Ở làng Tu Ton (xã Trà Linh, Nam Trà My), người dân địa phương vẫn hay nhắc đến câu chuyện hào phóng của những chủ sâm Ngọc Linh với bà con dân bản khi trả ngày công, biếu quà sinh nhật bằng sâm giống.
Ông Hồ Văn Dân, người làng Tu Ton chia sẻ, thời gian gần đây gia đình ông thường được Hồ Văn Dang nhờ phụ giúp công việc dọn cỏ nương rẫy, chăm sóc cây lúa, cây bắp. Công cán của gia đình được ông Dang trả bằng cây sâm giống Ngọc Linh. “Cứ mỗi ngày làm công được trả 5 cây sâm giống và theo mức giá hiện tại thì tính ra cũng được hơn 1,2 triệu đồng. Đó là khoản thanh toán cho những công việc nhẹ nhàng. Còn vào mùa thu hoạch lúa, nếu tham gia cõng thóc từ ruộng về làng thì mức trả công có thể lên đến 10 cây sâm giống” - ông Dân cho hay.
Không chỉ ở Tu Ton, tại một số thôn, nóc của xã Trà Linh, đồng bào còn tình nguyện cho đất, giúp các hộ dân khó khăn có nơi để trồng sâm Ngọc Linh. Nhiều năm trước, thấu hiểu được những khó khăn của người làng kế bên khi không có diện tích đất rừng để trồng sâm, bà con ở làng Tắc Ngo (thuộc thôn 2) đã dành riêng khu vực đất dưới tán rừng để bà con thôn 1 phát triển cây dược liệu sâm Ngọc Linh. Từ tinh thần đoàn kết cộng đồng, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng,… đã giúp nhau cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng lợi thế của sâm Ngọc Linh, cùng sẻ chia nguồn sâm giống để “chia lửa” thoát nghèo. Việc làm ý nghĩa này đang ngày được nhân rộng và tạo hiệu ứng lan tỏa khắp bản làng vùng cao Nam Trà My. Ở một địa phương khác là Trà Cang, sau thời gian chịu khó lên Trà Linh làm công, nhiều hộ dân khó khăn ở địa phương nay đã dần thoát nghèo và làm giàu sau những hỗ trợ cây sâm giống của bà con Trà Linh. Có gia đình, sau thời gian làm công, nay đã di thực và phát triển hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh và đang giàu lên từng ngày.