Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập”

QUANG HÀ 06/10/2023 13:47

(QNO) - Sáng nay 6/10, tại thị xã Điện Bàn, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Hơn 110 đại biểu ở 18 huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, trường học tham dự.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: QUANG HÀ
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: QUANG HÀ

Kể từ khi triển khai mô hình “Công dân học tập”, Hội Khuyến học tỉnh và các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó nâng cao nhận thức cho toàn dân về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới.

Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Hội Khuyến học tỉnh, có 15/18 hội khuyến học cấp huyện đã tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch thực hiện mô hình “Công dân học tập”.

Theo Hội Khuyến học tỉnh, tính đến ngày 2/10, trên địa bàn tỉnh có 53.100 công dân đăng ký, đánh giá thành công trên phần mềm Công dân học tập. Hội cũng đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho cán bộ hội khuyến học cấp xã, chi hội thôn, bản, khối phố và ban khuyến học trường học, cơ quan, đơn vị với gần 1.000 người tham dự.

Trong quá trình xây dựng mô hình đã gặp nhiều vướng mắc khi việc ứng dụng các thiết bị máy tính và internet ở người lớn tuổi còn hạn chế, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, các địa phương còn gặp khó khăn về tài chính khi phân bổ kinh phí hoạt động còn chậm, hạn hẹp.

Tại tọa đàm, các địa phương thực hiện tốt mô hình “Công dân học tập” đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay như: Tham mưu cho chính quyền kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, mặt trận, đoàn thể trong xây dựng mô hình; phát huy tối đa vai trò của thành viên chi ủy chi bộ, ban nhân dân thôn/khối phố; vận động đối tượng hưu trí làm nòng cốt cho phong trào, trong công tác tuyên truyền người dân tham gia…

Chương trình “Xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2022 nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.

Phấn đấu đến năm 2030, 90% người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO