Chia sẻ kinh nghiệm phát triển giống cây lâm nghiệp

TRẦN NGUYỄN 28/04/2017 08:31

Giống cây lâm nghiệp kém chất lượng được xem là nguyên nhân khiến năng suất gỗ cũng như giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác rừng thấp. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng hành lang pháp lý kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cây trồng.

Trôi nổi vườn ươm

Diện tích trồng rừng trong nhân dân chiếm ít hơn 70% tổng diện tích rừng sản xuất nhưng bất cập là lâu nay nông dân sử dụng các giống cây hạt bán trôi nổi trên thị trường. Một số nơi tự ươm trồng cây đến năm thứ 2 đã ra hoa kết trái làm chững lại sự phát triển về chiều cao và tán lá. Khâu quản lý giống đưa vào trồng rừng tập trung và phân tán còn thả nổi. Theo các chuyên gia trồng trọt, giống cây lâm nghiệp là một khâu quan trọng và có tính quyết định đến toàn bộ chuỗi sản xuất hàng hóa đối với ngành lâm nghiệp. Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, giống cây trồng lâm nghiệp không những tác động đến năng suất, chất lượng rừng trồng, mà còn cả tính ổn định, bền vững và sức sản xuất của đất và hệ sinh thái.

Ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng đầu tư các vườn ươm giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng, cho năng suất cao.  TRONG ẢNH: Vườn ươm giống cây cao su tại xã Trà Nú (Bắc Trà My). Ảnh: T.N
Ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng đầu tư các vườn ươm giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng, cho năng suất cao. TRONG ẢNH: Vườn ươm giống cây cao su tại xã Trà Nú (Bắc Trà My). Ảnh: T.N

Theo Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh có 175 đơn vị, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó có 43 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, 132 cơ sở không đăng ký kinh doanh. Nhu cầu về số lượng cây giống  (chủ yếu các loài keo, sao đen, lim xanh, lát hoa, dầu rái) tăng cao, từ 14 triệu cây năm 2012 lên 60 triệu cây vào năm 2016. Số lượng cây có chứng nhận nguồn gốc vật liệu giống chiếm tỷ lệ 52,7% và 47,3% không có chứng nhận nguồn gốc. Cây con bằng nhân giống sinh dưỡng (nuôi cấy mô, giâm hom) mỗi năm trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ khoảng 20 triệu cây (chiếm 41% tổng số cây cho trồng rừng sản xuất). Thời điểm này mới có 8 loài cây được công nhận nguồn giống gồm kiền kiền, lim xanh, sơn huyết, trám, dẻ, keo lưỡi liềm, sao đen, keo lai.

Là doanh nghiệp lớn về trồng rừng nhưng qua nhiều năm Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam mới liên kết hợp tác với người dân ở huyện Đại Lộc, Hòa Vang mở rộng trồng 216ha rừng đạt chứng chỉ quốc tế (FSC). Giống chất lượng kém, khó chống chịu với thời tiết khắc nghiệt nên người dân thường khai thác “bán non”. Để có nguồn giống chất lượng, người dân phải lặn lội vào các tỉnh phía Nam mua do trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô có quy mô lớn. Xác định phải chuyển đổi mạnh về cải thiện chất lượng giống và nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng, tỉnh đã đầu tư một số mô hình như trồng rừng keo nuôi cấy mô và hỗ trợ giống keo Úc nhập khẩu tại huyện Thăng Bình và Đông Giang với diện tích 13,5ha.

Kinh nghiệm từ các địa phương

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nhiệm vụ xuyên suốt phát triển rừng từ năm 2017 trở đi là kiểm soát được chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, cung ứng các nguồn giống tốt phục vụ trồng rừng; áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Tỉnh sẽ kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân theo những mô hình phù hợp, đặc biệt đầu tư phát triển cơ sở sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Từng bước chuyển đổi từ việc trồng rừng gỗ nhỏ (nguyên liệu giấy, băm dăm) sang trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC. “Quan điểm của tỉnh là đầu tư vườn ươm cây giống có chất lượng, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng nguồn giống kém chất lượng, không có nguồn gốc để gieo ươm và đưa vào trồng rừng” - ông Thanh lưu ý.

Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh khai thác hơn 5.000ha rừng trồng của nhân dân. Tuy nhiên, sau nhiều năm Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - WWF mới công nhận gần 1.000ha rừng trồng của người dân ở Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức đạt chứng chỉ quốc tế về trồng rừng (FSC). Trong khi đó, muốn xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ qua thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu... đều phải yêu cầu nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp, đạt chứng chỉ FSC. Điều này lý giải vì sao doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu thường không dám tiêu thụ nguyên liệu trong nước. Đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ về giải pháp phát triển rừng trồng bền vững theo cách vận động các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng đạt chứng chỉ FSC. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững do Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế quản lý. Các khu rừng sau khi cấp chứng chỉ FSC đã được quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, các cánh rừng của nhân dân do Hội chủ rừng phát triển bền vững hỗ trợ quản lý đều duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho rằng, xây dựng các mô hình trình diễn về trồng rừng thâm canh sử dụng giống tốt là hết sức quan trọng. Để nhanh chóng đưa các giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành lâm nghiệp Quảng Nam cần định hướng xây dựng và phát triển các mô hình điểm về trồng rừng thâm canh sử dụng giống tốt, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho rằng, giống cây lâm nghiệp đã đưa vào nghị quyết của đảng bộ. Để đưa giống chất lượng cao vào sản xuất lâm nghiệp, năm 2016 Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó đưa tỷ lệ sử dụng giống tốt hơn 30% trong tổng diện tích trồng rừng và xây dựng mô hình trồng rừng bằng giống tốt và áp dụng kỹ thuật thâm canh cao. Tỉnh Hà Giang bắt buộc các cây giống đưa vào trồng rừng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp chứng chỉ nguồn gốc lô giống cây con, tăng cường đưa các chủng loại giống mới, chất lượng cao vào trồng rừng. Đặc biệt, với những diện tích trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước, tỉnh Hà Giang yêu cầu phải sử dụng 100% giống có nguồn gốc rõ ràng để trồng rừng thì mới được thanh toán. Đối với những diện tích trồng rừng do người dân tự bỏ vốn, tỉnh khuyến khích các hộ sử dụng giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào phục vụ trồng rừng. Qua 2 năm thực hiện, 100% diện tích rừng trồng bằng nguồn ngân sách hỗ trợ được trồng bằng giống tốt và áp dụng thâm canh rừng gỗ lớn.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển giống cây lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO