Ngành lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phối hợp với dự án Trường Sơn Xanh tại Quảng Nam vừa triển khai hướng dẫn kỹ thuật thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.
Mở rộng đối tượng
Việc chi trả DVMTR được quy định tại Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Tại Quảng Nam, sau hơn 1 năm tổ chức lấy ý kiến của các ngành hữu quan, khảo sát hoạt động của doanh nghiệp, đến nay ngành chức năng bắt đầu áp dụng cho 2 loại hình sản xuất công nghiệp ngành xi măng và điện than. Năm 2020, trước mắt 2 nhà máy sản xuất thuộc Công ty CP Than điện Nông Sơn (đóng tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) và nhà máy sản xuất xi măng thuộc Công ty CP – Tập đoàn Thái Group chi nhánh Quảng Nam (đóng tại thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) sẽ là đối tượng chi trả DVMTR.
Theo quy định chi trả DVMTR đối với hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, các nhà máy trên sẽ chi trả cho chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) có diện tích theo loại rừng được chi trả DVMTR và UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng. Loại rừng được chi trả gồm rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng, rừng ngập mặn.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, cả nước thu được hơn 2.800 tỷ đồng tiền DVMTR để chi trả hỗ trợ trong công tác quản lý bảo vệ 6,3 triệu héc ta rừng, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc. Hiện, có thêm hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản được áp dụng triển khai rộng rãi. Riêng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, có 25 tỉnh, thành phố xác định được danh sách các cơ sở phải nộp tiền DVMTR. Ðối với dịch vụ nuôi trồng thủy sản có 3 tỉnh đã rà soát danh sách để ký hợp đồng đối với 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, ở giai đoạn thí điểm, mức thu đối với tỉnh không cao nhưng khi mở rộng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có phát thải khí các bon thì là nguồn thu lớn (toàn tỉnh theo thống kê có khoảng 24 loại hình sản xuất kinh doanh nằm trong diện thu phí). Theo kế hoạch, việc thực hiện thí điểm dịch vụ này dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 3 – 11.2020.
Dự án Trường Sơn Xanh (do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ) phối hợp với 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện bản đồ khu vực rừng nhận tiền chi trả dịch vụ này. Việc xây dựng bản đồ sẽ dựa trên trạng thái, chất lượng, chức năng rừng cũng như hệ số khó khăn của khu vực rừng. Nguồn thu từ các doanh nghiệp phát thải khí các bon sẽ được sử dụng cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở những khu vực rừng bị ảnh hưởng, hay làm nhiệm vụ hấp thu khí các bon.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh, từng bước hình thành thị trường tín chỉ các bon. Việc thí điểm chi trả DVMTR đối với hấp thụ, lưu giữ các bon của rừng có thể gặp khó khăn nhưng bắt buộc phải thực hiện vì đây là quy định thông lệ quốc tế.
Xác định căn cứ để chi trả DVMTR
Mức chi trả DVMTR cho chủ rừng phải đạt mức tối thiểu 400 nghìn đồng/ha/năm. Tạm tính ban đầu, mỗi năm 2 nhà máy sản xuất xi măng và than điện chi trả cho chủ rừng 2,4 tỷ đồng (sản xuất than điện hơn 726 triệu đồng; xi măng gần 1,7 tỷ đồng). Vậy dựa vào căn cứ nào để yêu cầu 2 doanh nghiệp trên chi trả? Theo sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thí điểm chi trả DVMTR đối với lưu giữ các bon của rừng, với nhà máy nhiệt điện than, xác định sản lượng trên cơ sở hợp đồng mua bán điện của nhà máy với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; doanh nghiệp phát thải tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với số liệu thông tin. Còn với nhà máy sản xuất xi măng, xác định lượng clinker trên cơ sở báo cáo tài chính của đơn vị.
Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết, để có cơ sở tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp, thời gian qua, đơn vị phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác thực hiện thí điểm dịch vụ này; sau đó đơn vị, tổ công tác tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi DVMTR với 2 doanh nghiệp.
“Bằng phương pháp tính toán, đã xác định được khoảng cách bao nhiêu là phù hợp từ nhà máy phát thải tới khu rừng hấp thụ khí phát thải, nhằm đánh giá mối quan hệ cung ứng và sử dụng DVMTR để các bên liên quan thấy được nguồn tiền được sử dụng thiết thực, cụ thể” – ông Đức nói.
Cái khó nhất của Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác là trước đây hầu hết doanh nghiệp nằm trong diện thí điểm thu tiền hấp thụ và lưu giữ các bon rừng đều chưa sẵn sàng, thậm chí bất hợp tác. Thế nhưng, sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, đến nay việc chi trả thí điểm mới được cụ thể hóa. Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã xúc tiến việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để nâng cao tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong công tác giải ngân.