Trước thiệt hại từ dịch Covid-19 gây ra cho ngành du lịch địa phương, nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được đề xuất tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh với các đơn vị liên quan vào chiều qua, 25.2.
Du lịch địa phương “thấm đòn”
Báo cáo từ Sở VH-TT&DL cho biết, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 2.2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt 340 nghìn lượt (giảm gần 43% so với cùng kỳ); doanh thu từ tham quan, lưu trú cũng giảm 30% so với cùng kỳ.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Tính bình quân đã có khoảng 70% khách hủy tour trong thời gian tới; trong đó khối khách sạn, nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và đã bắt đầu có tình trạng doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, nghỉ không lương”.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, thông tin từ các thành viên thuộc hiệp hội cho thấy, tất cả thị trường khách đến Quảng Nam đều giảm mạnh; trong đó thị trường khách MICE giảm đến hơn 90%.
Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, dù hiện nay đã nhận thấy rõ thiệt hại nhưng khả năng cao đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay thì “thấm đòn” khi nhiều nhà hàng, khách sạn sẽ vắng khách bởi tình hình dịch bệnh ở châu Âu, nhất là Ý (vốn là thị trường khách truyền thống) đang diễn biến xấu hơn. Đại diện Cảng hàng không Chu Lai thông tin, lượng khách bay trong tháng 2 giảm 30% so với tháng trước.
Ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bộc bạch: “Trước khó khăn chung do dịch bệnh, ngành thuế cần nghiên cứu dời kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong thời điểm thích hợp hơn đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành, ăn uống, dịch vụ”.
Còn theo ông Phan Xuân Thanh, ngành chức năng cần xem xét giảm 60% thuế, khoán cho các hộ kinh doanh, cơ sở nhỏ lẻ để tránh tình trạng phá sản, hỗ trợ giãn thời hạn nộp thuế VAT, chậm nộp bảo hiểm xã hội sang quý 3, quý 4 cũng như các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời hạn trả nợ lại 1 năm.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu kỹ các trường hợp khách sạn, nhà hàng vừa đưa vào hoạt động tại Hội An lại đúng đợt dịch bệnh để khoanh/ giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực.
Cầm cự trước mắt, hướng đến lâu dài
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, ông Lê Ngọc Tường mong muốn UBND tỉnh thống nhất chủ trương miễn, giảm vé các điểm tham quan do Nhà nước quản lý trong vòng 1 đến 2 tháng. Cụ thể, miễn vé tham quan phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn cho khách du lịch có lưu trú ở Quảng Nam và ưu đãi chính sách 5 khách giảm 1 vé tham quan cho du khách không lưu trú lại Quảng Nam. Còn ông Nguyễn Văn Sơn thì chia sẻ: “Địa phương cơ bản ủng hộ miễn phí, vé tham quan nhưng nên nghiên cứu mức giảm hợp lý bởi nếu miễn hết thì kinh phí rất lớn”.
Ông Tường cho biết thêm, hiện nay Sở VH-TT&DL đã phối hợp với ngành du lịch Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng chuẩn bị gói kích cầu du lịch quốc gia và dự kiến sẽ tung ra trong thời gian tới, nhưng cũng đang thận trọng nghiên cứu kỹ lưỡng tính hiệu quả bởi có nhiều ý kiến trái chiều trong gói kích cầu đầu tiên tung ra của các tỉnh Phú Yên – Bình Định – Gia Lai – Đắc Lắc. Được biết, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đã chuẩn bị gói kích cầu giữa các địa phương miền Trung nhưng đang chờ diễn biến dịch bệnh từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản mới phối hợp tung ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các giải pháp đề ra cần phải cập nhật sát với tình hình diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp hiện nay. “Ngành du lịch phải khắc phục cho được trong năm nay nhằm tạo đà phục hồi, bứt phá cho năm 2021. Các địa phương khác cũng suy giảm, khó khăn chung và đều có kế hoạch kích cầu thu hút riêng nên chúng ta phải nắm kỹ thông tin các địa phương khác xây dựng để tính toán giải pháp phù hợp, vừa kết nối tạo cú hích vừa tránh chồng chéo” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng giao Sở VH-TT&DL chủ trì xây dựng chương trình hành động xúc tiến du lịch cho cả hai năm 2020 và 2021 thay vì kịch bản cũ từng năm trước đây.