"Chìa khóa vàng" cho kinh tế tư nhân

HỮU PHÚC 17/02/2018 19:28

Lực lượng kinh tế tư nhân đã đem lại sức sống cho nền kinh tế. Vì vậy, Quảng Nam đang tìm mọi cách phá dỡ những cản trở trong thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Kinh tế tư nhân giải quyết lực lượng lớn lao động tại địa phương. Trong ảnh: Một dây chuyền nhà máy gia công giày da tại Khu công nghiệp Thuận Yên (TP.Tam Kỳ).Ảnh: H.P
Kinh tế tư nhân giải quyết lực lượng lớn lao động tại địa phương. Trong ảnh: Một dây chuyền nhà máy gia công giày da tại Khu công nghiệp Thuận Yên (TP.Tam Kỳ).Ảnh: H.P

Tiếp thêm động lực

Từ khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Tỉnh ủy Quảng Nam đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động. Ở khu vực kinh tế tư nhân, dù Quảng Nam đang có những doanh nghiệp “đầu tàu” nhưng chưa lan tỏa rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hạn chế trong năng lực cạnh tranh. Thời điểm này, Quảng Nam có 5.762 doanh nghiệp, trong đó chiếm gần 97% là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh đang tập hợp, liên kết doanh nghiệp, tạo ra sân chơi cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trong năm 2017, nhiều trung tâm dịch vụ hành chính công, một cửa liên thông ra đời. Nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh, đầu tư trói buộc trước đây đã bị xóa bỏ, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các buổi gặp gỡ như “cà phê doanh nhân”; chương trình khởi nghiệp sáng tạo; ban hành các chính sách dưỡng nghiệp... cũng góp phần cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Khu vực kinh tế tư nhân “thống lĩnh” sự tăng trưởng giá trị nền kinh tế của tỉnh những năm gần đây. Chỉ tính riêng Khu kinh tế mở Chu Lai, đến nay đã thu hút được 118 nhà đầu tư, chủ yếu kinh tế tư nhân. Trong số này, có 75 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện 970 triệu  USD, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động.  Sở KH-ĐT cho rằng, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp vào tổng thu ngân sách bình quân 70%/năm. Nơi đây đã có “con sếu đầu đàn” khu vực kinh tế tư nhân như Công ty CP Sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, việc làm thường xuyên của chính quyền cấp tỉnh là tăng cường đối thoại với dân và doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho hay, năm qua chính quyền tỉnh đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực thuế và hải quan; đưa vào vận hành thông quan tự động, hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan từ tháng 3.2017. Trong số 5.762 doanh nghiệp hoạt động năm 2017 thì đã có 5.641 doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng (đạt 97,7%).

Ghi nhận tinh thần đổi mới, cải cách cho kinh tế tư nhân phát triển, song nhiều doanh nghiệp cho rằng, tỉnh cần giải quyết kịp thời đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành) cho biết, sản phẩm chế biến mây tre của cơ sở ông và nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ khác trong nước không thua kém gì nước ngoài, nhưng giá trị gia tăng quá thấp. Ông Thiên nêu ví dụ: một sản phẩm giỏ đựng đồ đạc gia công trong nước giá bán 6USD thì qua Malaysia, hay Singapore lại bán đến 36USD. Vùng nguyên liệu mây tre đầu vào của nhà máy mua từ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và các huyện miền núi của tỉnh nhưng có nơi chất lượng hạn chế. Ông Thiên mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh sớm thành lập hội chủ rừng để các đối tác, tổ chức nước ngoài an tâm trong xúc tiến đầu tư, hợp tác lâu dài với doanh nghiệp bởi các tổ chức nước ngoài  thường hợp tác với hội nghề nghiệp hơn là cơ quan nhà nước. Tại TP.Tam Kỳ, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp Trường Xuân kiến nghị Trung ương, UBND tỉnh cần hỗ trợ chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, nhà ở lao động như các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Thăng.

Cuộc hội thảo do Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng tổ chức ở TP.Tam Kỳ cuối tháng 6.2017 với chủ đề “Kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế địa phương”, nhiều chuyên gia cho rằng, Quảng Nam có lợi thế rõ nét để phát triển kinh tế tư nhân, sẽ tạo động lực để kéo nền kinh tế đi lên.

Gỡ bỏ rào cản

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định, cần phải “tấn công” mạnh mẽ vào “bức tường” điều kiện kinh doanh kìm hãm sự phát triển của kinh tế thị trường. Muốn cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chính phủ cần có cơ chế giám sát, xử lý các địa phương, bộ ngành không bãi bỏ điều kiện kinh doanh theo yêu cầu. Qua khảo sát của VCCI, có 9 - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014 - 2016 cho biết các khoản chi phí không chính thức chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước. Chi phí mà doanh nghiệp “bôi trơn” chủ yếu khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện… TS.Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, thiếu công khai, minh bạch là cơ hội cho sự chia chác, liên kết lợi ích nhóm. Con số mà VCCI đưa ra đáng quan ngại, bởi chi phí “bôi trơn” còn đè nặng doanh nghiệp. Dẫn kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, ông Doanh thông tin thêm, ở trong nước doanh nghiệp làm ra một đồng thì phải chi 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng cho phí “bôi trơn”.   

Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Tuấn Đạt (đóng chân tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) chỉ ra sự bất bình đẳng trong thu hút đầu tư giữa doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông Doãn cho rằng cùng đứng chân địa bàn một thành phố, nhưng Tập đoàn Dệt may Panko mới vào Khu công nghiệp Tam Thăng đã được Nhà nước ưu tiên mặt bằng để làm nhà ở cho công nhân, ưu đãi giảm thuế còn công ty ông không nhận được các chính sách ưu đãi này. Doanh nghiệp may mặc Tuấn Đạt mỗi năm thu hút 3.000 lao động, với mức thu nhập bình quân của người lao động hơn 6 triệu đồng/tháng (cao hơn doanh nghiệp may mặc FDI). “Điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế tư nhân là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI” - ông Doãn nói.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chìa khóa vàng" cho kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO