(QNO) - Hiện nay, tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đang hình thành một nhóm hướng dẫn viên dành riêng cho du khách có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu về nghiệp vụ trùng tu, bảo tồn di sản.
Chuyên viên của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An giới thiệu với du khách về quy trình trùng tu, tu bổ tại di tích. Ảnh: K.T.H |
Khách đăng ký tham gia chương trình này thường là người châu Âu khá lớn tuổi, học vấn cao, đôi khi cũng có một số khách trẻ tuổi hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Họ mong muốn được tìm hiểu về công tác tu bổ, bảo tồn của chính quyền và người dân Hội An.
Một nhóm cán bộ của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An gồm những chuyên viên Phòng Bảo tàng, Phòng Quản lý di tích sẽ đón khách tại khu phố cổ. Sau đó đưa họ đến công viên Kazik, đến các bảo tàng, các ngôi nhà đang hoặc mới được trùng tu.
Tại công viên Kazik, khách sẽ được nghe kể về những đóng góp của kiến trúc sư Kazik (người Ba Lan) với việc lập hồ sơ trình UNESCO đề nghị tổ chức này công nhận đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Trong lúc di chuyển, du khách sẽ tham gia một trò chơi đòi hỏi sự quan sát, nhận biết để cùng khám phá, nhận diện sự khác nhau của mặt tiền các ngôi nhà.
Sau khi được thưởng thức trà Việt tại không gian giếng trời của Bảo tàng Văn hóa dân gian, du khách được đến một ngôi nhà đang tiến hành trùng tu. Tại đây, khách vừa được thấy công việc trùng tu di tích, vừa được các chuyên viên Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ những câu chuyện về quy trình của việc tu bổ một công trình.
Chuyên viên của trung tâm (bìa phải) đưa khách tham quan phố cổ bằng thuyền trên sông Hoài. Ảnh: K.T.H |
Một chuyên viên của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Những năm qua trung tâm thường được đón tiếp các vị khách trong mạng lưới di sản quốc tế đến trao đổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản Hội An. Chúng tôi nhận thấy, ngoài những vị khách của trung tâm, một số du khách nước ngoài khi đến Hội An cũng muốn tiếp cận những kiến thức chuyên sâu về bảo tồn di sản. Vì vậy chúng tôi cùng nhau hình thành và xây dựng chương trình này để góp phần quảng bá công tác bảo tồn của người dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền Hội An”.
Du khách tham gia chương trình đặc biệt thích thú với những câu chuyện về chủ nhân của ngôi nhà và những câu chuyện về vai trò của từng phần trong ngôi nhà cổ như gian bếp, gian nhà thờ. Họ cũng rất tò mò về tầm quan trọng khác nhau của vị trí phía bên trái, bên phải ngôi nhà cổ...
Hy vọng, trong tương lai, nhóm cán bộ, chuyên viên này của trung tâm sẽ duy trì, phát huy tốt hoạt động hướng dẫn du khách theo hướng chuyên môn để góp phần quảng bá đến du khách quốc tế về công tác bảo tồn, tu bổ di tích tại Hội An. Đây cũng là công việc nhằm phát huy sự tìm hiểu, học hỏi chuyên môn của thế hệ chuyên viên trẻ trong Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đối với những thế hệ cán bộ từng có bề dày kinh nghiệm trong việc bảo tồn, tu bổ di tích.
KHIẾU THỊ HOÀI