Bảo lưu được những hệ giá trị cốt lõi ở các đô thị lịch sử - di sản đang là vấn đề rất được quan tâm. Đây cũng là chủ đề chính hội thảo quốc tế của các Hội Quy hoạch Châu Á - Thái Bình Dương 2023 diễn ra tại TP.Đà Nẵng cuối tuần qua.
Giá trị của đô thị lịch sử
Quy hoạch đô thị là lát cắt phản ánh trình độ phát triển của các quốc gia. Tiến trình hình thành, phát triển đô thị Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn gồm: giai đoạn cổ trung đại từ cuối thế kỷ 19 về trước, giai đoạn cận đại 1858 - 1945 và giai đoạn hiện đại từ 1945 đến nay.
Trong 10 năm qua, công tác quy hoạch đô thị đạt nhiều kết quả. Năm 2022, nước ta có 888 đô thị các loại, phân bố khá đồng đều với tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%. Không gian đô thị ngày càng mở rộng, hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội đồng bộ, chất lượng sống thị dân được nâng cao. Kinh tế đô thị hiện đóng góp đến 75% GDP cả nước.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, tính lịch sử đã được thể hiện rõ nét trong cấu trúc, hình thái phát triển đô thị vùng miền và các đô thị cổ như Phố Hiến, Hà Nội, Huế, Hội An là minh chứng rõ nét nhất.
Dù vậy biến đổi toàn cầu hóa, đô thị hóa và số hóa tạo ra thách thức lớn, nguy cơ phá vỡ cân bằng môi trường sống, không gian đô thị, nhất là ở các đô thị mang đậm dấu ấn lịch sử.
Theo các chuyên gia, một đô thị lịch sử cần có giá trị lịch sử văn hóa đô thị đặc sắc, có hệ thống di sản đô thị phong phú độc đáo tạo nên diện mạo đặc trưng, có cấu trúc đô thị được bảo tồn toàn vẹn tiếp nối hữu cơ qua các giai đoạn, có sự hài hòa giữa cảnh quan nhân tạo và thiên nhiên.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhận định, bên cạnh các yếu tố nhân tạo, đô thị lịch sử còn bao gồm cảnh quan thiên nhiên, con người, phong tục tập quán. Do đó, công tác bảo tồn tôn tạo di sản đô thị cần dựa trên quan điểm lấy văn hóa làm nền tảng thể hiện tính thừa kế phát huy giá trị truyền thống, kết hợp các quy hoạch chuyên ngành đô thị khác.
Mô hình nào cho Hội An?
Đô thị lịch sử có thể phân thành 3 cấp độ: đô thị lịch sử quốc tế, đô thị lịch sử cấp quốc gia và đô thị lịch sử cấp tỉnh. Ở Việt Nam, Huế và Hội An được coi là điển hình của các đô thị lịch sử quốc tế.
TS. Trương Văn Quảng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho hay, các đô thị lịch sử mang trong mình lịch sử văn hóa giá trị cốt lõi con người, lưu giữ bảo tồn giá trị quá khứ, cung cấp dữ liệu để nhận biết tương lai. Đô thị lịch sử coi như một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, sản phẩm của văn minh đô thị kết hợp hữu cơ các yếu tố kiến trúc, văn hóa trong sự hài hòa với thiên nhiên.
Cũng theo ông Trương Văn Quảng, về cơ bản có 3 mô hình để quy hoạch bảo tồn, phát triển đô thị lịch sử. Hội An nên theo phương án 3, tức là kết hợp giữa mô hình mở rộng cấu trúc không gian đô thị tạo ra sự kết nối hữu cơ và mô hình cấu trúc phát triển đô thị mới liền kề, đối trọng với đô thị lịch sử.
Các chuyên gia đến từ Đại học Seoul (Hàn Quốc) tham dự hội thảo nhận định, hệ thống đường phố là không gian kết nối công cộng quan trọng cho sự phát triển bền vững của đô thị lịch sử.
Tuy nhiên, Hội An hiện nay dường như không đáp ứng được các tiêu chí về mật độ đường phố và mật độ giao lộ. Để giải quyết vấn đề này thành phố nên tập trung tăng cường thiết kế đường phố, giảm thiểu ngõ cụt, hình thành không gian đi lại thân thiện cho người đi bộ và vấn đề này nên được xem xét trong các chiến lược quy hoạch đô thị để bảo tồn đô thị lịch sử.
Theo AREP (Pháp) - đơn vị thuộc liên danh tư vấn đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, đồ án quy hoạch phát triển Hội An sẽ đảm bảo tầm nhìn về việc bảo tồn hệ sinh thái, tầm nhìn về nâng cao sự phát triển của văn hóa và tầm nhìn về phát triển du lịch bền vững.
Chiến lược phát triển du lịch trong đồ án cũng xác định phải cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn bằng việc tạo mạng lưới giao thông mềm, giao thông đa phương thức và hành lang sinh thái liên kết biển - sông, nông thôn - đô thị để giải tỏa ách tắc khu vực trung tâm.