Kết nối và chia sẻ. Tử tế và đầy trách nhiệm. Anna Papoutsakis – một giảng viên người Úc đã chọn Quảng Nam để làm những điều tâm nguyện…
Anna trong các hoạt động thiện nguyện tại Quảng Nam.Ảnh: S.A |
Cuối năm 2017, Anna trở lại Việt Nam cùng một tin vui, ấy là chị đã có em bé, cùng người chồng mà Anna gặp trong lần hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Cũng là lần trở lại không phải vì một sự giúp đỡ, mà là dịp để người Việt Nam ghi nhận tấm lòng của một cô gái quốc tịch Úc vừa được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” của Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Gương mặt rạng rỡ của một người sắp làm mẹ, cũng là của một tấm lòng nhân ái, mang đến nhiều cảm hứng cho người đối diện…
“Tôi đã thấy những tia hy vọng”
Đã bước sang năm thứ 8 ghi dấu những hoạt động của Anna Papoutsakis tại mảnh đất xứ Quảng. Những người nghèo ở vùng trung du Tiên Phước, hình như cũng quen hơn với một cô gái ngoại quốc mắt sâu tóc xoăn, quần jean bụi bặm, dắt đến nhà họ từng con bò giống, trao cho con họ từng bộ áo quần hay những chiếc xe đạp vào mỗi đầu năm học. Hầu như rất ít người nước ngoài đến Việt Nam, lại tìm tới những nơi chưa được nhắc đến trên bản đồ du lịch như Anna. Cô nói, năm 2010, khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, bằng xe máy, từ Sài Gòn cô đi đến Quảng Nam, dừng chân ở trại trẻ mồ côi và khuyết tật Tam Đàn. Rồi từ độ ấy trở đi, mỗi kỳ nghỉ dài là cô lại đóng gói hành lý, về với Quảng Nam. Có năm thì hai tháng, có năm 4 tháng, riêng năm 2012, cô dành trọn 12 tháng ở lại Việt Nam, với những đứa trẻ khuyết tật và tìm tới giúp sức cho những người nghèo Quảng Nam. “Anna nhìn thấy những em bé bị nhiễm chất độc da cam, những em bé bị khuyết tật về thể chất nhưng chúng lại rất hòa đồng, ngoan và giàu cảm xúc. Sau một thời gian tiếp xúc với các em, Anna hiểu rằng mình không thể thay đổi số phận của các em, thì vẫn có thể chia sẻ với các em những điều về cuộc sống xung quanh” - cô giáo người Úc này cho biết. Bắt đầu năm 2010, Anna dành trọn thời gian suốt kỳ nghỉ của mình để ở cùng những trẻ khuyết tật, tìm hiểu về hoàn cảnh của các em và ấp ủ một dự định lớn hơn, từ chính sự tử tế và nhu cầu sẻ chia của mình.
Sau vài tháng trở lại Úc, Anna đã quyết định sẽ tìm cách để đến Quảng Nam, với hành trang không chỉ là những vật dụng cá nhân của một chuyến đi dài, mà phải bao gồm rất nhiều thứ khác – để có thể ít nhiều mang đến những cơ hội cho người nghèo khó đất này. Công việc của cô gái này tại Úc hầu như gắn liền với sự chuyển tải, từ chuyên môn đến cảm xúc. Dạy học tại một ngôi trường sẽ đào tạo ra những giáo viên mầm non tương lai, với Anna, không gì quan trọng hơn là nắm bắt được cảm xúc của chính đối tượng mình đang muốn hướng đến. Cô chia sẻ, việc giúp đỡ một ai đó, đầu tiên không phải vì giúp họ, mà chính là giúp cho bản thân mình. Những tháng ngày tuổi trẻ tại Việt Nam, với Anna, tất cả đều mang ý nghĩa. Mỗi một tiếng reo vui của trẻ bất hạnh, mỗi ánh mắt rạng rỡ tia hy vọng của những người nghèo miền trung du, đều để lại ám ảnh với cô gái ngoại quốc này. “Tôi nhìn thấy tia hy vọng, sự tích cực ở những người nghèo tôi từng gặp. Dù rất khó khăn, nhưng họ luôn biết chia sẻ, từ thức ăn đến công việc làm. Và đó là điều làm tôi nghĩ rằng, những người Việt Nam rất nghĩa tình, và họ sẽ luôn vươn lên. Tôi quay lại mỗi năm vì điều đó” - Anna nói.
Và… tình yêu nảy mầm
Hơn 3 năm trước, Anna đến Tiên Phước cùng một người đàn ông Úc. Và anh trở thành người bạn đời của cô, người đồng hành với Anna mỗi chuyến đến Việt Nam. Như một người kể chuyện, Anna thuật lại cuộc sống của những người Việt dưới chân núi xứ Tiên, nơi mà mỗi ngày họ cần nhiều hơn những bát cơm hay rau trong vườn. Với những người bạn Úc, vật chất không tạo nên giá trị cuộc sống, nhưng buộc cuộc sống đó phải có những tiện nghi đủ để tạo lập nên một con người tự do. Anna nói, nếu họ sử dụng một nguồn nước ô nhiễm, hay phương thức sản xuất không được cải tiến, thì họ sẽ rơi vào một cảnh huống khác, khi ấy những giá trị để hình thành nên cuộc sống sẽ bị coi nhẹ. Và cô, trước khi gặp chồng mình, đã tìm cách kể lại những câu chuyện này với bạn bè mình. Họ cùng nhau vận động để xây dựng nên những hệ thống lọc nước ở các vùng còn khó khăn, như Nông Sơn, hay Tiên Phước. Xứ Tiên vốn dĩ gắn với Anna như một mảnh đất quen thuộc nhất của cô ở Việt Nam. Cũng chính những người dân ở các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Lãnh… với kiểu sống chân chất của mình, đã khiến Anna nghĩ mình không chỉ là một người bạn với họ, mà là người thân, người nhà. Sự ghi nhận cao quý nhất dành cho Anna, cô nói, không phải là bất cứ những sự tôn vinh nào, mà là một lời hỏi thăm, một cái ôm, một lời chào từ những gia đình mà cô đã sẻ chia. Đã có hàng trăm con bò giống được trao cho các gia đình trong suốt gần 8 năm qua, hàng trăm chiếc xe đạp đến với trẻ em nghèo, hàng ngàn bộ quần áo, sách vở mà Anna vận động được… Ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội hữu nghị Việt Nam tỉnh Quảng Nam, nói “ngoài việc trực tiếp làm công tác tình nguyện và hỗ trợ giúp đỡ những đối tượng đặc biệt khó khăn tại Quảng Nam trong nhiều năm qua, bà Anna cũng nỗ lực kêu gọi, giới thiệu một số tổ chức phi chính phủ Úc, cá nhân, doanh nghiệp Úc tham gia vào các chương trình nhân đạo tại đây; đồng thời tích cực tham gia quảng bá hình ảnh con người, văn hóa Quảng Nam đến bạn bè quốc tế, nhất là người dân Úc”.
Không chỉ vậy, cô gái ngoại quốc này còn tìm cách để đưa những du học sinh Việt Nam tại Úc cùng đồng hành với cô trong những chuyến trở lại Việt Nam. Cô nói, với mỗi người làm công tác giáo dục mầm non, điều quan trọng nhất là hình thành nên sự đồng cảm với chính đối tượng, để từ đó tìm cách chia sẻ cùng họ. Anna nói vui, những đứa trẻ ở trung tâm trẻ mồ côi và khuyết tật nói với cô, khi nào sinh em bé xong, mang em bé qua Việt Nam thì chúng sẽ giữ em để cô đi làm thiện nguyện. “Và chỉ cần vậy thôi mà Anna vui lắm! Điều quan trọng nhất Anna đến với Việt Nam, là để mình được chia sẻ cùng mọi người và được mọi người sẻ chia” - Anna nói thêm. Cũng như ngay trong buổi Quảng Nam trao tặng kỷ niệm chương cho cô, Anna nói rằng, với cô, điều quan trọng nhất là đến được với những người nghèo, những người còn thiếu thốn, để mang tới cho họ cơ hội thay đổi hoặc làm cho cuộc đời mình tốt hơn lên. Ngay khi bắt đầu đặt chân đến Việt Nam, cho đến thời điểm này, tất cả mọi việc Anna đã làm được, cô nói, với chính bản thân cô cũng là một điều bất ngờ. Ngay cả người bạn đời, và đứa con đang thành hình, đều bắt đầu từ cơ duyên tại Quảng Nam. Và đó chính là sợi dây liên hệ, để như một lời đinh ninh, Anna nói, cô sẽ còn quay lại Việt Nam nhiều hơn nữa, với thêm nhiều hơn những hoạt động xã hội, nhiều hơn bạn bè…
Và hẳn, đó cũng là cách để cô bắt đầu kể chuyện với con của mình. Rằng, hãy chia sẻ để tử tế với mình…
SONG ANH