Chia, để có thêm…

ĐĂNG QUANG 27/10/2014 08:35

Một người bạn làm kinh doanh cho rằng, trong nội bộ doanh nghiệp, nhất là ở các loại hình doanh nghiệp tư nhân, bài toán chia sẻ lợi ích thường đặt ra giữa “ông chủ” và người làm công. Nếu không tìm thấy sự hài hòa, sẽ dẫn đến những vụ việc phức tạp, xảy ra đình công, lãn công…

Rộng hơn, không chỉ chia sẻ lợi ích trong cộng đồng của mình, doanh nghiệp còn phải vươn ra cộng đồng xã hội. Qua những vụ việc “nóng” gần đây, liên quan đến chuyện cư dân địa phương phản ứng với các nhà máy, xí nghiệp đứng chân trên địa bàn, có nhiều nguyên do, trong đó không loại trừ việc chia sẻ lợi ích nan giải. Báo Quảng Nam từng lên tiếng về chuyện điều hòa các lợi ích từ các dự án thủy điện với người dân địa phương. Báo cũng đã  nhiều lần phản ánh những bất cập trong quản lý bảo vệ rừng, rằng có tình trạng người dân tiếp tay cho lâm tặc phá rừng vì trong khi họ cứ cố giữ rừng thì không được gì mà còn bị kẻ xấu đe dọa. Các doanh nghiệp làm thủy điện nếu không đóng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng đầy đủ thì chính họ sẽ chịu thiệt trước hết vì  rừng để giữ nước bị phá. Rất mừng là trong thời gian qua, những cảnh báo trên đã được hóa giải một phần. Việc giao khoán rừng cho người dân bảo vệ và được chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ có hiệu quả bước đầu đáng khích lệ với dự kiến trong năm nay 270 nghìn/400 nghìn héc ta rừng tự nhiên được chi trả dịch vụ môi trường. Câu chuyện “lấy rừng nuôi rừng” đã có tín hiệu khả quan.

Không riêng lĩnh vực kinh tế thuần túy, ngay ở văn hóa, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, di tích cũng cần giải quyết vấn đề lợi ích. Một hội thảo mới đây ở huyện Nông Sơn về “Bảo tồn và phát huy giá trị làng du lịch sinh thái Đại Bình”, cũng đặt ra chuyện làm thế nào cho cộng đồng dân cư địa phương được hưởng lợi trong việc phát triển sinh thái du lịch và giữ gìn di sản văn hóa của làng quê này. Chuyện không mới những vẫn là thời sự khi mà nhiều nơi (như Lộc Yên - Tiên Phước), đã có một số người dân buồn lòng vì suốt ngày khách du lịch tới hỏi han đủ điều, tiếp đủ thứ sản vật mà lợi ích chia sẻ không được bao nhiêu. Hay ở Hội An, di sản văn hóa thế giới, nhưng phát triển du lịch có lúc chưa gắn kết tốt lợi ích của doanh nghiệp với trách nhiệm môi trường và chia sẻ cộng đồng. Nhân nhắc chuyện Hội An, khó quên một hội thảo cách đây gần 15 năm với chủ đề “Bringing people and their heritage together”, tức gắn kết con người với di sản. Theo đó, có những đề xuất vẫn còn giá trị là đẩy mạnh chương trình giáo dục tuyên truyền vận động cộng đồng bảo tồn di sản; phát huy các giá trị di tích; kêu gọi sự tài trợ để trùng tu di sản. Song, điều đầu tiên là phải tính việc tái phân bổ thu nhập, làm sao cho những chủ nhân di tích, di sản được hưởng lợi từ chính công việc bảo tồn.

Những cụ đồ ngày trước, hiểu Kinh Dịch thường nhắc chuyện “đầy quá thì đổ đi”. Nghĩa là, nếu để bình nước đầy mãi thì tràn, ngã đổ; muốn đứng vững thì phải đổ đi một ít. Ngày nay, những câu chuyện vừa nêu trên cho thấy người ta lại dùng cụm từ “chia sẻ lợi ích cộng đồng”, tức chỉ cách chia đi để có thêm, đầy thêm…

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia, để có thêm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO