"Chìa khóa" nâng cao năng lực cạnh tranh

ĐẶNG HÙNG 05/09/2017 09:47

Ứng dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến được xem như “chìa khóa” giúp cho doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, ở Quảng Nam, điều đó còn khá mới mẻ, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.

Đột phá đầu tư đổi mới công nghệ là một trong những động lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Đ.H
Đột phá đầu tư đổi mới công nghệ là một trong những động lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Đ.H

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Bắt kịp xu hướng toàn cầu, từ một DN hoạt động chủ yếu dựa vào hình thức may gia công xuất khẩu, trong những năm gần đây, Công ty TNHH Tuấn Đạt (Cụm công nghiệp Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đã mạnh dạn đầu tư thiết bị may với công nghệ hiện đại và ứng dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến. Các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9002, ISO 14000, SA 8000 về trách nhiệm xã hội được duy trì và thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị trực thuộc. Nhờ vậy, sản phẩm may mặc Tuấn Đạt đã góp mặt ở nhiều thị trường trên thế giới, chinh phục thành công những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng từ lợi thế này, trong khi nhiều DN trong ngành may phải đau đầu với bài toán tìm việc làm cho người lao động thì Công ty TNHH Tuấn Đạt vẫn chủ động đầu tư mở rộng nhiều xí nghiệp trực thuộc và mua sắm trang thiết bị chuyên dùng hiện đại lên đến hàng trăm tỷ đồng nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực. 14 năm qua, tổng doanh thu hằng năm của Công ty TNHH Tuấn Đạt tăng mức bình quân 20 - 25%. Năm đầu đi vào hoạt động sản xuất, Công ty Tuấn Đạt mới chỉ có doanh thu 2 tỷ đồng thì đến năm 2016 tổng doanh thu đã đạt lên đến 550 tỷ đồng; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động địa phương.

Để tiếp sức cho DN đổi mới quản lý và công nghệ, ngay từ năm 2012, Quảng Nam đã ban hành đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đến năm 2020”. Đây được xem là bước đột phá nhằm tạo điều kiện cho DN trên địa bàn của tỉnh tiếp cận các chính sách hỗ trợ ứng dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 30 DN, trong đó, có 20 DN được chọn xây dựng mô hình điển hình toàn diện (thuộc nhóm DN sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực) được hỗ trợ nguồn ngân sách nhà nước triển khai từ đề án này. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ cũng như áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng theo chuẩn quốc tế đã mang lại những lợi ích to lớn cho các DN trên nhiều khía cạnh: giảm chi phí sản xuất, duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được thời gian; cải tiến năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời xây dựng được phong cách làm việc khoa học có tính hệ thống. Đặc biệt, nhiều DN sau khi áp dụng công cụ, mô hình nâng cao năng suất lao động như 5S, Kaizen, TPM, Lean… năng suất đã có sự cải thiện rõ rệt; thông thường, các DN sau khi áp dụng các công cụ cải tiến, năng suất tăng tới 20 - 30%. Theo ông Phan Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã giúp công ty tăng cường cải tiến hoạt động trong quản trị điều hành, quản lý chất lượng; cải thiện năng suất, giảm sai sót và tăng hiệu quả làm việc của người lao động. Các giải pháp giúp DN cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường.

Những rào cản

Mặc dù bước đầu đạt những kết quả đáng khích lệ từ việc triển khai áp dụng các mô hình và công cụ cải tiến năng suất chất lượng theo đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đến năm 2020”, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vướng nhiều rào cản, trở ngại không nhỏ. Việc thuyết phục được các DN bỏ thời gian và vốn, vật lực cho hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng không phải dễ dàng. Không phải DN nào cũng tiếp cận và áp dụng thành công những hệ thống và công cụ quản lý hiện tại, do lâu nay quản lý sản xuất dựa trên kinh nghiệm, chưa có sự chuẩn bị về nguồn lực; nhận thức, trình độ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Mặt khác, những tác động từ bên ngoài như sự biến động của chính sách, khó khăn chung của nền kinh tế khiến DN thường xuyên phải điều chỉnh chiến lược dài hạn.

Tính đến nay, Quảng Nam có đến hơn 6.245 DN đang hoạt động nhưng có đến 97% DN nhỏ và vừa. Trong những năm gần đây, sản xuất kinh doanh của DN có nhiều biến động, số DN giải thể nhiều. DN gặp nhiều khó khăn trong các khâu, từ khâu nguyên liệu đến khâu thị trường. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học & công nghệ nói: “Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh sản phẩm của phần lớn DN trên địa bàn tỉnh còn thấp. DN chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng chiến lược cạnh tranh dài hạn, đầu tư lâu dài về quảng bá, xây dựng thương hiệu cho DN”. Nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động đối với DN trên địa bàn Quảng Nam còn thấp là do thiết bị, máy móc và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập. Trong khi công nghệ, thiết bị, máy móc còn lạc hậu thì sự liên kết, hợp tác của DN còn yếu và thiếu. Do thiếu sự liên kết cho nên các DN chưa tạo được sức cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước. Ở các ngành có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, điện năng, cơ khí… thì ngành công nghiệp hỗ trợ ở địa phương chưa phát triển, nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu, tỷ lệ gia công cao là thách thức khi hội nhập. Chưa kể, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng yếu, nhiều ngành phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề cao.

Theo các chuyên gia, để nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa đối với các DN trên địa bàn của tỉnh cần phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: thiết bị công nghệ, trình độ quản lý, nguồn nhân lực, thị trường, môi trường làm việc, thủ tục hành chính... Vấn dề cốt lõi là, trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DN Quảng Nam cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cũng như ý thức tự nâng cao chất lượng sản phẩm của DN mình. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước, có nhiều cách khác nhau như khai thác ưu thế của các hệ thống quản lý chất lượng ISO, công bố hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm, tham gia giải thưởng chất lượng…

ĐẶNG HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chìa khóa" nâng cao năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO