phương. Cán bộ lâm nghiệp xã sẽ dễ dàng xác định cụ thể các nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng và các rào cản tăng cường trữ lượng các bon trên địa bàn tỉnh, làm tiền đề cho việc triển khai các bước tiếp theo trong tiến trình xây dựng kế hoạch hành động REDD+. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dự án Trường Sơn xanh đã tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện REDD+, trong đó nội dung chủ yếu tập trung vào xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; hoàn thiện việc giao đất gắn với giao rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thí điểm chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được giao rừng...

Theo ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, từ phần mềm ứng dụng công nghệ trong lâm nghiệp, chủ rừng, cộng đồng dân cư, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng sẽ phát hiện sớm nguy cơ xâm phạm rừng. Đồng thời tăng cường các biện pháp làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa; phát triển lâm sản ngoài gỗ; thực hiện chi trả DVMTR kịp thời; hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ, phát triển rừng cho các tổ chức; xây dựng vườn ươm cây giống bảo đảm chất lượng; xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn; xây dựng chuỗi liên kết đầu tư - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế. Thông qua nhiều tổ chức tài trợ nước ngoài, rừng nguyên sinh Trung Trường Sơn ở địa bàn tỉnh được bảo vệ nghiêm ngặt.

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cũng vừa tổ chức tập huấn cho 12 chủ rừng lớn (gồm các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn và Vườn quốc gia Bạch Mã) về sử dụng máy tính bảng, hệ thống WebGIS. Việc giám sát rừng trên cao qua các ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin được ưu tiên vào hoạt động chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thêm nguồn lực tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO