Trong hành trình đi lên của miền đất Quế Sơn luôn có sự đồng hành từ chính quyền, người dân, các tổ chức chính trị - xã hội với gia đình chính sách, người nghèo. Những cánh tay hỗ trợ đầy trách nhiệm đã góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh, để “không ai bị bỏ lại phía sau”...
Nghĩa cử tri ân
Trong bề dày truyền thống của quê hương Quế Sơn hôm nay, có đóng góp lớn bằng máu xương của biết bao thế hệ. Đây là vùng đất mà số lượng người có công cách mạng thuộc nhóm cao của tỉnh, với hơn 8.800 lượt trường hợp được chi trả trợ cấp thường xuyên; ngoài ra, trong giai đoạn 2015 - 2020 thực hiện chi trả một lần cho hơn 20.000 người có công.
Ông Cao Đức Hùng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Quế Sơn chia sẻ, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, công tác chính sách ưu đãi người có công được địa phương đặc biệt chú trọng. Trong đó, “tập trung quản lý, xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ cho người có công kịp thời, đúng quy định” được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn ngành.
“Mỗi tháng, đơn vị thực hiện quản lý, chi trả trợ cấp thường xuyên với kinh phí hơn 11 tỷ đồng, trợ cấp một lần trong suốt nhiệm kỳ với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Số lượng người có công rất lớn, song không vì thế mà công tác thực hiện các chế độ chính sách được phép chậm trễ. Cấp ủy đơn vị luôn chỉ đạo cho từng bộ phận phải nỗ lực thực hiện tốt các mặt chăm lo chính sách đối với người có công” - ông Hùng thông tin.
Nghĩa cử tri ân được tiếp nối, bằng quyết tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, hỗ trợ kinh phí xây dựng mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang gia đình. Hàng năm Quế Sơn tiếp đón, tạo điều kiện cho hơn 200 thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền đất nước đến viếng, thắp hương, tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn huyện.
Ông Hùng cho biết thêm, điều đáng mừng là chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ thật sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao với hơn 2.700 trường hợp được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; đảm bảo tất cả hộ chính sách có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân toàn huyện; Quỹ đền ơn đáp nghĩa hàng năm huy động hơn 550 triệu đồng ở 2 cấp xã và huyện. Đặc biệt, Quế Sơn hiện chỉ còn một hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách và đang được nghiên cứu, tìm phương án hỗ trợ để giúp thoát nghèo trong năm 2020.
Chung tay vì người nghèo
Song song với chăm lo gia đình chính sách, chủ trương giảm nghèo bền vững được các cấp, ngành quan tâm hơn bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó Phòng LĐ-TB&XH Quế Sơn tập trung triển khai các nghị quyết về khuyến khích thoát nghèo bền vững, các chính sách ưu đãi và giải pháp phù hợp tác động đến công tác giảm nghèo được áp dụng linh hoạt để tạo động lực mạnh mẽ cho người nghèo vươn lên. Trao cơ hội cho người nghèo, đồng thời giải quyết đúng quy định chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng đã hỗ trợ cho thôn Thuận Long (xã Quế Phong) theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn. Nhờ đó, địa phương vượt chỉ tiêu giảm nghèo trong suốt nhiệm kỳ, chỉ còn 4,31% vào cuối năm 2019 và đặt mục tiêu tiếp tục giảm 86 hộ nghèo trong năm 2020…
Trong công cuộc chung tay vì người nghèo, Quế Sơn nỗ lực kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội và cả cộng đồng chia sẻ, đồng hành. Bằng nhiều việc làm thiết thực, những mô hình gần gũi, hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã vận động mỗi năm hơn 3 tỷ đồng kinh phí ủng hộ người nghèo. Ở cấp xã, số tiền vận động còn lớn hơn, lên đến 7 - 8 tỷ đồng mỗi năm nhờ sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng những người con xa quê, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương.
Ông Lý Xuân Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết, bên cạnh kêu gọi cán bộ viên chức, công chức, nhân dân và các nhà hảo tâm, thông qua hội đồng hương và kết nối các doanh nghiệp trẻ tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội…, hàng năm huyện huy động được kinh phí hỗ trợ sửa chữa gần 100 ngôi nhà; vận động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 3 nhà sinh hoạt văn hóa thôn trị giá gần 2 tỷ đồng.
“Các tổ chức chính trị - xã hội của huyện cũng được phân công kèm cặp, giúp đỡ hội viên của mình, đặt mục tiêu mỗi năm ít nhất 2 hội viên trong tổ chức thoát nghèo. Chúng tôi kết nối một số mạnh thường quân trao hơn 3.000 suất quà mỗi năm cho bà con, hỗ trợ bò giống chất lượng cao với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Đây được xem là hướng đi rất hiệu quả khi mô hình trao bò giống khá phù hợp với nguyện vọng của bà con, tạo thêm nguồn lực để thoát nghèo” - ông Phong nói.
Thời gian tới, mục tiêu giảm nghèo của Quế Sơn được định hình bằng các giải pháp khá rõ. Đó là, triển khai chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững theo hướng nâng cao nhận thức và quyết tâm thoát nghèo; đẩy mạnh chương trình cho vay lãi suất ưu đãi với tăng cường kiểm tra, hướng dẫn hộ nghèo sử dụng vốn có hiệu quả; làm tốt công tác khuyến nông - khuyến công, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Chặng đường sắp tới không chỉ là kỳ vọng, mà còn thể hiện rõ quyết tâm đồng hành, đưa người nghèo, gia đình chính sách no ấm cùng quê hương…