Tại hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động dân cử mới đây, đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giám sát được chia sẻ đến các đại biểu trẻ...
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức:
“Lựa chọn vấn đề nóng để thực hiện giám sát”
Là chức năng cơ bản của HĐND nên hoạt động giám sát đòi hỏi cao về tính chất thường xuyên, có kế hoạch cụ thể; phạm vi rộng, có tính toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng... Hoạt động này hướng tới đối tượng giám sát là các cơ quan do HĐND bầu ra và mọi tổ chức, cá nhân tại địa phương. Giám sát phải tiến hành cả nơi làm tốt và chưa làm tốt để nắm vững tình hình, phục vụ cho quyết sách hoặc điều chỉnh những điểm không phù hợp. Để hoạt động giám sát có chất lượng và hiệu quả, căn cứ vào chương trình của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - ngân sách chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện trong từng thời gian cụ thể đối với vấn đề có liên quan về lĩnh vực tài chính ngân sách. Như vậy, việc lựa chọn chủ đề nội dung giám sát là rất quan trọng. Chọn phải cho “đúng” và cho “trúng” những vấn đề bức xúc ở địa phương, ở cơ sở đang cần được tháo gỡ, trong từng thời điểm nhất định, được nhiều cử tri, nhiều cấp ngành quan tâm. Để sau khi giám sát, HĐND có đưa ra kết luận, kiến nghị sẽ nhận được sự đồng thuận. Sau mỗi đợt giám sát, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc giải quyết của các cơ quan, đơn vị được giám sát cho đến khi có kết quả, không để xảy ra tình trạng nửa vời hoặc “rơi vào im lặng”, làm giảm hay mất hiệu lực của công tác giám sát...
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Dương Triều:
“Giám sát nhiều đối tượng để so sánh, đối chiếu”
Thời gian qua, việc lựa chọn giám sát chuyên đề được bàn bạc kỹ trong Ban Văn hóa - xã hội và được sự thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh. Nội dung được chọn để tổ chức giám sát chuyên đề thường là những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc, nổi cộm trên lĩnh vực văn hóa - xã hội được cử tri quan tâm. Trên cơ sở nội dung được giám sát, Ban xác định đối tượng được giám sát cho phù hợp. Bên cạnh những địa phương, đơn vị thực hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc, Ban còn chọn các địa phương, đơn vị làm tốt nhằm qua đó so sánh, đối chiếu và rút kinh nghiệm những cách làm hay. Kết thúc đợt giám sát, Ban có báo cáo kết quả giám sát cho Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các địa phương, đơn vị được giám sát. Báo cáo nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Qua đó có kiến nghị cụ thể, xác đáng đối với UBND và các địa phương, đơn vị được giám sát tổ chức khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh.
HÀN GIANG