Cuộc chiến da cam không đơn lẻ, bởi luôn có sự vào cuộc, chung tay của cộng đồng. Tuy vậy, vẫn cần hơn nữa những trái tim truyền hơi ấm tình người để giảm thêm phần nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam (CĐDC).
Nạn nhân da cam học nghề làm hương tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin và trẻ em khuyết tật Quảng Nam. Ảnh: MINH HẢI |
Sự đồng hành của tổ chức
Theo ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, đến nay, cả tỉnh vẫn còn hàng nghìn trường hợp bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC mà chưa được giải quyết chế độ, hỗ trợ do vướng mắc về hồ sơ thủ tục. Sự khắt khe trong xét duyệt khiến hàng nghìn hồ sơ nạn nhân tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị trả lại. Đó cũng là trăn trở của những người làm công tác hội. Còn có biết bao người sống quằn quại với nỗi đau, sống đời thực vật, nhiều người trong số đó đã ra đi mà chưa được an ủi, hỗ trợ. “Nạn nhân da cam tuổi thọ rất thấp, sống được ngày nào hay ngày đó. Chúng tôi chỉ biết động viên họ an lòng, chờ chính sách mới của Đảng, Nhà nước mà thôi” - ông Nguyễn Anh Cả tâm sự. |
Đại Lộc nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh trong phong trào cũng như công tác hỗ trợ, đồng hành, chăm sóc nạn nhân da cam. Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện cho biết, hội hiện có hơn 1.570 hội viên, trong số đó hội viên là nạn nhân da cam chiếm đến hơn 1.180 người, còn lại là hội viên danh dự và tình nguyện viên. Toàn huyện có 276 trường hợp thuộc diện tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trực tiếp và gián tiếp hưởng chính sách. Nạn nhân da cam là dân thường hơn 1.700 người và con đẻ của họ có gần 600 trường hợp bị dị tật, dị dạng. Những năm qua, ngoài thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân da cam, các cấp hội đã tích cực động viên, hỗ trợ hội viên vượt qua số phận, nỗi đau trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, các cấp hội đã kêu gọi tổ chức từ thiện - nhân đạo bên cạnh hỗ trợ thường xuyên, dành thêm nguồn lực giúp đỡ nạn nhân da cam trong dịp lễ tết, kỷ niệm ngày truyền thống hội, Ngày vì nạn nhân da cam (10.8). Giai đoạn 2015 - 2016, riêng Hội Nạn nhân CĐDC cấp xã ở Đại Lộc đã vận động được hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân da cam. Hội cấp huyện vận động nguồn lực xã hội trao tặng trực tiếp đến nạn nhân da cam hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Để việc hỗ trợ được kịp thời, chính xác, các cấp hội ở Đại Lộc thực hiện tốt công tác điều tra, quản lý nạn nhân, có danh sách, địa chỉ cụ thể. Một số trường hợp được hỗ trợ cho vay không lãi suất để đầu tư chăn nuôi bò phát triển kinh tế. Từ năm 2015 trở đi, từ nguồn của Hội Bảo trợ trẻ em nhiễm dioxin tại Pháp (VNED), 24 trẻ em là nạn nhân da cam của huyện được hỗ trợ thường xuyên với mức 300 nghìn đồng/tháng/trẻ.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trao số tiền 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ nạn nhân CĐDC/ dioxin Quảng Nam. Ảnh: V.ANH |
Theo số liệu từ Hội Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 35 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, đến nay hơn 7.000 nạn nhân bị nhiễm CĐDC, trong đó thế hệ thứ nhất hơn 5.000 nạn nhân, số còn lại là thế hệ thứ 2, thứ 3 và thế hệ thứ 4. Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho hay, bên cạnh hoạt động hỗ trợ thường xuyên, việc hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách luôn được các cấp hội chú trọng. Nhiều năm qua, bên cạnh huy động nguồn lực xã hội hóa đồng hành, hỗ trợ nạn nhân trực tiếp và gián tiếp, hội cấp tỉnh phối hợp thực hiện tổng rà soát đối với 7 nhóm đối tượng người có công; lập danh sách nạn nhân cần giúp đỡ về khám chữa bệnh, khó khăn về nhà ở, các cháu cần giúp đỡ về học bổng hoặc đỡ đầu. Tiếp tục phối hợp tham gia rà soát và nắm chắc số lượng 3 thế hệ nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học; phối hợp cùng thành viên Hội đồng Giám định y khoa tỉnh trong công tác giám định nạn nhân da cam…
Chỗ dựa tin cậy
Theo thông tin đăng tải trên website của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Nam (tại địa chỉ: vava.quangnam.gov.vn), dịp kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10.8 vừa qua, có 152 tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Nam tổng số tiền hơn 747 triệu đồng. Trong đó các đơn vị ủng hộ nhiều như: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (100 triệu đồng); Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (100 triệu đồng); Chi nhánh Công ty Xăng dầu khu vực V - TNHH MTV tại Quảng Nam (60 triệu đồng); tổ chức GGC Việt Nam (50 triệu đồng); UBND tỉnh Quảng Nam (50 triệu đồng); Đoàn Văn công Quân khu 5 (40 triệu đồng); Công ty TNHH Lê Hiền (30 triệu đồng); Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng (30 triệu đồng)… |
Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin và trẻ em khuyết tật Quảng Nam nhiều năm nay là “chỗ dựa tin cậy” của nhiều thanh niên, trẻ em da cam tại khu vực TP.Tam Kỳ và vùng lân cận. Trẻ đến với trung tâm, căn cứ vào độ tuổi, khả năng, sẽ được bố trí vào lớp học chữ, dạy kỹ năng hay bố trí cho học nghề làm hương. Đối với những ca nặng, thiểu năng vận động được bố trí vào phòng phục hồi chức năng, nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Hơn 50 trẻ em, thanh niên da cam đến với trung tâm là mỗi số phận, hoàn cảnh, đều được thầy cô, nhân viên trung tâm lập hồ sơ, lý lịch đầy đủ. Hằng ngày, vào 7 giờ nhân viên trung tâm đón các em từ phụ huynh và sẽ trả lúc 17 giờ - 17 giờ 30. Mỗi ngày, các em được bố trí ăn trưa, ngủ nghỉ tại trung tâm. Tin vui là gần đây, Hội Hàn Quốc yêu Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ trung tâm hơn 1 tỷ đồng xây nhà đa năng, tạo điều kiện cho các em vui chơi, giải trí, vận động.
Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Giám đốc trung tâm chia sẻ, do điều kiện kinh phí khó khăn, nguồn lực chủ yếu từ xã hội, để tạo điều kiện tối đa cho việc chăm sóc nạn nhân, trung tâm hạn chế phình to bộ máy, do đó mỗi nhân viên phải kiêm nhiệm rất nhiều việc. Tuy hoạt động trong điều kiện khó khăn, trung tâm vẫn cố gắng duy trì, trở thành chỗ dựa tin cậy của trẻ, đặc biệt là nạn nhân da cam. Cũng theo bà Liên, từ đầu năm đến nay, trung tâm cũng tiếp nhận 41 đoàn, tổ chức, cá nhân đến thăm, trao quà, tặng nhiều dụng cụ chức năng, lương thực thực phẩm, nhằm giúp các em cải thiện đời sống, sinh hoạt. Trung tâm cũng tạo điều kiện cho các em phát huy đời sống tinh thần như giao lưu với đơn vị bạn ở Đà Nẵng, giao lưu với các đoàn đến thăm, tham gia hội diễn văn nghệ nhân dịp lễ, ngày truyền thống hội, Ngày vì nạn nhân da cam (10.8)…
Bà Liên cũng cho hay, qua theo dõi, sức khỏe nhiều nạn nhân CĐDC ngày càng giảm sút, bệnh tình chuyển biến nặng, dù trung tâm và gia đình đã nỗ lực chăm sóc, tạo mọi điều kiện để các em phát triển thể chất và tinh thần cũng như hòa nhập cộng đồng. Có em đã 5 tháng nay không thể tiếp tục đến trung tâm như các bạn; trong khi đó nhiều trường hợp trẻ da cam có phụ huynh chuyển bệnh nặng qua đời để lại chuỗi cơ cực đè thêm lên số phận các em. “Hiểu nỗi đau đó, chúng tôi cố gắng san sẻ khó khăn, nhọc nhằn của các em và gia đình, để làm “chỗ dựa tin cậy” của các em. Khó khăn hiện nay là trung tâm không triển khai nội trú cho các em được bởi chủ trương tránh phình to bộ máy. Song để giảm bớt nhọc nhằn cho phụ huynh các em, chúng tôi rất cần một chiếc xe chuyên dụng để tổ chức việc đưa đón trẻ, song nguồn lực quá eo hẹp” - bà Liên trải lòng.
-----------------------
Bài cuối: Những “chiến binh” phi thường
TRẦN BÍCH LIÊN